Hang động núi lửa tại Đắk Nông sẽ trở thành công viên địa chất toàn cầu

26/12/2014 14:45 GMT+7 | Thế giới

Ngày 26/12, tại Hà Nội, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Hiệp hội Hang động Nhật Bản và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông chính thức công bố kết quả khảo sát hang động núi lửa tại khu vực Krông Nô - Tây Nguyên.

Phát biểu tại Lễ công bố, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Thuấn cho biết: Sau 7 năm nghiên cứu, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã phát hiện hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Đắk Nông.

Một hang trong hệ thống hang động núi lửa ở gần cụm thác Đray Sáp-Gia Long, huyện Krông Nô. Ảnh: Ngọc Tâm - Báo Đắk Nông

Quá trình khảo sát được thực hiện bằng nhiều chuyến thực địa ngắn ngày cho thấy, liên quan tới núi lửa Chư B’Luck, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), có hàng chục hang động trong đá bazan rất độc đáo. Hiện đã khảo sát chi tiết được 3 hang động (ký hiệu: C7, C3, A1); trong đó hang động C7 là hang núi lửa dạng ống có chiều dài lớn nhất Đông Nam Á (1066,5m). Trong hang đã phát hiện được nhiều cấu trúc đặc trưn g cho quá trình phun trào như c ác ngấn và dòng chảy dung nham, hố sụt và các di tích thực vật được hình thành cách đây hàng triệu năm. Đây là những kết quả nghiên cứu bước đầu rất đáng được trân trọng.

Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản cho rằng, hệ thống hang động trong đá bazan tại Đắk Nông cơ bản hội tụ đủ yếu tố để xây dựng công viên địa chất quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu. Vì vậy, t hời gian tới Bảo tàng Địa chất và Hội Hang động Núi lửa Nhật Bản tiếp tục hợp tác khảo sát chi tiết, đo đạc các thông số của hang động, đặc điểm phân bố cũng như cơ chế thành tạo của chúng, đồng thời đánh giá tổng thể các giá trị liên quan tới hệ thống hang động này.

Trong lòng hang rất rộng, có nhiều ngõ ngách. Ảnh: Báo Đắk Nông

Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Đăk Nông: Việc phát hiện, tiến hành điều tra, khảo sát xây dựng khu vực Krông Nô trở thành công viên địa chất quốc gia có ý nghĩa thực tiễn to lớn, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông và khu vực phía Nam Tây Nguyên, là cơ sở để đẩy mạnh du lịch, phát triển kinh tế-xã hội bền vững và bảo tồn lâu dài các giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa cho các thế hệ mai sau, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh ngày càng phát triển.

Sự kiện Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang, công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam được công nhận vào năm 2010, được tái công nhận là thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu năm 2014 là sự khởi đầu thuận lợi cho việc xây dựng những công viên địa chất tiếp theo của Việt Nam.

Ngày 9/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án "Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam”, trong đó có mục tiêu cụ thể đến năm 2020 công nhận 5-7 công viên địa chất quốc gia, 2-3 công viên địa chất toàn cầu và đến năm 2030 phấn đấu đạt 25-30 công viên địa chất quốc gia và toàn cầu. Đó chính là những cơ sở thực tiễn và pháp lý vô cùng thuận lợi, đảm bảo cho việc xây dựng thành công công viên địa chất khu vực Krông Nô.

Lý Thanh Hương - TTXVN


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm