Nhiều bước chuyển trong văn hóa và con người Hà Nội

02/11/2015 13:37 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Bên cạnh việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, các yêu cầu phát triển văn hóa - xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô cũng là nội dung quan trọng của Chương trình 04. Và trong 5 năm qua, ở 2 lĩnh vực này, những thành tựu mà Hà Nội thu về trên cũng đủ để mang lại sự tự tin và lạc quan, cho những công dân của Thủ đô.

Điển hình, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn trực thuộc thành phố, với những cái tên “Thăng Long”, “Hà Nội” gắn kèm danh xưng, đã lập nên những thành tích ấn tượng giữa giai đoạn khủng hoảng chung của nền sân khấu phía Bắc.

Với Nhà hát Múa rối Thăng Long, đó là kỷ lục "Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm, được Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức xác lập kỷ lục là “nhà hát duy nhất châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm” vào ngày 18/9/2013.


Cảnh trong vở "Cao Bá Quát" của Nhà hát Chèo Hà Nội

Với Nhà hát Chèo Hà Nội, đó là câu chuyện của đơn vị hiếm hoi “sống khỏe” bằng nghề trong làng chèo toàn quốc  - chưa kể tới việc chủ động triển khai các kế hoạch phát triển bền vững như đề án bảo tồn nghệ thuật Chèo truyền thống, đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường...

Hoặc, ở công tác quản lý của nhà nước về văn hóa, nhiều di sản Hà Nội đã được công nhận và mang về các danh hiệu trong  nước (với 11 trường hợp được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt), hoặc quốc tế (3 trường hợp được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới bao gồm Hoàng thành Thăng Long, 82 bia đá tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lễ hội Gióng).

Ở một góc độ khác, gắn với đời sống hàng ngày, du lịch Hà Nội cũng có sự tăng trưởng bền vững và ấn tượng. Năm 2014, Hà Nội đã đón vị khách quốc tế thứ 3 triệu. Năm 2015, theo đánh giá của trang web du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor, du lịch Hà Nội đứng thứ tư trong top 10 điểm đến hàng đầu trên thế giới.

Bên cạnh những kỷ lục và xếp hạng ấy, nhiều con số thống kê về sự phát triển của Hà Nội trong đời sống văn hóa xã hội cũng rất đáng chú ý. Hiện tại, toàn thành phố đã có 99,7% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, đồng thời tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm bình quân 1,38%.

Và đến năm 2014, số hộ nghèo tại Hà Nội chỉ còn 1,9% so với tỷ lệ 6% trên toàn quốc. Về công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện Hà Nội có  hơn 300 tiến sĩ, 4.100 thạc sĩ trên tổng số 120.000 cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô.

Thành phố có cơ chế đào tạo, thu hút, sử dụng đội ngũ tri thức, nhân lực có tay nghề cao trong trường đại học, viện nghiên cứu lớn đóng trên địa bàn (chiếm 65% tổng số nhà khoa học trong cả nước)...

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm