Kiên quyết loại bỏ linh vật ngoại lai khỏi di tích Đền Trần ở Thái Bình

07/10/2014 17:24 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình vừa tổ chức khảo sát tại nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn huyện Hưng Hà. Qua khảo sát, lực lượng chức năng đã phát hiện tại một số di tích có sự xuất hiện linh vật, đồ vật cung tiến, đồ thờ tự mang yếu tố ngoại lai như: sư tử, đèn đá, lư hương, lọ lục bình….

Để đảm bảo yếu tố gốc của di tích, đảm bảo tính tôn nghiêm và gìn giữ nét đẹp của văn hóa dân tộc, chính quyền huyện Hưng Hà, các cơ quan chức năng đã nỗ lực, cương quyết loại bỏ các yếu tố ngoại lai khỏi các di tích.

Ông Đỗ Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, cho biết: Trước phản ánh của báo chí về sự hiện diện của yếu tố ngoại lai tại di tích Đền Trần, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nghiêm túc nhìn nhận lại công tác quản lý; đồng thời cương quyết loại bỏ yếu tố ngoại lai tại các di tích để nhanh chóng trả lại yếu tố gốc cho các di tích.

Sư tử đá tại cổng đền tại di tích quốc gia đền Tiên La, huyện Hưng Hà, Thái Bình. Ảnh: Báo Văn hóa

Công tác tháo gỡ, cắt bỏ, loại trừ yếu tố ngoại lai tại các di tích lịch sử quan trọng như đền Trần, đền Tiên La…được huyện Hưng Hà thực hiện từ ngày 6/10. Đến thời điểm này, tại hai di tích lịch sử Đền Trần, Đền Tiên La ( là 2 trong số 5 di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện Hưng Hà) đã không còn yếu tố ngoại lai. Tại khu di tích đền Trần, nhiều lọ lục bình mang yếu tố ngoại lai đã được loại bỏ. Ở các gian tiền tế, trung tế và hậu cung, những cặp cá chép vàng chói cũng đã được tháo dỡ, bảo đảm tính tôn nghiêm của nơi thờ tự. Hình sư tử đá ở chân các lư hương tại sân đền và phía trước cửa Đền Đức Quốc Mẫu cũng đã được tốp thợ đá lành nghề đẽo gọt, mài nhẵn.

Ban Quản lý Đền Trần cho biết, trong những hiện vật, linh vật mà người dân cung tiến, dâng cúng thì cá chép có màu sắc sặc sỡ với các kích thước khác nhau chiếm số lượng lớn. Do nguồn gốc xuất thân của nhà Trần là nghề sông nước, chài lưới nên người dân hay dùng cá chép để đi lễ, dâng hương tại Đền. Trước khi loại bỏ cá chép có màu sắc sặc sỡ khỏi ban thờ, Ban quản lý Đền đã liên hệ với người cung tiến và người đã cung tiến cũng rất vui vẻ chấp nhận để đồ thờ cúng của họ được đưa khỏi nơi thờ tự.

Tại Đền Tiên La, các cặp sư tử màu trắng, mang yếu tố ngoại lai cũng đã được loại bỏ. Các lọ lục bình có yếu tố ngoại lai cũng đã được hạ xuống khởi nơi thờ tự...

Trong suốt chiều dài lịch sử 175 năm (từ năm 1225 đến năm 1400) tồn tại và phát triển của Vương triều Trần, mảnh đất Long Hưng- Hưng Hà- Thái Bình không chỉ gắn liền với những sự kiện về quân sự, chiến tranh giữ nước mà còn chứng kiến sự phát triển thịnh vượng của triều Trần về kinh tế, văn hóa, xã hội. Hiện nay, vùng đất Long Hưng- Hưng Hà- Thái Bình vẫn còn lưu giữ được nhiều di sản quý với hơn 20 di tích lịch sử về nhà Trần.

Xuân Tiến - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm