“Dừng bắn pháo hoa vì nghĩa vụ và trách nhiệm”

09/10/2010 07:51 GMT+7 | Thế giới

Vào thời điểm công việc vô cùng bận rộn, song vì yêu cầu của đông đảo công chúng, bạn đọc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị vẫn dành thời gian trao đổi với ph

óng viên.

- Thưa ông, vì sao Hà Nội quyết định dừng việc tổ chức bắn pháo hoa tại 29 điểm trên toàn Thành phố vào đêm bế mạc Đại lễ 10/10?

- Trong thông báo của Thành ủy Hà Nội đã nói lý do Thành phố quyết định dừng bắn pháo hoa tại 29 điểm trên địa bàn Thành phố, là bởi trong những ngày này tình hình thiên tai, lũ lụt gây nên những tổn thất về người và của ở một số tỉnh miền Trung.


Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị
Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hà Nội muốn được chia sẻ với những khó khăn, mất mát; góp phần khắc phục hậu quả thiên tai đối với bà con ruột thịt của mình. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, không chỉ trong lúc Thủ đô Hà Nội đang đón chào Đại lễ, mà bất cứ lúc nào chúng ta cũng cần phải phát huy, vì đây là đạo lý tốt đẹp của dân tộc.

- Nhưng có một điều người dân băn khoăn là pháo hoa đã được nhập về, công tác chuẩn bị đã xong. Vậy xử lý việc này thế nào để tránh lãng phí và tiết kiệm được tiền ủng hộ đồng bào?

- Mọi việc làm nhằm mục đích tiết kiệm đem lại lợi ích cho nhân dân, cho xã hội thì thực hiện bất cứ lúc nào cũng không muộn. Số pháo hoa mà Thành phố Hà Nội dự định bắn ở 29 điểm thuộc các quận, huyện của Thành phố đều là pháo hoa sản xuất ở trong nước. Pháo nhập chỉ sử dụng bắn ở Sân vận động Mỹ Đình. Và ngay cả ở đấy, dù có bị thiếu hụt, thì cũng không nhập bổ sung nữa, mà dùng pháo sản xuất trong nước. Đó cũng là tiết kiệm.

Ngoài ra, Thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động các tầng lớp nhân dân quyên góp để ủng hộ đồng bào các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai gây ra; sẽ cử các đoàn đi thăm hỏi, chuyển quà tặng đến bà con kịp thời.

- Đến nay, tổng kinh phí dành cho Đại lễ là bao nhiêu thưa ông?

- Vào lúc này, tôi chưa có được con số cụ thể về tổng kinh phí sử dụng cho Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định một điều: một số người nêu lên con số chi phí cho Đại lễ bằng 10% GDP của đất nước là hoàn toàn không có căn cứ nào cả.

Thứ hai, có rất nhiều công trình chúng ta khởi công, khánh thành trong dịp này, như các cây cầu bắc qua sông Hồng; các con đường lớn như Đại lộ Thăng Long; các thư viện, bảo tàng, các nhà hát, cung thi đấu thể thao, Trường chuyên Hà Nội – Amstesdam, các vườn hoa, công viên, các hồ nước ở Thủ đô đã và đang được cải tạo, v.v... thì kinh phí để làm những công trình đó, quả thật, là rất lớn, là hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhưng không ai lại cho rằng, việc đó là không nên làm hay làm như thế là lãng phí.

Và còn rất nhiều những công trình, những sản phẩm do các tập thể và cá nhân tự nguyện làm để chào mừng, như những bức tranh thêu rất lớn, rất quý; hàng trăm chiếc trống đồng để tặng Hà Nội và 62 tỉnh thành trong cả nước; 1000 con rồng, trong đó có dành để bán đấu giá, gây quỹ cho nạn nhân chất độc da cam; hoặc có địa phương tặng Bảo tàng Hà Nội những bức “Chiếu dời đô” bằng gỗ quý, đá quý… Vậy những tặng phẩm ấy có nên bị coi là lãng phí, hay đó là tình cảm, là tấm lòng của người dân dâng lên Đại lễ?

Trong dịp này, Thành phố còn hỗ trợ kinh phí để các quận, huyện xây, sửa trường học, trạm xá, nâng cấp đường giao thông nông thôn; hỗ trợ các đối tượng chính sách, người có công… việc đó cũng nên làm chứ.

Tôi không thể kể hết, cũng không thể nói quá ngắn gọn về một việc lớn thế này. Song, tôi cũng hiểu sự quan tâm, lo ngại chính đáng của dư luận về những việc lẽ ra chúng ta có thể làm tốt hơn, sớm hơn, để không vội vàng, cập rập. Một số việc nên tránh hình thức, phô trương; và nhất là đừng để bị lãng phí, hoặc lo chất lượng một số công trình không đảm bảo, v.v... Những ý kiến đó chúng tôi luôn trân trọng tiếp thu.

Vừa qua, Thành phố cũng rất quan tâm, kịp thời dừng triển khai những công trình không thật thiết thực, như cổng chào, dự án chôn 1000 hiện vật, đúc súng thần công… Thành phố sẽ tập trung xử lý, ai làm sai, ai cố tình gây nên lãng phí, thất thoát nhất định sẽ bị xử lý nghiêm minh. Trách nhiệm cũng như lương tâm với Đại lễ, với tổ tiên, với nhân dân không cho phép chúng ta lơ là việc đó.

- Sắp kết thúc Đại lễ, ông có nhận định gì về kết quả tổ chức Đại lễ cho đến lúc này?

- Bây giờ đánh giá, nhận xét hãy còn sớm. Song ai cũng thấy Đại lễ đã diễn ra được 8 ngày, dư luận chung đều rất hoan nghênh. Nhưng có thể nói trong những ngày qua, do công tác chuẩn bị chu đáo nên các hoạt động Đại lễ đã diễn ra tốt đẹp.

Cứ quan sát bầu không khí hân hoan của nhân dân trong những ngày này, chúng ta thấy được điều đó. Rất đông khách quốc tế cũng như người dân các tỉnh thành đã về chung vui với Hà Nội cũng có chung nhận định đó. Lượng khách đến thăm quan Hoàng thành Thăng Long, bảo tàng lịch sử, các triển lãm nghệ thuật... rất đông, thậm chí quá tải, nhưng an ninh, trật tự, giao thông đều được đảm bảo tốt.

Mọi hoạt động của Đại lễ không có mục đích nào khác là đều hướng về nhân dân, đều vì nhân dân và cũng chính người dân đã góp phần tạo nên thành công của Đại lễ. Không ai đo đếm được hiệu quả của niềm tự hào dân tộc được khơi dậy qua các ngày Đại lễ.

-  Nhưng đáng tiếc, những ngày Đại lễ lại diễn ra vào lúc một số tỉnh miền Trung bị thiên tai, lũ lụt?

- Vào thời điểm này, tôi nghĩ, chúng ta vừa có trách nhiệm tổ chức Đại lễ đảm bảo trang trọng, an toàn, chu đáo và tiết kiệm; lại vừa phải tổ chức hết sức khẩn trương và chu đáo việc cứu giúp đồng bào các địa phương bị thiên tai. Nghĩa vụ và trách nhiệm của chúng ta là phải làm tốt cả hai, chứ không phải chỉ làm tốt việc này, lơ là việc kia.

Và trên thực tế, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội đang cố gắng làm như vậy. Với truyền thống đại đoàn kết toàn dân, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết thành công đồng thời cả hai việc lớn và khó khăn đó.

Theo VNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm