Không phải giãn cách, các trường mầm non, tiểu học tại Hà Nội tăng cường kiểm soát y tế

09/05/2020 11:49 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Theo nội dung Công văn 1583 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 7/5, tình hình dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, do đó các trường học không phải áp dụng giãn cách học sinh và được sử dụng điều hòa trong lớp học.

Học sinh Hà Nội hào hứng đến trường sau thời gian dài nghỉ do dịch COVID-19

Học sinh Hà Nội hào hứng đến trường sau thời gian dài nghỉ do dịch COVID-19

Sau 3 tháng nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19, sáng 4/5, học sinh của gần 900 trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đi học trở lại.

Được sự hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn Thủ đô đã khẩn trương cập nhật kế hoạch đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trở lại vào ngày 11/5 tới, trong đó các trường đặc biệt chú ý đến việc kiểm soát y tế và nâng cao chất lượng bữa ăn học đường.

Tăng cường kiểm soát y tế

Trường Mầm non Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) gồm 3 điểm trường, trong đó có 1 điểm trường đang xây dựng, 2 điểm trường còn lại đã chuẩn bị sẵn sàng đón trẻ đến trường. Cũng giống như 12 lần làm vệ sinh, khử khuẩn hàng tuần trước đó, lần này, tất cả các cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đều hăng hái đến trường, lau rửa kỹ lại từng món đồ chơi, góc học tập để đón học sinh.

Theo bà Trịnh Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đại Kim, trước khi có các văn bản hướng dẫn của Bộ và Sở, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch đón, trả trẻ, phân công chi tiết đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, đảm bảo công tác phòng dịch được khép kín. Toàn bộ các khâu từ đo thân nhiệt, sát khuẩn tay đến lo ăn, ngủ cho trẻ được Ban giám hiệu nhà trường xây dựng chi tiết.

“Ngay sau khi có quy định không phải áp dụng giãn cách học sinh, trên cơ sở nghiên cứu đặc thù của lứa tuổi mầm non, chúng tôi đã cho phép phụ huynh đưa trẻ vào sảnh tiếp đón của trường. Trẻ sẽ được kiểm tra thân nhiệt tại cửa lớp, giáo viên sẽ ghi thông tin vào sổ theo dõi hàng ngày. Nếu có trường hợp biểu hiện ốm, sốt, giáo viên sẽ báo cho nhà trường và phụ huynh cùng phối hợp xử lý kịp thời”, bà Trịnh Thị Thu Hương cho biết.

Chú thích ảnh
Thiết bị đo thân nhiệt được các trường chuẩn bị đầy đủ, hoạt động tốt. Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN

Sau khi đi kiểm tra công tác chuẩn bị đón học sinh tại một số trường trên địa bàn, bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã yêu cầu các trường tăng cường công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Ban giám hiệu các trường phân công cụ thể nhiệm vụ đồng thời tổ chức tập huấn ngay trong những ngày cuối tuần để từng giáo viên, nhân viên nắm vững quy trình, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Khi học sinh đi học trở lại, nếu trong các ngày tiếp theo học sinh nghỉ học bất thường thì nhà trường phải nắm rõ lý do để vừa phối hợp với gia đình quan tâm chăm sóc trẻ, vừa nắm bắt được thông tin và lịch sử dịch tễ của trẻ.  

Công tác kiểm soát y tế cũng được Trường Tiểu học Nam Hồng (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội) lên phương án chi tiết, phù hợp với đặc thù của địa phương. Với gần 2.000 học sinh của 41 lớp, nhà trường đã trang bị đầy đủ các thiết bị y tế phòng chống dịch. Học sinh sẽ được kiểm tra thân nhiệt tại cổng trường, sau đó lên lớp theo 8 lối đã được chia vạch. Nhà trường cũng bố trí 20 nhân viên, giáo viên tham gia đo thân nhiệt cho học sinh tại cổng trường, phối hợp với lực lượng công an địa phương phân luồng từ xa, tránh để xảy ra tình trạng ùn tắc quanh khu vực cổng trường.

Bà Trần Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hồng cho biết: Để thực hiện việc giãn cách trong giờ học sinh tan trường, nhà trường đã chia giờ tan học và khu vực đón học sinh theo khu vực, thôn, xóm. Ở trường chúng tôi, các phụ huynh cùng thôn, xóm thường nhờ nhau đón con, một người có thể đón vài ba cháu. Vì vậy, để thuận tiện hơn cho phụ huynh cũng như hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, nhà trường sẽ cho các học sinh cùng thôn, cùng xóm về cùng một giờ.

Chú thích ảnh
Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai tiến hành dọn dẹp, tổng vệ sinh toàn trường. Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN

Nâng cao chất lượng bữa ăn học đường

Bên cạnh việc phòng, chống dịch, công tác bán trú ở lứa tuổi mầm non và tiểu học cũng được các nhà trường chú trọng. Để đảm bảo chất lượng các suất ăn của 600 học sinh, Trường Mầm non Uy Nỗ (huyện Đông Anh) đã chuẩn bị kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất, bếp, đội ngũ nhân viên, sẵn sàng hoạt động trở lại sau khi có kết quả khảo sát lấy ý kiến của cha mẹ học sinh.

Bà Đỗ Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Uy Nỗ cho biết, nhà trường đã làm sạch các thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm theo đúng quy định y tế. Nguồn thực phẩm đầu vào được các công ty có uy tín cung cấp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhân viên bếp thường xuyên được khám sức khỏe và nâng cao tay nghề để nấu ăn ngon, hợp khẩu vị với trẻ theo từng lứa tuổi.

Còn tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội), một trong số những trường có số học sinh đông nhất thành phố Hà Nội với trên 3.000 học sinh, công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch được nhà trường quan tâm thực hiện. Trường đã cho lắp đặt gần 90 vòi nước mới cùng hàng chục bảng hướng dẫn cách rửa tay để học sinh rửa tay đúng cách tại các tầng, các khu công cộng. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức bán trú được nhà trường xây dựng kế hoạch để sẵn sàng thực hiện, đáp ứng kịp thời yêu cầu của phụ huynh. Sau khi họp phụ huynh trực tuyến và có số liệu đăng ký bán trú, nhà trường sẽ triển khai dựa trên nhu cầu của phụ huynh học sinh.

Theo bà Lê Thị Thêu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, nhà trường đã liên hệ với các công ty cung cấp thực phẩm đầu vào để sẵn sàng tổ chức bữa ăn cho học sinh tại trường, đồng thời xây dựng thực đơn theo mùa, vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa ngon miệng. Khi tổ chức bán trú, các học sinh vẫn ăn tại lớp như trước, tuy nhiên giáo viên có nhiệm vụ yêu cầu học sinh rửa tay kỹ trước và sau khi ăn, hạn chế học sinh đùa nghịch hoặc chạy ra khỏi chỗ. Quá trình nhận và trả khay thức ăn cũng phải theo thứ tự, không lộn xộn.

Nguyễn Cúc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm