Một người bị ngộ độc do tự ý uống thuốc sốt rét để dự phòng COVID-19

23/03/2020 23:38 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm vừa điều trị cho một bệnh nhân bị ngộ độc sau khi uống 10 viên thuốc chloroquin để phòng bệnh COVID-19 theo lời đồn trên mạng internet.

Thử nghiệm lâm sàng 4 loại thuốc điều trị COVID-19 đối với 3.200 bệnh nhân châu Âu

Thử nghiệm lâm sàng 4 loại thuốc điều trị COVID-19 đối với 3.200 bệnh nhân châu Âu

Các chuyên gia y tế châu Âu đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với khoảng 3.200 người nhằm đánh giá 4 loại thuốc điều trị có khả năng chống lại virus corona.

Theo lời kể của người nhà, vào khoảng 12 giờ ngày 7/3/2020, bệnh nhân V.V.T (nam, 43 tuổi, quê ở Đan Phượng, Hà Nội) đã tự uống 10 viên thuốc chloroquin 250mg để phòng dịch COVID-19. Sau uống khoảng 30 phút, anh T thấy da mặt đỏ, cảm giác nóng, kèm theo mệt mỏi tăng dần, run tay chân, nhìn mờ. Anh T được người nhà đưa đến Bệnh viện huyện Đan Phượng rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính, sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Giám đốc Trung tâm Chống độc Nguyễn Trung Nguyên xác nhận, đây là trường hợp đầu tiên được cơ quan y tế ghi nhận bị ngộ độc thuốc sốt rét do người dân tự uống với mục đích phòng COVID-19. “ Rất may, bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên đã được xuất viện và không để lại hậu quả đáng tiếc”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Theo bác sĩ Nguyên, chloroquine là thuốc kê đơn, được sử dụng cho các bệnh nhân sốt rét, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp… Đây là thuốc có độc tính cao, ranh giới giữa liều điều trị rất gần với liều ngộ độc. Nếu sử dụng không có kiểm soát, không có chuyên môn, kể cả bác sĩ không phải chuyên khoa cũng rất dễ dẫn tới ngộ độc.

“Ngộ độc chloroquin rất nguy hiểm, biểu hiện là mờ mắt, mù, ù tai, điếc, co giật, hôn mê, loạn nhịp tim, tụt huyết áp và dễ tử vong nhanh. Khi đã ngộ độc thực sự, một cơ sở y tế nếu không đảm bảo tốt về hồi sức cấp cứu cũng khó có thể cứu sống bệnh nhân”, Giám đốc Trung tâm Chống độc cảnh báo.

Chú thích ảnh
Kỹ thuật viên xét nghiệm mẫu bệnh phẩm COVID-19 trong phòng thí nghiệm tại Stuttgart, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN

Bác sĩ Nguyên cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, một thuốc kê theo đơn có nghĩa là chỉ khi bác sĩ khám bệnh, kê đơn thuốc đó, bệnh nhân mới được tới hiệu thuốc trình đơn thuốc để mua. Đồng thời phải có đơn của bác sỹ, hiệu thuốc mới được phép bán theo đơn đó. Việc người dân tùy tiện dùng các loại thuốc diện phải kê theo đơn đã dẫn tới không đúng bệnh, không đúng thuốc, không đúng tình trạng cụ thể của mỗi người bệnh.

Giám đốc Trung tâm Chống độc khuyến cáo người dân không được tự mua, không tự dùng loại thuốc này và không uống dự phòng để ngừa COVID-19. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hiệu thuốc bán các thuốc thuộc diện kê theo đơn mà không có đơn của bác sĩ. 

Trong tình hình hiện nay, điều đúng đắn là người dân cần bám sát các hướng dẫn của cơ quan y tế và hệ thống quản lý của đất nước để có các hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, đúng đắn.

Các chuyên gia y tế trong nước đang theo dõi những kết quả nghiên cứu mới nhất trên thế giới về vấn đề này. Ngành Y luôn cập nhật tình hình, để có phác đồ chẩn đoán và điều trị COVID-19 hiệu quả nhất.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm