Nhìn lại các vụ án kinh tế trọng điểm: Lợi ích che mờ lý trí

06/05/2018 11:19 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Giai đoạn khai báo tại cơ quan điều tra cũng như quá trình thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa, không ít bị cáo đã đưa ra những lý do mang tính ngụy biện như nhận thức hạn chế, không phụ trách về lĩnh vực tài chính nên không cập nhật được các quy định pháp luật, không được các cơ quan quản lý Nhà nước cảnh báo kịp thời.

Thậm chí, có bị cáo còn viện dẫn, đổ thừa cho các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước... Vậy đâu là động cơ và nguyên nhân dẫn đến các sai phạm của các bị cáo trong các vụ án kinh tế lớn vừa được đưa ra xét xử?

Chú thích ảnh
Bị cáo Đinh La Thăng cùng sáu đồng phạm trong vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng OceanBank. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sự cám dỗ của lợi ích

Trước hết, phải khẳng định rằng vi phạm của các bị cáo trong những vụ án này là do chính bản thân các bị cáo, không thể đổ lỗi cho cơ chế chính sách, cho hoàn cảnh khách quan và càng không thể đổ thừa cho việc luật pháp còn có những kẽ hở, chưa hoàn thiện, cả “làng” cùng làm nên “đụng” vào ai là người ấy “chết”...

Trên thực tế, không ai ép buộc các bị cáo phải thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật đó. Sai phạm là do họ tự lựa chọn và tự đi quá giới hạn của pháp luật.

Nhà nước giao cho doanh nghiệp vốn để kinh doanh, trao quyền tự chủ để doanh nghiệp quản lý nguồn vốn đó sao cho hiệu quả. Bản thân người chủ doanh nghiệp luôn phải tính toán kế hoạch kinh doanh với lợi ích cao nhất để bảo toàn vốn của Nhà nước. Song, trong những vụ án kinh tế này, các bị cáo đã bất chấp pháp luật, bất chấp rủi ro, đầu tư tràn lan... gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn cho Nhà nước. Có thể nhìn nhận, động cơ phía sau của các bị cáo thường là lợi ích cá nhân, lợi ích của một nhóm cùng câu kết, cùng hưởng lợi.

Bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) “ưu ái” chỉ định tổng thầu dựa trên mối quan hệ thân thiết với Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) mà không màng đến hiệu quả của số tiền đầu tư.

Hệ quả là số tiền hơn 1.100 tỷ đồng đó đã không được đầu tư đúng mục đích, gần 120 tỷ đồng của Nhà nước bị thất thoát, sự chậm trễ của dự án, sự lãng phí của những khối máy móc nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt.” Nhiều khoản tiền thất thoát đã được xác định để sử dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật.

Trong vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (khi ấy là Tổng Giám đốc OceanBank) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình cũng như vị thế ảnh hưởng của PVN với tư cách là cổ đông chiến lược của OceanBank để chi phối, yêu sách, áp đặt và chỉ đạo Hà Văn Thắm thực hiện việc thu phí, chi lãi suất trái pháp luật nhằm mục đích trục lợi. Qua đó, Nguyễn Xuân Sơn đã nhận và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, sử dụng số tiền chiếm đoạt được vào mục đích cá nhân và chia chác cho một số mối quan hệ thân hữu.

Trong mối quan hệ giữa PVN và OceanBank, yếu tố lợi ích nhóm cũng thể hiện rõ khi Đinh La Thăng ký đến hai văn bản yêu cầu các công ty thành viên, công ty con, cán bộ, công nhân viên phải sử dụng các dịch vụ của OceanBank. Thậm chí, khi biết rõ OceanBank là một ngân hàng có năng lực kém, tính thanh khoản thấp, Đinh La Thăng vẫn quyết định góp 800 tỷ đồng vốn Nhà nước.

Trước Tòa, Đinh La Thăng vẫn cho rằng OceanBank luôn làm ăn có lãi, PVN luôn được chia cổ tức trong nhiều năm. Tuy nhiên, theo số liệu thanh tra, số tiền hơn 224 tỷ đồng chia cổ tức PVN nhận từ OceanBank có nguồn gốc từ vốn điều lệ của OceanBank chứ không phải lấy tiền lãi từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng này.

Thực tế, đối với Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị OceanBank), 800 tỷ đồng của PVN góp vào OceanBank chưa phải là lớn. Mục đích sâu xa hơn của Hà Văn Thắm có lẽ là khai thác tiềm năng khổng lồ của PVN. Hai văn bản của Đinh La Thăng đã giúp cho mục đích của Hà Văn Thắm trở thành hiện thực.

Ngay trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land), Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm đã có sự móc nối, chỉ đạo, thông đồng với một số bị cáo khác để thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land với giá thấp hơn giá trị thực tế 18 triệu đồng/m2 để lấy 87 tỷ đồng, chia nhau chiếm đoạt. Trong số tiền này, Trịnh Xuân Thanh được chia 14 tỷ đồng “móc ruột” từ tiền của Nhà nước.

Bị cáo Ninh Văn Quỳnh khi còn là Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính-Kế toán-Kiểm toán PVN đã “vô tư” nhận 20 tỷ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn và cho rằng “đó là tiền cảm ơn” vì “bản thân đã có những việc làm tác động PVN dành sự ưu ái cho OceanBank.” Rồi một loạt các bị cáo khác đã đương nhiên cho rằng hàng tỷ đồng “đục khoét” của Nhà nước ấy là “tiền cảm ơn” vì “đã giúp cho một dự án, một hợp đồng được ký kết.” Họ không hề nghĩ rằng, đó là tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân đóng góp với kỳ vọng xây dựng một đất nước ngày càng phát triển.

Thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) cho rằng bản chất của con người đều có tính tự do cá nhân và có nhu cầu thỏa mãn. Nhưng tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Luật pháp ra đời chính là để đặt ra giới hạn cho tự do cá nhân đó. Tuy nhiên, song song với luật pháp còn có đạo đức xã hội. Nếu một người chấp hành đầy đủ pháp luật và biết tôn trọng đạo đức xã hội thì đó là người có tư cách.

Vụ án tham ô tài sản tại PVP Land: Luật sư phân tích luận cứ gỡ tội cho Trịnh Xuân Thanh

Vụ án tham ô tài sản tại PVP Land: Luật sư phân tích luận cứ gỡ tội cho Trịnh Xuân Thanh

Ngày 26/1, phiên tòa xét xử vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) tiếp tục với phần tranh tụng của các luật sư. Tại phiên tòa, các luật sư đã tập trung lập luận, phân tích luận cứ nhằm gỡ tội cho thân chủ của mình.

Khi tư cách đạo đức bị tha hóa

Để đánh giá đúng nguyên nhân dẫn đến các hành vi sai phạm của các bị cáo, vấn đề con người luôn được xem xét kỹ lưỡng và thấu đáo. Từ đó, bộc lộ khá rõ nét sự tha hóa, biến chất, đánh mất tư cách của một số cán bộ, đảng viên “tay đã nhúng chàm” trong những vụ án này.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng, trước hết các bị cáo là người đứng đầu các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế cần phải thành khẩn nhận trách nhiệm về mình, nhìn thẳng vào sự thật về sự tha hóa, biến chất của bản thân, không thể đổ thừa cho nhận thức pháp luật hạn chế. Bởi, theo ông Trương Minh Hoàng, bất kỳ cán bộ lãnh đạo nào trước khi được cất nhắc cũng phải trải qua quá trình phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành, tích lũy đầy đủ cả về chuyên môn lẫn nhận thức pháp luật.

Chú thích ảnh
Xét xử bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) cùng đồng phạm trong đại án thất thoát hơn 2.000 tỷ đồng tại OceanBank. (Nguồn: Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chung quan điểm này, ông Phạm Ngọc Thảo (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội) cho rằng việc các bị cáo không chịu tu dưỡng, rèn luyện bản thân chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những hành vi sai phạm. Bởi thực tế, nhiều người cùng điều kiện, hoàn cảnh như các bị cáo nhưng lại không mắc sai phạm, không đồng phạm và đứng lên tố cáo vi phạm. Các bị cáo nguyên là cán bộ, đảng viên trong những vụ án này đã không chấp hành theo Quy định về 19 điều đảng viên không được làm, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân.

Phân tích về vai trò của người đứng đầu trong các vụ án này, tiến sỹ Đinh Thế Hưng (Trưởng phòng Tư pháp hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định đặc điểm tội phạm học của các tội về cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế trong thời gian qua cho thấy đó là thường xảy ra dưới dạng đồng phạm. Tức là tội phạm khó có thể được thực hiện bởi cá nhân một người mà cần có sự liên kết của nhiều người, trong đó đặc biệt quan trọng là vai trò của người đứng đầu. Nếu không có sự chỉ đạo, nhất trí phê duyệt, phê chuẩn của người đứng đầu, tội phạm khó có thể xảy ra và gây thiệt hại. Ngược lại, nếu người có chức vụ quyền hạn trong tổ chức kinh tế của Nhà nước làm đúng trách nhiệm, không vụ lợi, kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của cấp dưới thì tội phạm sẽ được hạn chế rất nhiều.

Nhìn lại một số vụ án kinh tế thời gian gần đây có thể thấy rất rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong hệ thống hành vi sai phạm. Người đứng đầu đã phạm phải chủ nghĩa cá nhân, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Các bị cáo này đã độc đoán, lấn át quyền của tập thể, tự ý quyết định công tác cán bộ, bắt tập thể phải phục tùng ý chí cá nhân. Hoặc do sự móc ngoặc, thỏa thuận ngầm “có đi có lại” giữa người đứng đầu với các thành viên khác nên công tác cán bộ thường phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Những cám dỗ về lợi ích cá nhân đã làm “mờ mắt” các bị cáo, khiến họ bỏ qua chuẩn mực về tư cách đạo đức của người cán bộ, bất chấp quy định của Nhà nước, sẵn sàng thách thức giới hạn pháp luật... nhằm cố tình thực hiện hành vi vi phạm.

Để ngăn chặn sai phạm ngay từ trong trứng nước, rất cần những chế tài xử lý nghiêm khắc, những hành lang pháp lý chặt chẽ, đầy đủ, đồng bộ để vừa răn đe, vừa cảnh cáo cho những ai còn có ý định thực hiện việc làm sai trái nhằm tham ô, chiếm hưởng tiền của Nhà nước, của nhân dân.

Bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường hơn 60 tỷ đồng

Bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường hơn 60 tỷ đồng

Sáng 22/1, tại Phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) và các đồng phạm, Hội đồng xét xử đã tuyên án đối với các bị cáo.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm