07/07/2020 14:10 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7/7, trong ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV với 100% đại biểu có mặt tán thành đ ãthông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2020; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2020.
Theo nghị quyết này, Hà Nội điều chỉnh giảm 34 dự án thu hồi đất năm 2020 với diện tích 78,94 ha và 15 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2020 với diện tích 24,59 ha.
Hà Nội cũng đa vào danh mục 352 dự án thu hồi đất bổ sung trong năm 2020 với diện tích 1.359,73 ha; bổ sung danh mục 230 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2020 với diện tích là 403,09 ha. Trong các dự án bổ sung trên có 273 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các tuyến đường nhánh, đường nối đáp ứng nhu cầu giao thông khu vực; 103 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; 85 dự án xây dựng trường học, nhà văn hóa, trung tâm thể dục - thể thao; 5 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư; 1 dự án an ninh quốc phòng; 1 dự án đất dịch vụ; 6 dự án tôn giáo, tín ngưỡng; 72 dự án sản xuất, kinh doanh.
Cũng tại kỳ họp, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường) gồm: các phường của các quận thuộc thành phố; 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây (phường Sơn Lộc, phường Quang Trung, phường Ngô Quyền và phường Lê Lợi); các thị trấn của 5 huyện (Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì) và các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ cơ sở, người lao động làm việc trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi khi dừng chăn nuôi mà có nhu cầu đào tạo nghề, chuyển đổi nghề sẽ được hỗ trợ chi phí học nghề, mức tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học; mức hỗ trợ tiền ăn là 30 nghìn đồng/người/ ngày thực học; mức hỗ trợ tiền đi lại không quá 200 nghìn đồng/người/khóa học đối với người tham gia học nghề ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. Các cơ sở chăn nuôi phải di dời (hoặc dừng hoạt động chăn nuôi) ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.
HĐND thành phố cũng thông qua Nghị quyết về việc quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội và mức thu học phí đối với Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội năm học 2020-2021. Theo đó, mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội đưowjc giữ nguyên như năm học 2019-2020 (trừ các cơ sở giáo dục chất lượng cao) theo quy định tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 8/7/2019 của HĐND thành phố Hà Nội. Mức thu học phí của Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội năm học 2020-2021 cũng được giữ nguyên như năm học 2019-2020.
Đáng chú ý, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định về nội dung chi, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố Hà Nội. Cụ thể, HĐND thành phố Hà Nội thống nhất mức chi thực hiện xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm cho ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội áp dụng bằng mức chi tối đa quy định tại Thông tư số 66/2012/TTLT-BTC-BGDĐT và các mức chi theo các quy định hiện hành của Trung ương và thành phố. Theo đó, năm 2020, dự kiến kinh phí thực hiện xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm khoảng 4 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ ngày 1/8/2020.
Ngoài ra, HĐND thành phố Hà Nội thông qua mức chi hỗ trợ người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ nạn nhân gồm 200.000 đồng/người/ngày; chi hỗ trợ cho cán bộ được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý cho nạn nhân gồm mức chi thù lao là 10.000 đồng/người được tư vấn/lần tư vấn nhưng không quá 500.000 đồng/cán bộ/tháng. Mức chi chế độ hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân gồm: chi hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, tiền ăn, hỗ trợ y tế, trợ cấp khó khăn ban đầu. Tổng kinh phí dự kiến khi thực hiện theo mức chi mới khoảng 164 triệu đồng/năm, thời gian thực hiện từ ngày 1/8/2020.
Trước đó, một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong ngày làm việc thứ nhất tại Kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV là HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 của thành phố. Trong đó, 6 tháng cuối năm 2020, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô phấn đấu cao nhất để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch năm 2020 và 5 năm (2016-2020), trọng tâm là phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế sau dịch COVID-19, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh tăng trưởng, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
HĐND thành phố Hà Nội cũng đề ra một số giải pháp chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; các chương trình làm việc của Thành ủy và HĐND thành phố; đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, phấn đấu mức tăng trưởng cao nhất theo các kịch bản tăng trưởng…
Bên cạnh đó, thành phố cũng coi trọng phát triển văn hóa, xem đây là "sức mạnh mềm" nhằm lan tỏa vị thế, giá trị nghìn năm văn hiến, "Thành phố vì hòa bình" của Thủ đô ra thế giới. Ngoài ra, thành phố tiếp tục coi trọng cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, khôi phục sản xuất, mở rộng thị trường nội địa, thị trường mới và các thị trường Việt Nam vừa ký kết hiệp định thương mại.
Nguyễn Thắng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất