Điểm du lịch khám phá 'con đường xanh Tây Nguyên' thành điểm nóng… phá rừng

07/09/2016 10:22 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song được UBND tỉnh Đắk Nông quy hoạch là một trong số các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Đây được coi là điểm nhấn trên hành trình khám phá “con đường xanh Tây Nguyên”. Tuy nhiên, sau 6 năm giao đất cho nhà đầu tư, việc xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn giậm chân tại chỗ, trong khi rừng bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng.

Bỏ bê điểm du lịch trăm tỉ

Theo chân cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Đắk Song chúng tôi tới Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Lâu Đài (thành phố Hồ Chí Minh) quản lý. Vào thời điểm giao đất, điểm du lịch này có tổng diện tích gần 90 ha, trong đó có hơn 65 ha là rừng tự nhiên.

Tuy nhiên, rừng tự nhiên ở đây đã bị tàn phá nặng nề từ nhiều năm nay. Đi sâu vào rừng, dễ thấy nhiều con đường lớn nhỏ xuyên qua được “lâm tặc” mở ra để vận chuyển gỗ lậu. Những cây gỗ lớn, có giá trị cao đã bị đốn hạ, chỉ còn lại gỗ tạp với mật độ thưa thớt.

Đáng chú ý, rừng ngay tại khu vực thượng nguồn của dòng thác cũng bị tàn phá, nhiều cây gỗ có kích thước lớn cũng bị xóa sổ. Đây thực sự là mối đe dọa đối với sự sống còn của dòng thác Lưu Ly, do nguồn nước có thể cạn kiệt vì rừng bị tàn phá quá nhanh. Thêm nữa, xung quanh khu vực điểm du lịch thác Lưu Ly, rừng tiếp tục bị đốn hạ, thiêu rụi để lấy đất sản xuất. Hàng loạt vườn tiêu được mọc lên với nọc tiêu chính là những cây gỗ tạp vừa được “tận dụng”.


 Rừng tại điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly bị xóa sổ để lấy đất sản xuất. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Lý giải về một số gỗ tạp đang được chất ngổn ngang trong rừng, ông Nguyễn Văn Ngọc, nhân viên phụ trách quản lý điểm du lịch thác Lưu Ly cho rằng hiện đơn vị này có cho một số người vào để dọn dẹp cành khô, cây chết với mục đích làm đẹp cho khu du lịch chứ không có tình trạng khai thác gỗ (?!). Ông Ngọc cũng thừa nhận trước đây có tình trạng nhân viên công ty tham gia… phá rừng nhưng hiện nay các đối tượng này đều đã nghỉ việc (?!).

Theo một số người dân địa phương, rừng tại khu vực thác Lưu Ly đã bị tàn phá nhiều năm nay. Sau khi đốn hạ những cây gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao, rừng tiếp tục bị bỏ bê và bị các đối tượng “đến sau” xóa trắng để lấy đất sản xuất.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông: Từ năm 2007, điểm du lịch thác Lưu Ly được UBND tỉnh Đắk Nông quy hoạch là một trong số các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Thác Lưu Ly được đánh giá là dòng thác đẹp, nằm ở phía đông bắc xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song và cách đường Hồ Chí Minh khoảng 10 km. Tổng vốn đầu tư mà Công ty Lâu Đài cam kết để được cấp đất là gần 110 tỉ đồng.

Theo đó, Công ty này cam kết sẽ đầu tư tổng thể các hạng mục gồm: khu nhà hàng – dịch vụ, nhà đón tiếp khách, khu vui chơi, bãi tắm, khách sạn… Tuy nhiên, từ đó đến nay, chỉ có 3 “hạng mục” được đầu tư là một đoạn đường nhỏ xuống thác, một nhà điều hành, và 3 chòi nhỏ bằng… lá dừa. Các “hạng mục” này cũng đã xuống cấp, hư hỏng nặng nề.


Một cây gỗ lớn vừa bị đốn hạ thuộc khu vực điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN

Giao dự án cho nhân viên… quản lý

Theo ông Bùi Văn Mích, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông, việc chậm trễ, không thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu du lịch thác Lưu Ly cho thấy năng lực tài chính của nhà đầu tư quá yếu kém. Sở đã nhiều lần gửi công văn đôn đốc việc thực hiện dự án nhưng đến nay mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Trong khi đó, rừng bị tàn phá nặng nề do buông lỏng quản lý. Nay có thu hồi dự án thì không rõ trách nhiệm liên quan đến việc rừng tự nhiên bị phá sẽ xử lý như thế nào.

Được biết, Giám đốc Công ty Lâu Đài là ông Trần Văn Hùng thường xuyên… không có mặt tại địa phương, mọi việc điều hành tại điểm du lịch thác Lưu Ly được giao cho nhân viên Nguyễn Văn Ngọc. Tuy nhiên, nhân viên này cũng thường xuyên không có mặt tại địa phương nên việc quản lý được giao lại cho vợ ông Ngọc là bà Trần Thị Vân và hai nhân viên khác.

Theo ông Nguyễn Đình Dân, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đắk Song, mặc dù được giao đất rừng từ năm 2010 nhưng đến nay Công ty Lâu Đài vẫn chưa có lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Mấy năm nay, điểm du lịch này đã trở thành… điểm nóng về tình trạng phá rừng lấy gỗ, lấn chiếm đất sản xuất của cả huyện. Hạt kiểm lâm Đắk Song cũng đã nhiều lần yêu cầu lãnh đạo Công ty này là ông Trần Văn Hùng lên làm việc về các nội dung liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng nhưng chưa lần nào ông Hùng chấp hành.

Trao đổi với Hạt kiểm lâm Đắk Song qua điện thoại, ông Trần Văn Hùng cho biết mình đang bận đi công tác nên chưa thể gặp để giải đáp các nội dung phóng viên nêu ra liên quan đến việc chậm trễ thực hiện dự án cũng như công tác bảo vệ rừng. Ông Hùng cũng cho rằng Công ty đang tập trung thực hiện dự án và đang tiếp tục tiến hành các thủ tục để vay vốn ngân hàng. Khi được giải ngân sẽ tiếp tục thực hiện dự án. Riêng việc rừng bị tàn phá, ông cho biết chưa nắm được và sẽ kiểm tra lại trước khi trao đổi thêm với phóng viên.

Rõ ràng, việc chậm trễ trong thực hiện dự án và buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng đang khiến cho hàng chục héc-ta rừng nguyên sinh tại một trong số các thắng cảnh tự nhiên đẹp nhất Đắk Nông đang dần bị xóa sổ. Tình trạng này kéo dài đang trực tiếp đe dọa sự tồn tại của thác Lưu Ly.

Các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cần nhanh chóng vào cuộc và xử lý nghiêm các sai phạm của nhà đầu tư cũng như các đối tượng liên quan đến dự án, đặc biệt trong việc buông lỏng quản lý, để rừng nguyên sinh bị tàn phá vô tội vạ trong thời gian dài. Việc xử lý nghiêm minh sẽ thể hiện rõ nỗ lực của tỉnh trong việc bảo vệ rừng, trong bối cảnh việc quản lý, bảo vệ rừng chưa bao giờ bức thiết như hiện nay.

TTXVN/Hưng Thịnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm