Ngắm biểu tượng văn hóa đọc của người Đà Nẵng

30/08/2015 14:36 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Để xứng tầm là một thành phố năng động và phát triển nổi bật trên cả nước, những năm gần đây, Đà Nẵng đã luôn chú trọng xây dựng các công trình trọng điểm nhằm phục vụ người dân thành phố cũng như khách du lịch, thể hiện mình xứng đáng là một thành phố đáng sống, không chỉ về cơ sở vật chất mà tinh thần con người cũng luôn được đặt lên hàng đầu.

Một trong những công trình có thể kể đến là công trình Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng. Một công trình có thể gọi là biểu tượng của văn hóa đọc, là điểm nhấn văn hóa của thành phố sau khi được khánh thành.

Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng trước khi đi vào trùng tu và nâng cấp. Ảnh: Danang.gov

Được thành lập chính thức từ ngày 2/9/1975, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng hiện nay tiền thân là Thư viện tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, nơi đã in dấu sự trưởng thành của nhiều thế hệ học sinh – sinh viên, văn nhân trí thức hai tỉnh Quảng – Đà.

Sau 9 tháng thi công, thư viện sẽ đi vào hoạt động từ ngày 31/8, có thang máy và điều hòa
phục vụ cho người đọc. Ảnh: Hoàng Yến

Và một vị trí đẹp như Thư viện hiện nay, vừa có hai mặt tiền đường Bạch Đằng và đường Trần Phú – hai con đường lớn của thành phố Đà Nẵng, lựa chọn là nơi đặt một công trình quan trọng về văn hóa, nhằm thể hiện sự đề cao tri thức của TP Đà Nẵng, nhất là trong bối cảnh Đà Nẵng đang chú trọng xây dựng con người lấy văn hóa làm nền tảng.

Sau những trăn trở đó, cuối cùng dự án trùng tu, cải tạo Thư viện Khoa học tổng hợp cũng đã được thực hiện theo như những nguyện vọng của người dân thành phố.

Sau thời gian 9 tháng thi công (từ tháng 11/2014), đến nay Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng cũng đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị từ khâu trưng bày, sắp xếp, bố trí các phòng chức năng, không gian nghiệp vụ, phòng đọc, phòng giải trí,… để có thể khánh thành vào ngày 31/8 và đi vào hoạt động.

Được đầu tư xây dựng với tổng mức dự án từ ngân sách hơn 50 tỷ đồng, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng không những là một điểm đến của văn hóa đọc, nơi tạo nên những giá trị nền tảng của văn hóa và là nơi giao lưu của những nhà tri thức ở nhiều lứa tuổi.

Khi đi vào hoạt động, thư viện sẽ phục vụ từ 8 giờ sáng đến 21 giờ. Ảnh: Hoàng Yến

Khi đi vào hoạt động, những sự kiện có quy mô lớn như Hội Báo Xuân, Ngày Sách Việt Nam, Triển lãm trưng bày Sách theo chủ đề, nhất là Sách về Biển Đảo, sách địa chí, tác phẩm văn học về TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũng sẽ được tổ chức tại đây.

Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn một vạn bạn đọc được cấp Thẻ mượn sách tại Thư viện. Con số đó phần nào cho thấy rằng, với Đà Nẵng, văn hóa đọc vẫn là một nhu cầu không thể thiếu của người dân thành phố. Đây có thể coi là một chốn yên bình thơ mộng giữa khu trung tâm vốn náo nhiệt, năng động của thành phố trẻ, một thành phố đang nỗ lực tạo dựng những giá trị nhân văn, xây dựng con người văn hóa văn minh, hướng đến một thành phố đáng sống thực sự.

Thethaovanhoa.vn xin giới thiệu chùm ảnh Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng:

Hệ thống phòng đọc mới cho phép đón tiếp và phục vụ 2.500 độc giả với phương tiện hiện đại, đồng bộ. Ảnh: Hoàng Yến

Phòng đọc đa phương tiện với 39 máy tính được kết nối với máy chủ. Ảnh: Hoàng Yến

Nguồn tài liệu tại Thư viện vô cùng phong phú bao gồm 250.000 bản sách thuộc nhiều lĩnh vực khoa học, ngôn ngữ. Ảnh: Hoàng Yến

24 cây xanh lớn được xếp vào hàng cổ thụ trồng trong khuôn viên Thư viện trước đã được bảo dưỡng nguyên trạng theo ý kiến của nhiều người dân. Ảnh: Hoàng Yến

Thành phố Đà Nẵng đã đầu tư mỗi tháng 6 triệu đồng từ năm 2014 để Thư viện có thể mua bản quyền “đọc sách trực tuyến” phục vụ độc giả thích đọc sách từ máy tính. Ảnh: Hoàng Yến

Hiện nay, Thư viện đã kết nối thành công với 3 Thư viện quốc gia lớn của Pháp, Hoa kỳ và Hoàng gia Úc cùng nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Ảnh: Hoàng Yến

Các em thiếu nhi sẽ có một phòng đọc riêng với nhiều thể loại sách phong phú và thiết thực. Ảnh: Hoàng Yến

Hành lang được xây dựng bằng hệ thống cửa hiện đại, có thể hấp thụ ánh sáng tự nhiên và dễ chịu. Ảnh: Hoàng Yến

Từ ban công Thư viện, có thể nhìn ngắm dòng sông Hàn và những tòa nhà cao nhất thành phố. Ảnh: Hoàng Yến

Hoàng Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm