Nghị định xử phạt vi phạm giao thông đường bộ vì sao phải sửa đổi?

15/12/2010 11:39 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hiện Bộ GTVT đang tiến hành họp bàn cho ý kiến vào tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP sau nửa năm ban hành.

Nghị định 34/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được ban hành khá muộn so với thời gian Luật Giao thông Đường bộ năm 2008. Tuy nhiên chỉ hơn 6 tháng sau khi ra đời, Nghị định 34 (có hiệu lực từ ngày 20/5/2010) đã bộc lộ một số nội dung chưa phù hợp, gây phản ứng cho người dân cũng như doanh nghiệp vận tải.

Bài học từ vụ xe khách bị lũ cuốn

Theo Ban soạn thảo dự thảo sửa đổi, điểm mới trong lần bổ sung này là quy định về việc xử phạt đối với những xe ô tô thiếu dụng cụ thoát hiểm như búa thoát hiểm và bình chữa cháy. Theo ông Nguyễn Văn Công, người phát ngôn kiêm Chánh văn phòng Bộ GTVT, việc bổ sung này rất cần thiết sau những sự cố do mưa lũ bất thường gây ra, đặc biệt là vụ xe khách bị nước lũ cuốn trôi khiến hơn 20 người chết và mất tích ở Hà Tĩnh vừa qua: “Đa phần xe khách hiện nay không trang bị hoặc trang bị đối phó các thiết bị thoát hiểm. Chúng tôi dự kiến sẽ xử phạt 300-500 nghìn đồng đối với lỗi thiếu dụng cụ, thiết bị này trên xe”.

Nhiều hành vi vi phạm giao thông mới xuất hiện trong thời gian qua cũng sẽ được xem xét bổ sung vào nghị định. Điển hình là việc lắp còi hơi vượt quá âm lượng cho phép, dự thảo dự định sẽ xử phạt với mức 2-3 triệu đồng. Ngoài ra, thời gian xử phạt lái xe không có giấy phép lái xe hạng FC cũng sẽ được lùi lại cho phù hợp với quyết định của Chính phủ. Chế tài cho xe ô tô chở khách, xe container không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng sẽ được quy định lại.


Lực lượng chức năng xử phạt người vi phạm Luật Giao thông
Đường bộ theo Nghị định 34/NĐ-CP

Nhiều vấn đề còn tranh cãi

Thành viên Ban soạn thảo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP cho rằng nội dung điều chỉnh là rất nhỏ, không làm giảm hay tăng số điều đã quy định trong nghị định. Sau khi thống nhất được các nội dung liên quan, dự thảo nghị định sẽ được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trước ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Nghị định 34 có nội dung xử phạt người vi phạm hành chính tới 2-3 lần, gây phiền hà, rắc rối và trái với Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính (quy định mỗi hành vi vi phạm chỉ xử phạt 1 lần), Ban soạn thảo nêu rõ: Nghị định thực hiện đúng theo chủ trương Nghị quyết 32 của Chính phủ và trong suốt 4 năm thực hiện trong Nghị định 146 đã thu được những thành quả tích cực. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng phải dựa trên nguyên tắc giúp người dân tuân thủ pháp luật”.

Theo luật sư Nguyễn Đăng Quang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, một hành vi vi phạm hành chính không thể chế tài nhiều lần. Ngoài ra, theo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính thì chỉ tạm giữ phương tiện khi có dấu hiệu tội phạm, vụ việc phức tạp cần xác minh thêm. Nghị định 34 quy định quá nhiều hành vi vi phạm có thể bị giữ xe không chỉ gây rắc rối cho người thực hiện mà còn có nhiều dấu hiệu trái với Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính.

Ông Nguyễn Văn Công, người phát ngôn kiêm Chánh văn phòng Bộ GTVT khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp vận tải và bãi bỏ những thủ tục rườm rà, gây khó khăn, rắc rối trong quá trình thực hiện.

Xe sơ-mi rơ-moóc phải “gọt” bớt chiều cao?

Theo mục 3b, điều 7 Quyết định 60 của Bộ GTVT về giới hạn xếp hàng xe ô tô tải tham gia giao thông đường bộ quy định “chiều cao xếp hàng cho phép nhỏ hơn hoặc bằng 4,2m, áp dụng từ ngày 1/1/2011”. Tuy nhiên, hiện nay các xe container 45 feet theo đúng thông lệ quốc tế cũng đã có chiều cao sơ-mi rơ-moóc và vỏ thùng là 4,35m. “Quy định như vậy thì hàng chục nghìn xe sơ-mi rơ-moóc đạt chuẩn quốc tế, được cấp phép lưu hành, không hiểu sẽ phải “cắt gọt” bớt chiều cao như thế nào?” - ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ.

Thiều Thảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm