22/04/2020 22:46 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Đêm nay theo giờ Việt Nam là đêm cực đỉnh của mưa sao băng Lyrids, một trong những mưa sao băng lâu đời nhất được lịch sử thiên văn nhân loại ghi nhận. Đỉnh của trận mưa sao băng sẽ ứng với đêm 22 rạng sáng 23/4/2020.
Sở dĩ có tên Lyrids là vì mưa sao băng này trông như phát ra từ điểm gần chòm sao Lyra - Thiên Cầm có hình dáng một cây đàn lia mà các thiên thần trong thần thoại hay sử dụng. Muốn quan sát, bạn cần tìm chòm sao này.
Những ngôi sao băng thuộc Lyrids vốn là những quả cầu lửa bắt nguồn từ phần đuôi đầy mảnh vụn của sao chổi Thatcher, vật thể quay quanh mặt trời mỗi 415 năm. Để trực tiếp nhìn thấy sao chổi này, chúng ta ở trái đất phải chờ đợi đến tận năm 2276.
Mưa sao băng Lyrids là một trong những trận mưa sao băng lâu đời nhất được nhân loại quan sát và ghi nhận. Từ 2.500 năm về trước, mưa sao băng Lyrids đã được mô tả trong các văn bản lịch sử của Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện tại miền Bắc chuẩn bị đón không khí lạnh, trời nhiều mây, có khả năng khó quan sát được mưa sao băng. Ở các khu vực khác tùy thời tiết, người xem có thể chiêm ngưỡng mưa sao băng.
Nếu đang ở TP HCM, bạn có thể quan sát đêm cực đỉnh của mưa sao băng Lyrids từ 10 giờ đêm thứ tư 22/4 đến 6 giờ sáng thứ 5 ngày 23/4. Xuất hiện vào giai đoạn không có mặt trăng nên việc quan sát đêm cực đỉnh của Lyrids sẽ khá dễ dàng, nhất là ở những nơi không khí tốt, bầu trời trong lành.
Để quan sát, bạn cần tìm một nơi trống trải, có thể là ban công, sân thượng một tòa nhà cao tầng, hoặc ngoài vườn rộng. Hãy tắt các thiết bị điện để mắt làm quen với bóng tối khoảng 15-20 phút, mưa sao băng sẽ hiện rõ hơn.
Người xem có thể chọn vị trí góc nhìn rộng và không có ánh sáng nhân tạo như đèn đường, đèn công trường xây dựng… chiếu vào mắt. Ngoài ra, ở những vùng có mức độ ô nhiễm không khí thấp như nông thôn, ngoại thành hay bờ biển sẽ là nơi quan sát mưa sao băng lý tưởng. Ngược lại, các vùng đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM… sẽ khó quan sát mưa sao băng hơn.
Vào khoảng 1h sáng, nhìn lên bầu trời khu vực phía Đông và Đông Bắc, bạn sẽ quan sát được hiện tượng mưa sao băng.
- Mưa sao băng Thiên Cầm (Lyrids) được hình thành từ những hạt bụi của sao chổi C/1861 G1 (Thatcher), phát hiện lần đầu năm 1861.
Hằng năm, mưa sao băng Thiên Cầm thường xuất hiện từ ngày 16 đến 25/4. Năm 2019, mưa đạt cực đại vào đêm 22, rạng sáng 23/4. Mức độ của mưa sao băng này ở độ trung bình, thường xuất hiện 10-15 vệt tại thời điểm cực đại. Mỗi vệt trung bình cách nhau 15-20 phút.
Năm 1982, mưa đạt đến hơn 180 vệt sáng chỉ trong vài phút, hay năm 1922 cũng đạt tới 100 vệt trong một giờ đạt đỉnh.
Năm 2020, mưa sao băng rơi vào đầu tháng âm lịch, tức ngày không trăng, lý tưởng cho quan sát. Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm ở nơi ít ánh sáng nhân tạo.
Sở dĩ gọi là mưa sao băng Thiên Cầm là bởi các vệt sáng chủ yếu xuất phát từ chòm sao Lyra - Thiên Cầm. Đây là 1 trong 48 chòm sao theo mô hình của Ptolemy, cũng là 1 trong 88 chòm sao hiện đại. Thiên Cầm xếp hình dáng đàn lia, nằm giữa các chòm Thiên Nga, Vũ Tiên, Hồ Ly và Thiên Long.
Mưa sao là hiện tượng thiên văn có thể nhìn thấy bằng mắt thường, có nguồn gốc do các dòng bụi vũ trụ đi vào bầu khí quyển Trái đất với tốc độ cao và bị bốc cháy.
Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất