Ngao ngán nạn tảo hôn, làm mẹ tuổi 13 không phải chuyện hiếm

19/11/2016 12:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp can thiệp, giáo dục nhưng nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các thôn, bản vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn gia tăng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở những thôn xóm nghèo.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ hẹp, Vừ Văn Sùng (sinh năm 1994), dân tộc Mông xóm Lũng Vài, xã Mông Ân (Bảo Lâm, Cao Bằng) tỏ ra rụt rè. Sùng quen vợ qua mạng xã hội rồi cưới vợ năm 2011. Sùng học đến lớp 7, vợ lớp 5 rồi bỏ học, năm 2012 hai vợ chồng sinh con trai đầu lòng. Ra ở riêng, cơ ngơi của đôi vợ chồng trẻ là túp lều nhỏ lợp cỏ gianh, vách đan từ tre, bên trong chỉ có duy nhất một chiếc giường ngủ.

Giờ đây khi ở độ tuổi đôi mươi đẹp nhất, hai vợ chồng Sùng lại phải nai lưng lo bữa ăn hằng ngày để nuôi con. Vừ Văn Sùng chia sẻ: Giờ nhà có đôi gà và một ít nương rẫy trồng ngô. Đến mùa ngô thì đi trồng ngô, mùa nông nhàn thì đi đập đá kiếm thêm tiền, vợ lên rừng tìm rau đem ra chợ bán. Với Vừ Văn Sùng cưới khi 16 tuổi là muộn rồi. Con của chị cả Sùng sinh năm 1999, học đến lớp 2 đã bỏ học lấy chồng khi mới 13 tuổi, nay đã sinh được 3 con.


Cán bộ dân số tuyến cơ sở phổ biến nội dung mô hình can thiệp dân số đến đồng bào vùng cao huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quang Duy - TTXVN

Còn ông Đào Xuân Vàng, xóm Nà Pù, xã Tân Việt (Bảo Lâm, Cao Bằng) dù là cán bộ xã nhưng vẫn không thể ngăn cản việc con trai lấy vợ khi đang tuổi đến trường. Ông Vàng có hai con trai nhưng con thứ hai sinh năm 1998 lấy vợ khi đang học lớp 12. “Bây giờ nó vẫn đi học ở dưới huyện nhưng vợ nó xấu hổ không dám đến trường nên bỏ học ở nhà làm nương rẫy”, ông Đào Xuân Vàng cho biết.

Theo ông Phan Văn Mạch - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bảo Lâm, mỗi năm huyện thống kê có 20 đến 30 cặp tảo hôn và một vài cặp hôn nhân cận huyết. Nhưng thực tế ở thôn xóm còn nhiều hơn, nhất là ở các xóm vùng sâu vùng xa của người dân tộc Mông, Dao. Nhiều cặp vợ chồng lấy nhau được vài năm, con lớn rồi mới đưa nhau đi đăng ký kết hôn.

Không chỉ ở huyện Bảo Lâm, các huyện Thông Nông, Nguyên Bình,…tình trạng tảo hôn còn diễn biến phức tạp hơn, mặc cho chính quyền và cán bộ làm công tác dân số tuyên truyền đi tuyên truyền lại, năm này qua năm khác. 

Nhiều cán bộ y tế, làm công tác dân số ở các xã khi nhắc đến tảo hôn thở dài ngao ngán. Bà Đoàn Thị Lê - Trạm Trưởng Trạm y tế xã Tân Việt năm nào cũng được mời đi đám cưới trẻ con, toàn từ 13 - 16 tuổi đã kết hôn. Từ đầu năm đến nay, bà đã trực tiếp đỡ đẻ cho 5 trường hợp sinh con khi mới 16 tuổi.

Báo cáo của Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Cao Bằng cho thấy mô hình can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số được thực hiện tại 12 xã của 5 huyện giai đoạn 2009 - 2015 có 1.300 cặp kết hôn thì có tới gần 500 cặp tảo hôn, 25 cặp kết hôn cận huyết thống. Mô hình chỉ can thiệp hoãn tảo hôn được cho 26 cặp, hoãn cưới kết hôn cận huyết được 6 cặp.

Ông Chu Tuấn Khương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh Cao Bằng đánh giá, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống những năm gần đây có giảm nhưng chậm.

Nguyên nhân là do hủ tục lạc hậu đã tồn tại lâu trong đồng bào dân tộc thiểu số không dễ thay đổi. Do vị trí địa lý của từng vùng, miền, vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại khó khăn, sự giao lưu giữa các thôn bản còn hạn chế, sự bất đồng ngôn ngữ, sự khác biệt phong tục tập quán trong đời sống và sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Bên cạnh đó là trình độ, năng lực của đội ngũ nhân viên thường trực và cộng tác viên tình nguyện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, công việc được giao. Thiếu hệ thống sổ sách, biểu mẫu theo dõi, quản lý, báo cáo đồng bộ, thống nhất của hoạt động mô hình giảm thiểu tảo hôn, kết hôn cận huyết.

Để giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình sẽ tiếp tục tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức từ các bậc cha mẹ, những người trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, học sinh đang theo học tại các trường về các nội dung như: Luật Hôn nhân và Gia đình, hậu quả của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết. Lồng ghép nội dung giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết quá trình xây dựng và triển khai các chính sách, nhất là các chính sách văn hóa, xã hội. Đặc biệt, xây dựng biện pháp can thiệp, tuyên truyền, hiệu quả cho người dân, trong đó ưu tiên với các xã xa, xã khó khăn có mức sinh cao và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm chính sách dân số.

TTXVN/Quân Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm