Theo thông tin từ các trung tâm chống độc và các bệnh viện điều trị tâm thần, rượu giả, rượu kém chất lượng đang tạo ra những cú sốc quá lớn đối với sức khỏe thể chất, trí tuệ và tâm thần của người uống. Trong vài năm trở lại đây, tình trạng ngộ độc rượu ngày càng trở nên trầm trọng. Các rối loạn tâm thần do rượu kém chất lượng gây nên đã vượt quá ngưỡng tưởng tượng của các nhà chuyên môn.
Rượu giả “bi hài ký”
Trong cái nắng hiếm hoi của mùa đông lạnh giá, ông N.V.B ngồi thu lu góc sân, thỉnh thoảng lại lờ đờ nhìn sang mấy đứa nhỏ nô đùa. Trước kia ông là người khỏe mạnh có tiếng trong làng, làm quần quật mà chẳng biết đến ốm đau, uống rượu phải uống bằng bát mới đủ độ. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, sức khỏe ông giảm sút và tinh thần kiệt quệ. Bà N.T.O vợ ông B tâm sự:
“Trước ông ý khỏe lắm nhưng uống nhiều rượu nên thành ra thế này. Ngày ông ý mới bị suốt ngày chửi bới đánh đập vợ con. Cô cho ông ý đi bệnh viện tâm thần khám và điều trị rồi, giờ ông ý cũng đỡ đỡ”.
Theo thông tin từ các trung tâm chống độc và các bệnh viện điều trị tâm thần, rượu giả, rượu kém chất lượng đang tạo ra những cú sốc quá lớn đối với sức khỏe thể chất, trí tuệ và tâm thần của người uống
Bà Hải (Thanh Oai, Hà Nội) còn chưa thể quên những tháng ngày chồng bị con ma men hành hạ. Bà nói: “Trước kia gia đình tôi thuộc dạng khá giả trong huyện, ông ý làm thợ may giỏi, đông khách nhất trong huyện. Nhưng rồi ông ý lún sâu vào rượu rồi chết vì nó”.
Bà không cầm nổi nước mắt kể lại, "Ông ý uống vô độ, rồi như điên như dại, suốt ngày lang thang khắp trong thôn ngoài xã. Nhiều đêm không thấy đâu, mấy mẹ con đi tìm thấy ông ý nằm co quắp ở lề đường. Nghĩ thương, tôi nhốt ông ý vào trong nhà, có khi còn xích cả chân tay vào. Đêm nào ông ý cũng kêu gào ầm ĩ… . Sau vài năm ông ý mất vì bệnh gan".
Trong tiếng nhạc véo von, tiếng người chuốc rượu nhau không ngớt, ông Minh (Hoài Đức, Hà Nôi) cao giọng nói về những cách thưởng rượu của mình: “Mỗi ngày tôi uống 0,3 lít. Tôi đã xác định chỉ uống khoảng 40 năm. Cứ nhân với giá tiền hiện tại thì trong 40 năm đó chắc chỉ hết hơn 100 triệu… Quá rẻ còn gì!”.
Chưa đầy 50 tuổi nhưng ông Minh nổi tiếng là một tay “bợm” rượu. Cách đây vài ba năm, khi sức khỏe còn tốt, ông là một công nhân xây dựng. Mỗi sáng đi làm ông Minh không quên buộc chai “cuốc lủi” ở gi-đông xe đạp. Tuy nhiên, đồng nghiệp của ông không lạ cảnh, ông chỉ làm việc được buổi sáng còn buổi chiều lại vạ xó nào đó “ôm” con ma men mà ngủ say khướt.
Điều nguy hiểm là tất cả các loại rượu mà ông B, ông Minh uống bấy lâu tòan rượu đểu, pha cồn nhiều và nhiều độc tố. Bởi vì, các loại rượu này giá rẻ như cho, mua dễ và làm dễ đang nhan nhản khắp nơi.
Mất mạng do ngộ độc rượu được pha từ cồn công nghiệp
Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận một bệnh nhân (ở quận Hai Bà Trưng) bị ngộ độc rượu do uống rượu được pha từ cồn công nghiệp.
Sau khi uống, bệnh nhân có biểu hiện bị kích thích, vật vã, lúc chuyển đến viện huyết áp tụt xuống thấp đến mức không đo được, hôn mê sâu, suy hô hấp nặng, rối loạn điện giải, rối loạn tuần hoàn, suy thận, đồng tử giãn tối đa không còn phản xạ với ánh sáng.
Trong vài năm trở lại đây, tình trạng ngộ độc rượu ngày càng trở nên trầm trọng. Các rối loạn tâm thần do rượu kém chất lượng gây nên đã vượt quá ngưỡng tưởng tượng của các nhà chuyên môn.
Sau khi làm xét nghiệm, kết quả cho thấy trong nồng độ metanol trong máu bệnh nhân này là 138,9ml, gấp 7 lần nồng độ bắt đầu gây ngộ độc! (metanol là chất có mặt trong các loại cồn công nghiệp).
“Đầu tiên phải nói metanol là độc chất, không được phép có mặt trong tất cả các loại rượu uống. Ở mức độ cao gấp 7 lần như trên thì quả thật bệnh nhân này đã cận kề cái chết”, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai nói.
Rất may mắn là sau những nỗ lực hết mình của các bác sỹ, bệnh nhân này đã được cứu sống. Song sự may mắn không phải lúc nào cũng mỉm cười với tất cả những người bị ngộ độc rượu, đặc biệt là khi uống phải loại rượu được pha từ cồn công nghiệp với nước có hàm lượng metanol cực cao.
Kể từ dịp Tết Nguyên đán 2010 đến nay, liên tục tại các địa phương trong cả nước đã xuất hiện các ca ngộ độc rượu hàng loạt và tử vong ngay sau đó.
Cụ thể: Tại Ninh Thuận, trong tháng 1 đã có tới 22 người cùng bị ngộ độc rượu tập thể, có tới 5 người tử vong sau khi uống rượu mua từ các hiệu tạp hóa. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ metanol trong loại rượu trên vượt quá 192 lần mức cho phép!
Đặc biệt, nồng độ anđêhít (hóa chất dùng trong quá trình sản xuất nhựa, phẩm màu, nước hoa và dược phẩm, nếu có trong rượu sẽ gây mù mắt) cũng vượt quá 7 lần cho phép!
Gần đây nhất (tháng 6/2010), tại Gia Lai đã có 2 người chết vì ngộ độc rượu, 3 người có triệu chứng đau đầu nhưng kịp thời dừng nên sống sót. Xét nghiệm loại rượu những người này uống, kết quả là hàm lượng metanol có trong rượu lên tới 42%, trong khi giới hạn cho phép chỉ là dưới 0,05%!
Còn nhiều địa phương khác trên cả nước đã ghi nhận những trường hợp mắc/tử vong do ngộ độc rượu. Tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) hầu như tuần nào cũng tiếp nhận vài ca trong trạng thái ngộ độc nặng. Điều đáng chú ý là có tới 7/13 mẫu được xét nghiệm cho kết quả dương tính với metanol.
“Đã có những người chỉ uống rượu nấu thủ công, tức là về lý thuyết chỉ có etanol. Nhưng sau khi bị ngộ độc, kết quả xét nghiệm cho thấy có cả metanol trong máu. Điều đó chứng tỏ các loại rượu tự nấu gây hậu quả với người uống thì thật khó lường”, bác sỹ Nguyên nhấn mạnh.
Theo bác sỹ Nguyên, methanol từ lâu đã được chứng minh là còn có thể gây tổn thương thần kinh, não, gây mù mắt, tổn thương thận, tuần hoàn máu, gây ngộ độc với tốc độ nhanh và mức độ rất nặng.
Mất trí vì rượu giả, rượu kém chất lượng
Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (trực thuộc Sở Y tế Hà Nội) đã tiếp nhận 4 bệnh nhân (ở Hà Nội) bị rối loạn tâm thần nặng nề do dùng phải rượu kém chất lượng.
Các trường hợp này đã uống rượu trong nhiều năm liền, cả 4 đều nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, co giật rất mạnh và liên tục. Đặc biệt là có một trường hợp có tiền sử bị chấn thương sọ não có những biểu hiện bị động kinh liên tục.
Khai thác thông tin liên quan cho thấy các bệnh nhân này đã mua rượu cuốc lủi (rượu tự nấu từ các vùng quê, không có nhãn mác xuất xứ rõ ràng) để uống tại nhà. Sau khi uống một lượng khá lớn, các biểu hiện loạn thần bắt đầu xuất hiện.
Khi nhập viện, các bệnh nhân này đã có những hành vi thiếu kiểm soát (hung hăng chửi bới, đe dọa mọi người xung quanh) hoặc tỏ ra sợ hãi, mê sảng, hốt hoảng, vã mồ hôi.
Thậm chí sau khi bị nhốt vào phòng kín một mình, bệnh nhân loạn thần do uống phải rượu đểu đã tưởng tượng ra những cảnh rùng rợn, luôn miệng nói thấy ma quỷ rắn rết đang đến, đồng thời chui xuống gậm giường, thủ sẵn dao nhọn để “phòng thân”.
Chưa hết, các bệnh nhân này còn liên tục tự cắn, cào, cấu vào khắp các bộ phận trên cơ thể mình và tỏ ra bứt rứt, tinh thần luôn trong trạng thái bị kích động rất mạnh, cơ thể co giật liên hồi không dứt.
“Đây là những ca điển hình bị rối loạn tâm thần do dùng phải rượu giả, rượu kém chất lượng trong thời gian dài”, bác sỹ Ngô Thanh Hồi, Giám đốc bệnh viện Mai Hương cho biết.
Ông Hồi cho biết thêm: “Chính vì rượu giả nhiều quá, nhu cầu tiêu thụ rượu của người Việt không giảm nên bệnh cảnh loạn thần do rượu ngày càng nặng thêm”.
Trong các yếu tố bị tác động bởi rượu giả thì hệ thần kinh trung ương là cơ quan bị tổn thương nặng nề nhất. Rượu làm đình trệ hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Khi lạm dụng rượu bia, sự phán đoán, tính tự chủ và ý thức đạo đức bị ức chế hoàn toàn khiến người uống không làm chủ được bản thân.
Ông Hồi cho biết đáng sợ nhất là rượu gây nhiễm độc cho não, khiến khả năng nhận thức, ghi nhớ của não bị giảm sút nhanh chóng. Có những người uống rượu nhiều (đặc biệt là lại hay xài phải rượu không tên tuổi, rượu giả) thì bộ nhớ bị hỏng hết chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Sau não là dạ dày, gan, thận, tim đều bị “nàng tiên tửu” hành hạ, dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan, suy tim, suy thận…
Theo TS Tô Văn Nhật, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Rượu AVINAA, có 3 biện pháp tốt để chống rượu giả:
Một là, bản thân mỗi người tiêu dùng phải lưu tâm, đề phòng rượu giả, nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình. TS Tô Văn Nhật | Cụ thể là các loại rượu bán tự do kiểu “nút lá chuối”, rượu bán can, rượu từ các gia đình nấu thủ công…. Ngay cả các gia đình tự nấu thật từ gạo và men thì rượu thành phẩm cũng không đảm bảo, bởi, đã là rượu quốc lủi thì độc tố Andehyt, estes sẽ cao gấp khoảng 100 lần tiêu chuẩn cho phép. Người tiêu dùng khi mua rượu nên quan tâm mua rượu đóng chai từ những Nhà máy có địa chỉ cụ thể trên chai, với tên hiệu rõ ràng, thương hiệu nổi tiếng. Các nhà máy sản xuất này thường xuyên chịu sự kiểm tra của nhà nước về tiêu chuẩn. Hơn nữa, danh tiếng, thương hiệu và sự tồn tại lâu dài sẽ buộc họ phải đảm bảo các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng. Hai là, công ty sản xuất rượu cần phải có lương tri, trách nhiệm xã hội với người tiêu dùng. Đó là trách nhiệm của con người với con người, trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng, để duy trì và phát triển nòi giống Việt. Ba là, các cơ quan truyền thông đại chúng cần tuyên truyền rộng rãi để người tiêu dùng biết và tránh xa rượu giả, rượu bẩn, rượu tự nấu không được cấp phép hay còn gọi là rượu quê, rượu quốc lủi. Nhà nước và các cấp chính quyền cũng cần chỉ đạo quyết liệt để ngăn cấm tuyệt đối các tệ nạn nấu rượu không được cấp phép và không qua một quy trình đảm bảo chất lượng nào. Khi người dùng nhận thức được, cùng quyết tâm tẩy chay các loại rượu này thì mới có thể chấm dứt những hậu quả khôn lường từ rượu lậu, rượu giả, rượu không nhãn mác như báo chí đã từng phản ánh. |
Theo Vietnamnet