18/12/2017 11:33 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Nhân vật của chúng tôi là bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn (Thiếu tướng, PGS-TS, nhạc sĩ, GĐ Bệnh viện 175), người mà trong khoảng 5 năm qua đã có nhiều ca khúc và nhiều hoạt động thiết thực vì quần đảo Trường Sa.
Thiếu tướng, PGS-TS, bác sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Ảnh: Văn Bảy
Album 1,5 tỷ đồng gửi đến Trường Sa
Nhiều người còn nhắc, năm 2015, album Sức sống Trường Sa của Nguyễn Hồng Sơn đã thu về gần 1,5 tỷ đồng do người nghe xa gần nhiệt tình ủng hộ, đồng hành.
Con số này bao gồm hơn 600 triệu tiền mặt, còn lại là máy thở, máy siêu âm, máy xét nghiệm, mấy chục giường cho bệnh nhân, vài tủ lạnh…, tất cả phục vụ cho bệnh xá Trường Sa sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2016. Bệnh xá này cũng là tâm sức của Bệnh viện 175, báo Tuổi trẻ và nhiều tổ chức, cá nhân khác, trong đó có bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn. Cũng xin nói thêm, bệnh xá “dã chiến” hiện tại đã quá tải, nhưng vẫn tiếp nhận cứu chữa hàng nghìn bệnh nhân, trong đó phần lớn là ngư dân. Lúc trước đi đánh cá, bị bệnh thì chỉ biết tự chữa trị hoặc quay trở vào đất liền, bây giờ nhiều ngư dân chọn bệnh xá Trường Sa.
“Tôi chỉ là người lính quân y viết ca khúc, mà trong lính thì người viết ca khúc hay nhiều lắm” – anh tâm sự - “Mình may mắn có vài bài được người nghe nhớ đến, nên thật lòng chẳng dám giới thiệu album một cách rầm rộ, chẳng dám xưng danh này kia, ai biết thì ủng hộ thôi. Nhưng khi bạn bè khích lệ, rồi bệnh xá Trường Sa được khởi động, tôi làm album chỉ với suy nghĩ góp một viên gạch tinh thần vào việc chung. Rồi đến khi phát hành album, tôi cũng chỉ mơ bán được vài chục vài trăm đĩa thôi, và tất cả số ấy sẽ quy thành gạch đá, góp vào xây dựng bệnh xá. Con số mà album nhận về ngày hôm nay với tôi là điều ngoài sức tưởng tượng”..
Album Sức sống Trường Sa gồm 8 tình khúc, trong đó có 6 bài viết trực tiếp về Trường Sa như Sức sống Trường Sa, Sóng Trường Sa, Có những tuổi 20 như thế, Sinh ra ở Trường Sa (viết chung với Quỳnh Hợp), Phút lặng im trên biển, Tạm biệt Trường Sa (viết chung với Quỳnh Hợp). Các ca khúc của anh thường giàu chất thơ (5 bài phổ thơ, và bản thân anh cũng viết lời trước khi viết nhạc); vừa hướng thượng, hào hùng, vừa lãng mạn, tình tứ; vừa bay bổng nhưng cũng vừa “người thật việc thật”.
Đơn cử như bài Sinh ra ở Trường Sa do ca sĩ Anh Thơ thể hiện, diễn tả niềm vui đến nghẹn ngào khi người cha nhìn thấy con mình chào đời. Nguyễn Ngọc Trường Xuân sinh lúc 10h40 ngày 4/4/2011, trở thành em bé đầu tiên chào đời tại đảo Trường Sa lớn, đầy ý nghĩa biểu tượng. “Chuyện sinh con đẻ cái là việc bình thường từ triệu đời nay, nhưng điều kiện ở trên đảo thì hoàn toàn khác, nhất là khi người mẹ đang mang mầm bệnh (u xơ tử cung), ngôi thai lại bất thường, cần phải đẻ mổ, có thể gặp những biến chứng trong khi sinh. Một chia sẻ rất riêng tư, trái tim người cha ấy nghẹn ngào bao nhiêu, chắc trái tim tôi cũng nghẹn ngào như thế. Đây không còn là nhiệm vụ phải thực thi của đội ngũ ý bác sĩ Bệnh viện 175, mà còn là tình cảm đồng loại, là hình ảnh của khát vọng sống, nhìn thấy là rưng rưng thôi” - BS Sơn nói.
“Sức hấp dẫn kỳ lạ của vùng biển biên ải này đã khiến không biết bao nhiêu con tim Việt Nam phải rạo rực, thèm dâng hiến. Nguyễn Hồng Sơn đã thầm chuyển sức hấp dẫn đó thành những cung bậc thăng hoa trong tâm hồn mình để dâng hiến cuộc đời. Nghe Nguyễn Hồng Sơn, người ta không còn phân biệt được cặn kẽ đâu là sự rập rờn của âm nhạc, đâu là sự rập rờn của đời thực. Tất cả cứ hòa trong nhau, cứ trào dâng cùng nhau khiến ta rưng đáy mắt”, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận định.
Album Sức sống Trường Sa đã thật sự bắc nhiều nhịp cầu đến với quần đảo Trường Sa
Âm nhạc là nhiệm vụ
Vị Thiếu tướng với mái tóc và vóc dáng rất nghệ sĩ này kể rằng ngày vào học trường y, là cán bộ đoàn, nên việc viết ca khúc hoặc dàn dựng chương trình văn nghệ trở thành nhiệm vụ phải thực thi. Viết ca khúc đầu tiên cũng từ một nhiệm vụ như thế, đến năm 19 tuổi thì đoạt HCV hội diễn toàn quân.
“Tôi viết ca khúc bằng kiến thức âm nhạc rất sơ sài, học từ các lớp ở trường phổ thông, đến đâu không biết thì hỏi bạn bè, thầy cô, người đi trước. Đến bây giờ cũng vậy, không phải do khiêm tốn, mà do tính tôi chẳng hề muốn giấu dốt, nên luôn mạnh dạn học hỏi. Mấy chục năm qua, nếu tôi muốn học nhạc bài bản hơn thì chắc cũng được, nhưng do cương vị công tác và đặc điểm nghề nghiệp, tôi chỉ muốn mình dừng lại ở ngưỡng một bác sĩ có viết ca khúc mà thôi. Tôi muốn làm một bác sĩ, một thầy giáo y khoa toàn tâm, còn văn nghệ, thể thao chỉ là thú vui riêng, ngẫu hứng một chút càng hay” - bác sĩ Sơn chia sẻ.
Sau khi phát hành album Sức sống Trường Sa, nhận về nhiều phản hồi tốt, vị bác sĩ này còn thấy rằng âm nhạc có thể giúp nối thêm nhịp cầu đến với Trường Sa. “Một đồng đội trẻ tâm sự với tôi rằng anh chọn ca khúc Sinh ra ở Trường Sa làm nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại là vì muốn khi ai đó gọi đến sẽ biết anh đang ở đâu, đang làm gì. Bài hát là người bạn đồng hành của anh trong nhiều nhiệm vụ, đôi lúc nó trở thành liều thuốc kích thích sức chiến đấu của anh”
PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn là giảng viên của nhiều trường y, như Học viện Quân y, Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch… Anh đã hướng dẫn hàng chục luận án y khoa sau đại học, làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, viết gần 50 bài báo chuyên ngành. Anh là ủy viên của: Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ trung ương; BCH Hội Gây mê hồi sức Việt Nam… Anh đã được phong danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất