21/03/2019 16:09 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc chùa Ba Vàng (Uông Bí - Quảng Ninh) thường xuyên tổ chức các buổi truyền bá việc vong báo oán, thu số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Đặc biệt, khi tổ chức truyền bá, một người chuyên thỉnh vong giải nghiệp của nhà chùa đã lấy một vụ án hình sự man rợ ra để làm ví dụ khiến người nhà nạn nhân vô cùng bức xúc.
Trao đổi với Văn Hoá về hoạt động của chùa Ba Vàng không phải là một hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng theo đúng giáo lý nhà Phật mà thực sự là hoạt động buôn thần bán thánh nhằm trục lợi trên cơ sở niềm tin của người dân, nguy hiểm hơn, trong một buổi thỉnh vong giải nghiệp, bà Phạm Thị Yến, một người chuyên làm lễ thỉnh vong giải nghiệp tại chùa đã lấy ví dụ về vụ cô gái bán gà bị sát hại để giải thích cho việc báo oán, Luật sư Lê Huy Thiệp - Trưởng VPLS Toàn Cầu khẳng định: Việc sử dụng tên hoặc một vụ án hình sự man rợ để lấy đó làm ví dụ của bà Yến tại chùa Ba Vàng là một hành vi tàn ác, nguy hiểm cho xã hội và vi phạm pháp luật. Bất kỳ ai còn lương tri trong xã hội đều coi vụ án Bắt giữ người trái pháp luật, hiếp dâm, cướp tài sản, giết người ở Điện Biên là tội ác không thể dung thứ và sự manh động, nguy hiểm, coi thường tính mạng con người của những kẻ phạm tội luôn là nỗi ám ảnh của đại bộ phận dân chúng. Hành vi của một người tu hành làm trái giáo lý của đạo Phật, gây hoang mang, lo sợ bởi những nỗi sợ vô cớ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bà Yến phù hợp với dấu hiệu khách quan, mặt chủ quan của tội “Cưỡng đoạt tài sản” được quy định trong Bộ luật Hình sự bởi lẽ:
Có hành vi đe dọa để người khách sợ hãi phải chuyển tài sản thuộc sở hữu của mình cho người đe dọa, lợi dụng niềm tin tôn giáo để chiếm đoạt tài sản đã gây hoang mang trong nhân dân, xúc phạm niềm tin tôn giáo và làm đảo lộn mọi giá trị đạo đức truyền thống.
Sự việc đe dọa kéo dài liên tục, xảy ra với nhiều người và chiếm đoạt một tài sản lớn hàng trăm tỉ đồng xảy ra tại chùa Ba Vàng cần bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để ngăn chặn tình trạng buôn thần bán thánh, lợi dụng tâm linh và niềm tin tôn giáo để chiếm đoạt tài sản, trục lợi, thương mại hóa tâm linh, chùa chiền đang diễn ra trên cả nước.
Bất kỳ hành vi nào trái với giáo lý đạo Phật hoặc tôn giáo khác để trục lợi đều là hành vi mê tín dị đoan, đi ngược với bản chất và đạo lý của dân tộc.
Không có lời bao biện nào có thể khỏa lấp được nỗi đau của gia đình nạn nhân cũng như xoa dịu được sự phẫn nộ của dư luận.
Hiện nay, các hoạt động mê tín dị đoan diễn ra phổ biến, thường xuyên gây lãng phí tài sản xã hội, gây ra các hệ lụy khác cho toàn dân nên cần phải có biện pháp chấn chỉnh, tuyên truyền, phổ biến để ngăn chặn tình trạng này.
Theo Hoàng Hương/ Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất