04/08/2020 20:30 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong ngày 4/8, Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông, lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 3/8 đến 13 giờ ngày 4/8 tại các trạm đo như sau: Ba Vì (Hà Nội)-130mm, Sơn Tây (Hà Nội)-56mm, Móng Cái (Quảng Ninh)-74mm, Việt Trì (Phú Thọ)-116mm, Mai Châu (Hòa Bình)-61mm, Yên Châu (Sơn La)-81mm, Mộc Châu (Sơn La)-61mm...
Dự báo, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục Tây Bắc-Đông Nam nên trong đêm 4 và ngày 5/8, vùng núi Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to; khu vực trung du, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm/24 giờ, có nơi trên 120mm/24 giờ.
Từ đêm 5/8, áp cao cận nhiệt đới dịch chuyển về phía Tây và thiết lập hội tụ gió mạnh trên cao nên ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to (50-100mm/24 giờ), riêng các tỉnh vùng núi phía Bắc có khả năng mưa rất to (100-150mm/24 giờ). Mưa lớn ở các tỉnh vùng núi phía Bắc còn có khả năng kéo dài đến ngày 8/8.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh dần lên nên từ ngày 5 đến ngày 7/8, ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn là cấp 1-2.
Trên vùng biển khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vịnh Bắc Bộ, vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông.
Dự báo, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 19-22 độ Vĩ Bắc kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên trong đêm 4/8, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vịnh Bắc Bộ, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa rào và dông mạnh; từ ngày 5/8 ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 1.
Diễn biến thời tiết chiều tối và đêm 4/8
Phía Tây Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, gió Đông Bắc đến Đông cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C.
Thủ đô Hà Nội có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, gió Đông Bắc đến Đông cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-27 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, gió Tây Nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận đêm có mưa rào và dông vài nơi, gió Tây Nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C.
Khu vực Tây Nguyên có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to, gió Tây Nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C.
Khu vực Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C.
Hiện đang là mùa mưa giông ở Việt Nam, vì vậy hiện tượng sét đánh thường xuyên xảy ra rất dễ gây nguy hiểm cho chúng ta. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách phòng chống sét để bảo vệ an toàn cho mình và người thân.
Các nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho thấy, Việt Nam nằm ở tâm giông châu Á - một trong ba tâm giông trên thế giới, có hoạt động giông sét mạnh. Mùa giông ở Việt Nam tương đối dài, số ngày giông trung bình 100 ngày mỗi năm và số giờ giông trung bình là 250 giờ một năm. Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới hai triệu cú sét. Khu vực như Cổ Dũng (Hải Dương), Sơn Lộc (Hà Tĩnh), Đồng bằng sông Cửu Long... là những nơi được coi là tâm sét.
Theo các nhà khoa học, thường cơn giông kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40km một giờ. Nói chung khi đang ở nơi không an toàn thì người dân cần phải để ý đến các dấu hiệu của giông như mây đen, không khí lạnh, gió.
Có thể ước tính được khoảng cách từ nơi đang đứng tới nơi sét xảy ra bằng cách ước lượng khoảng thời gian từ lúc tia chớp lóe lên và lúc nghe thấy tiếng sấm. Chia số giây cho 3 sẽ được khoảng cách đến tia sét. Ví dụ đếm được 3 giây thì sét cách vị trí đứng là 3/3= 1km.
Ngoài ra còn có phương pháp xác định vị trí của sét đó là cảm nhận cơ thể khi đang ở khu vực giông, mưa. Nếu thấy lông tay, tóc, dựng thì chúng ta đang có nguy cơ bị sét đánh, trong trường hợp này phải lập tức chụm hai chân lại, dùng tay bịt tai, cúi thấp người (nhưng không để cơ thể chạm đất ngoài hai bàn chân). Sau khi nghe tiếng sét khoảng 7-10 phút thì cơn sét đã qua có thể trở về trạng thái bình thường.
Nếu thời gian này nhỏ hơn 20 giây thì chúng ta phải di chuyển đến nơi an toàn hơn. Khi nghe thấy tiếng sấm đầu tiên bất kể là gì cũng cần phải thấy nguy hiểm đã đến. Sét có thể đánh cách xa nơi có mưa tới 15-20km. Người đang lao động hoặc đi lại ngoài trời cần tìm nơi trú an toàn.
Nếu ở ngoài trời, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt... Chúng ta nên tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp. Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ, phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất; nhón chân, không được nằm xuống đất. Đặc biệt, không đứng thành nhóm người gần nhau.
Đối với các vật có bề mặt kim loại như xe buýt, tàu hỏa, ô tô... nếu không thò người ra ngoài và không chạm đến vỏ bọc thì ở những chỗ này là an toàn. Ngược lại đối với các ô tô, tàu thủy để hở hay không có vỏ bọc kim loại thì lại nguy hiểm.
Thắng Trung/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất