Công an TP.HCM phát hiện 135 trường hợp cảnh báo F0 'đi trên đường'

18/09/2021 20:30 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Công an TP.HCM cho biết thông qua ứng dụng VN-EID của Bộ Công an, các chốt trạm kiểm soát dịch đã phát hiện 135 trường hợp F0 lưu thông trên đường.

Hà Nội nhanh chóng khoanh vùng, truy vết liên quan ca mắc COVID mới

Hà Nội nhanh chóng khoanh vùng, truy vết liên quan ca mắc COVID mới

Các lực lượng chức năng Thành phố Hà Nội tập trung mọi nguồn lực, nhanh chóng khoanh vùng, phong tỏa, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có liên quan tới các ca mắc COVID-19 mới phát hiện, không để dịch lan rộng trên địa bàn. 

(Tiếp tục cập nhật) 

Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY

 

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, chiều 18/9, tại buổi họp báo thông tin về tình hình Covid-19 ở TP.HCM, thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM - cho biết theo kết quả thống kê của Công an TP đến ngày 16/9, thông qua ứng dụng VN-EID đã phát hiện 135 trường hợp có cảnh báo F0 đi qua các chốt, các trạm kiểm soát dịch trên đường.

Sau khi phát hiện cảnh báo, Công an TP đã xác minh và phát hiện 33 trường hợp F0 đã khỏi bệnh, còn lại 102 trường hợp là F0. 

Trong 102 trường hợp F0 (26 trường hợp cách ly tập trung, còn lại cách ly tại nhà) có 50 trường hợp được cấp giấy đi đường, lực lượng chức năng đã thu hồi 10 giấy và thông báo hủy giấy đối với 40 trường hợp.

Chú thích ảnh
Kiểm tra giấy đi đường tại TP.HCM (Ảnh minh hoạ)

Trong 24h giờ số ca nhiễm trong nước giảm 2.146 ca

Tính từ 17h ngày 17/9 đến 17h ngày 18/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.373 ca nhiễm mới, trong đó 13 ca nhập cảnh và 9.360 ca ghi nhận trong nước. Cụ thể thông tin các ca nhiễm mới tại: TP. Hồ Chí Minh (4.237), Bình Dương (2.877), Đồng Nai (939), Long An (236), Tiền Giang (197), Kiên Giang (168), An Giang (143), Đắk Lắk (91), Đắk Nông (70), Tây Ninh (66), Quảng Bình (45), Bình Định (45), Cần Thơ (43), Đồng Tháp (30), Khánh Hòa (28), Quảng Ngãi (23), Bình Thuận (21), Hà Nội (19), Ninh Thuận (14), Bình Phước (10), Bà Rịa - Vũng Tàu (10), Quảng Trị (9), Phú Yên (8 ), Bạc Liêu (8 ), Trà Vinh (5), Nghệ An (4), Thanh Hóa (4), Cà Mau (3), Quảng Nam (3), Bến Tre (1), Lào Cai (1), Thừa Thiên Huế (1), Lâm Đồng (1) trong đó có 4.827 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 2.146 ca. Tại một số tỉnh như sau: TP. Hồ Chí Minh giảm 1.735 ca, Bình Dương giảm 1.136 ca, Đồng Nai tăng 594 ca, Long An giảm 37 ca, Tiền Giang tăng 79 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 10.723 ca/ngày.

Chú thích ảnh
Đắk Lắk: Ghi nhận trên 1.500 trường hợp mắc Covid-19

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 677.023 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.881 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 672.592 ca, trong đó có 445.594 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 15/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định. Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (331.032), Bình Dương (175.963), Đồng Nai (39.020), Long An (30.079), Tiền Giang (12.957).

Chú thích ảnh
Hà Nội: Phong tỏa tạm thời tổ 4, tổ 5 phường Việt Hưng

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 14.903/ tổng số ca được điều trị khỏi: 448.368.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.477 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.494; Thở ô xy dòng cao HFNC: 916; Thở máy không xâm lấn: 232; Thở máy xâm lấn: 771; ECMO: 34

Số bệnh nhân tử vong trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 220 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (165), Bình Dương (39), Kiên Giang (7), Tây Ninh (3), Đồng Tháp (2), Bình Thuận (1), Thanh Hóa (1), Quảng Ngãi (1), Hà Nội (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 250 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.857 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Trong ngày 17/9 có 452.817 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 33.555.359 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 27.208.264 liều, tiêm mũi 2 là 6.347.095 liều.

Hơn 6,2 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine 

Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã thực hiện tiêm được hơn 33,6 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó đã tiêm mũi 1 cho khoảng 21,2 triệu người và tiêm đủ 2 mũi cho 6,2 triệu người. 

Bộ Y tế cũng đã có Quyết định số 4471/QĐ-BYT ngày 17/9/2021 về việc phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Vaccine Abdala được phê duyệt theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế giới thiệu vaccine ngừa COVID-19 Abdala, do Tập đoàn công nghệ sinh học và dược phẩm Cuba (BioCubaFarma) sản xuất, tại Havana ngày 1/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình cho biết, từ 6 giờ ngày 17/9 đến 6 giờ sáng ngày 18/9, Quảng Bình có thêm 49 ca  COVID-19; trong đó có 4 ca phát hiện ngoài khu vực phong tỏa. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là 1.465 ca, có 508 ca khỏi.

11.506 ca mắc mới trong đó có 6.656 ca cộng đồng

Bộ Y tế cho biết, từ 17 giờ ngày 16/9 đến 17 giờ ngày 17/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.521 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 11.506 ca ghi nhận trong nước.

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận số ca mắc cao nhất nước (5.972 ca), Bình Dương (4.013 ca), Đồng Nai (345 ca), Long An (273 ca), Kiên Giang (180 ca)…; trong đó có 6.656 ca trong cộng đồng.

Như vậy, so với ngày 16/9, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.024 ca, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 237 ca, Bình Dương tăng 1.015 ca, Đồng Nai giảm 222 ca, Long An giảm 8 ca, Kiên Giang giảm 18 ca.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 667.650 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.786 ca nhiễm).

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 663.232 ca, trong đó có 430.691 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 17/9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 9.914 ca, nâng tổng số lên 433.465 ca được điều trị khỏi.

Số liệu do các Sở Y tế công bố cho thấy, trong ngày 17/9 có 212 ca tử vong, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.637 ca, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Cần sáng tạo hơn trong công tác xét nghiệm

Chiều 17/9, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Tháp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nhiệm vụ thời gian tới của Đồng Tháp là tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch, giảm sâu tỷ lệ tử vong; tận dụng thời gian giãn cách xã hội để tầm soát và tách F0; kiểm tra chặt chẽ người từ vùng dịch về Đồng Tháp, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, yêu cầu tất cả người về từ vùng dịch phải khai báo; tuyệt đối không để phát sinh ổ dịch mới. Cùng với đó, tỉnh cần tổ chức lại các khu cách ly tập trung, đã đưa vào cách ly là phải an toàn, không để lây nhiễm.

Đối với các khu vực phong tỏa, Phó Thủ tướng lưu ý địa phương cần sáng tạo hơn trong công tác xét nghiệm; khoanh hẹp nhất có thể, trường hợp không thể khoanh hẹp thì tạm thời khoanh rộng nhưng phải thần tốc truy vết, ngay sau đó thì thu hẹp vùng khoanh lại. Cần tập trung xét nghiệm bằng test nhanh trong 5 ngày đầu, “chà đi xát lại” nhiều lần để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất và triệt để.
         
Địa phương cần thận trọng, dần mở lại các hoạt động tại các “vùng xanh” phải chắc chắn, an toàn. Tinh thần chung là phải quyết đoán, trách nhiệm; sẵn sàng chuẩn bị trực chiến cho tình huống khi mở lại các hoạt động, dịch có thể quay lại bất cứ lúc nào. Phương châm là phát hiện thật nhanh, khoanh vùng, dập dịch ngay từ ban đầu, Phó Thủ tướng nói.

Chú thích ảnh
Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Ra mắt Trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp đầu tiên

Sáng 17/9, tỉnh Bình Dương tổ chức lễ công bố quyết định và ra mắt Trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp – Trạm số 01 tại thị xã Tân Uyên, phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên, Bình Dương.

Đây là Trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp đầu tiên của thị xã cũng như của tỉnh Bình Dương. Thông qua mô hình, các cơ sở y tế tư nhân cùng chung tay với cơ sở y tế công, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và các công việc liên quan đến y tế cho doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Tân Uyên.

Trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp được Trung tâm y tế thị xã trang bị đầy đủ bình oxy, thuốc kháng đông đường tiêm, đường uống, thuốc Corticoid và các túi thuốc cho F0 không triệu chứng và có triệu chứng. Đặc biệt, trạm y tế lưu động được trang bị phần mềm phản lý truy vết COVID-19.

Đến nay, tỉnh Bình Dương đã thành lập 27 trạm y tế lưu động tại 15 phường đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, trong đó thành phố Thuận An có 15 trạm, Dĩ An 4 trạm, thị xã Tân Uyên 8 trạm. Tỉnh sẽ tiếp tục bố trí các trạm y tế lưu động phù hợp tại các địa phương “vùng đỏ”, “vùng xanh”, tại các khu, cụm công nghiệp gắn với trang bị đầy đủ về phương tiện, nhân lực, vật tư y tế, bình oxy và các loại thuốc điều trị cần thiết… đảm bảo người dân, công nhân lao động được tiếp cận y tế mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh nhất. Dự kiến, đến ngày 15/10/2021 sẽ hoàn thành việc bố trí các trạm y tế lưu động tại khu, cụm công nghiệp.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ tại Trạm y tế lưu động trên địa bàn phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN phát

Bóc tách hoàn toàn F0 khỏi cộng đồng không còn khả thi và hợp lý

Chia sẻ quan điểm về trạng thái “bình thường mới” trong dịch COVID-19 đang được đề cập nhiều trong thời gian gần đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, để đạt được trạng thái “bình thường mới”, trước hết chúng ta cần xác định rõ ràng đích để hướng tới. Ông cho rằng: “Nếu như trước đây, chúng ta quyết tâm bóc tách hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng, thì nay đích đó không còn khả thi và hợp lý”.

Lý giải về quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung nêu rõ, COVID-19 do corona virus mới có đặc tính biến chủng rất nhanh, chu kỳ lây càng ngày càng ngắn, tương tự như virus cúm, vì vậy SARS-CoV-2 sẽ còn tồn tại lâu dài.

Cho đến nay cũng chưa có quốc gia nào thành công trong việc loại trừ COVID-19 ra khỏi cộng đồng. Công cụ để kiểm soát dịch tốt nhất đó là vaccine.

Theo ông Nhung, mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn đã có rất nhiều loại vaccine COVID-19 được phát triển và có hiệu quả, nhưng sẽ phải tiêm nhắc lại và cập nhật hằng năm vì “Vaccine COVID-19 không ngăn chặn được nhiễm bệnh, mà chỉ làm nhẹ đi biểu hiện lâm sàng và giảm đáng kể tử vong do bệnh. Điều này cũng tương tự như vi khuẩn lao, vaccine lao (BCG) cũng chỉ làm giảm tỷ lệ mắc lao nặng ở trẻ em mà thôi”.

Vì vậy, ông Nhung khẳng định, để loại trừ hoàn toàn COVID-19 như bại liệt, đậu mùa thì về mặt lý thuyết cho đến nay là chưa có tính khả thi. “Các bài học của chúng ta ở 4 đợt dịch cho thấy việc loại trừ COVID-19 ra khỏi cộng đồng chỉ có thể là tạm thời, không thể bền vững được”.

Tiếp tục hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch

Sáng 17/9, đoàn cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Hà Nam đã lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19. Đây là đoàn cán bộ, nhân viên y tế thứ 5 được tỉnh Hà Nam cử đi hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác.

Đoàn hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh lần này có 40 cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nam và các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố. Theo nhiệm vụ phân công, đoàn sẽ thay thế cho đoàn cán bộ, nhân viên y tế của Hà Nam (Đoàn số 1) tiếp tục làm nhiệm vụ hỗ trợ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 6, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhằm tiếp tục huy động, hỗ trợ nhân lực phòng, chống dịch COVID-19 cho Thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện tuyến Trung ương, Sở Y tế một số tỉnh, thành phố đã cử 3 đợt với tổng số 3.216 cán bộ, 947 bác sỹ, 2.077 điều dưỡng, 164 kỹ thuật viên, 100 giáo viên, sinh viên. Giáo viên và sinh viên các trường đại học, cao đẳng Y Dược của Trung ương và tỉnh, thành phố hỗ trợ 4.373 cán bộ cho các quận, huyện, trong đó điều tra truy vết là 36, lấy mẫu xét nghiệm là 4.275, làm việc tại cơ sở F0 là 62. Riêng Học viện Quân y cử 1.434 cán bộ tham gia.

Thanh Thanh - P.V/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm