24/12/2017 12:15 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, tại Thái Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án “Chương trình chung của Liên hợp quốc hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
Các hỗ trợ chính của UNJP bao gồm: Tăng cường chuyển giao công nghệ cho sản xuất nông nghiệp, thành lập các mô hình tăng cường khả năng tiếp cận của nông dân đến nghiên cứu và phát triển, áp dụng kiến thức tiên tiến quản lý sau thu hoạch, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị nông sản...
Tạo động lực mới và khuyến khích để huy động vốn đầu tư toàn xã hội vào khu vực nông thôn thông qua các khuyến nghị về chính sách tài chính nông thôn, chiến lược phát triển nông thôn, thị trường lao động, chất lượng giáo dục…
Cơ chế hỗ trợ để cải thiện công cụ quản lý cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên cơ sỏ thiết lập mô hình lập kế hoạch có sự tham gia của các bên, hướng dẫn điều phối và hợp tác.
Mục tiêu dài hạn của Chương trình chung của Liên hợp quốc (UNJP) là cung cấp trợ giúp chuyên môn kỹ thuật chất lượng cao cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTP-NRD) để phát triển tiềm năng của khu vực nông thôn Việt Nam và điều phối các trợ giúp kỹ thuật của hệ thống Liên hợp quốc nhằm phát huy các lợi thế so sánh của từng cơ quan đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thông qua việc cải thiện môi trường chính sách và năng lực để lập kế hoạch và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, ông Jong Ha Bae, giai đoạn 2014 - 2017, Dự án đã thực hiện 3 hợp phần là: Nâng cao giá trị hiểu biết của người sản xuất và cư dân nông thôn; tăng cường năng lực xây dựng chính sách, chiến lược và đầu tư công ở khu vực nông thôn; điều phối, giám sát và đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đã có 23 nghiên cứu/rà soát chính sách, 7 mô hình thí điểm, 8 chương trình đào tạo và một diễn đàn trực tuyến cùng với trên 30 khóa huấn luyện giảng viên, và trên 20 cuộc đối thoại tham vấn cũng như diễn đàn ở cấp quốc gia, cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm cụ thể đã được xây dựng và bàn giao thành công cho các đối tác trung ương, địa phương để lồng ghép hiệu quả và hiệu lực cũng như mở rộng. Chương trình đã góp phần tăng thu nhập hàng tháng cho người dân nông thôn và tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong phát triển nông thôn ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng - Chánh văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho biết, nhằm phát huy tốt kết quả đạt được của Dự án cũng như thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, chúng ta cần vận dụng hiệu quả sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và cần thêm sự hỗ trợ tích cực của Chương trình chung của Liên hợp quốc; tích cực nghiên cứu đánh giá, đề xuất cơ chế hỗ trợ đồng bộ cho xây dựng nông thôn mới ở vùng khó khăn mà trọng tâm là hỗ trợ thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, đề xuất, nghiên cứu, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác để thực hiện hiệu quả các chương trình do các tổ chức quốc tế tài trợ.
Đến nay, cả nước có 43 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 2.884 xã (chiếm 32,3% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 13,6 tiêu chí/xã, toàn quốc còn 176 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Mục tiêu chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 cả nước có 50% số xã đạt chuẩn và không còn xã dưới 5 tiêu chí; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống cư dân nông thôn về nước sinh hoạt, điện, đường, trường, trạm; nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập người dân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.
Quân Trang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất