Lào xả nước cứu hạ lưu sông Mekong và quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam

26/03/2016 06:54 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) -  Sau khi Chính phủ Lào thông báo xả nước một số đập thủy điện ở nước này để giúp chống hạn và xâm nhập mặn tại khu vực hạ lưu sông Mekong, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, chiều 25/3, phóng viên TTXVN tại Lào đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Khammany Inthalath, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào về vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Khammany, Đảng và Chính phủ Lào ngày 21/3 đã chỉ đạo Bộ Năng lượng và Mỏ nghiên cứu khả năng xả nước các đập thủy điện để giúp các nước láng giềng ở khu vực hạ lưu đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của nạn hạn hán, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Sau khi nghiên cứu và thảo luận, nhận thấy thực tế rằng các nước láng giềng ở hạ lưu đang phải chịu tình hình hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong 20 năm qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân sinh, từ ngày 23/3, Lào đã bắt đầu xả nước từ 4 hệ thống sông nhánh gồm sông Nặm U, sông Nặm Khan, sông Nặm Ngừm và sông Nặm Thơn, với lưu lượng 1.136 m3/s. Đây là một việc làm cần thiết và rất quan trọng để giúp đỡ các nước láng giềng chống lại nạn hạn hán và xâm nhập mặn hiện nay.


Miền Tây Nam Bộ của Việt Nam đang đối mặt với hạn hán và nhiễm mặn nghiêm trọng

Ông nhấn mạnh trong thời kỳ kháng chiến, hai nước Lào và Việt Nam anh em đã luôn kề vai sát cánh, chống lại kẻ thù chung trên tinh thần hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa, nên bây giờ, khi Việt Nam gặp khó khăn, bị ảnh hưởng do hạn hán, phía Lào cũng hết lòng giúp đỡ Việt Nam với tấm lòng chân thành nhất. Đây cũng là sự thể hiện quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam, là minh chứng hùng hồn cho mối quan hệ trước sau như một giữa hai nước.

Ông Khammany cho biết Lào có kế hoạch sẽ xả nước cho đến cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Ông bày tỏ tin tưởng, với tổng lượng nước xả xuống hạ lưu sông Mekong là 3.610m3/s, gồm 1.136m3/s của Lào, 220m3/s của Thái Lan và 2.254m3/s của Trung Quốc, sẽ giúp giảm được phần nào tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt hiện nay tại khu vực hạ lưu.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm