25/05/2018 11:44 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Muốn tăng tiền lương thì quan trọng nhất là phải sắp xếp lại bộ máy, biên chế và giảm tối đa lực lượng lao động không đáp ứng được yêu cầu sản xuất và không tạo được ra giá trị từ lao động.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết Số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Mục tiêu tổng quát của đề án cải cách nhằm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế. Về nội dung cải cách, đề án chia làm 2 khu vực là khu vực công (đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang) và khu vực doanh nghiệp (doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước).
Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chia sẻ về vấn đề này.
Trong đề án cải cách tiền lương được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 7, một trong những nội dung lớn đó là Nhà nước chỉ định lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp được tự chủ quyết định tiền lương, việc này liệu có ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động không?
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cơ chế tiền lương hiện nay có quy định mức tiền lương tối thiểu. Đây là mức lương thấp nhất trả cho lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện bình thường.
Khi người lao động làm việc trong điều kiện cao hơn thì dứt khoát không được thấp hơn hoặc bằng mức tiền lương tối thiểu, người lao động đã qua đào tạo phải cao hơn mức tiền lương tối thiểu ít nhất 7%.
Do đó, cơ chế tiền lương cao hay thấp là do thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Đại diện cho người lao động chính là tổ chức công đoàn, thông thương lượng, thỏa ước lao động tập thể và ký kết hợp đồng lao động, đảm bảo tiền lương cho người lao động.
Chúng ta cũng phải thấy rằng, tiền lương của người lao động hiện nay đang đi theo xu hướng trả lương theo số lượng và chất lượng lao động. Có nghĩa là tiền lương phải trả theo giá cả của sức lao động, giả cả sức lao động chính là giá trị của sức lao động. Do đó, người lao động, công đoàn và chủ doanh nghiệp phải thương lượng để đảm bảo trả tiền lương theo đúng số lượng và chất lượng .
Tiền lương hiện nay phải đảm bảo 3 yếu tố. Một là tái sản xuất lao động giản đơn. Hai là tái sản xuất mở rộng và thứ ba là để có một phần nuôi sống gia đình và của để dành khi người lao động hết tuổi lao động. Đây cũng là chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Muốn tăng tiền lương thì có ý kiến cho rằng, phải giảm biên chế. Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, muốn tăng tiền lương thì con đường quan trọng nhất là phải sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, biên chế và giảm lực lượng lao động.
Một trong những yêu tố quan trọng để tạo nguồn để cải cách chính sách tiền lương đó chính là phải giảm tối đa lực lượng lao động và những lao động không đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và không tạo được ra giá trị từ lao động. Đó chính là việc giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy, tạo guồn lực để cải cách chính sách tiền lương và nâng cao tiền lương cho người lao động.
Bên cạnh đó, định hướng trong tương lai, tiền lương tối thiểu của khu vực công phải tiệm cận với tiền lương của khu vực tư. Mức thấp nhất của tiền lương khu vực công phải bằng tiền lương tối thiểu của vùng 1, sau đó từng bước vươn tới bằng bình quân của 4 vùng lương. Đặc biệt, tới năm 2030, mức thấp nhất nêu trên phải cao hơn bình quân chung của 4 vùng lương của khu vực tư. Đây chính là việc thực hiện mục tiêu thu hút người tài vào khu vực Nhà nước, hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất