10/07/2020 16:00 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - PGS - TS Trần Đình Thiên (Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) phát biểu: Đà Nẵng mới chỉ “đáng sống ban ngày” còn “đáng ngủ ban đêm” vì thiếu nhiều khu vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm… hấp dẫn về đêm.
Sáng nay (10/7), tại Khách sạn Novotel Danang Premier Han River diễn ra tọa đàm Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm do Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Sun World, Hãng hàng không Vietnam Airlines tổ chức.
Tọa đàm đã ghi nhận những ý kiến góp ý, trao đổi thiết thực và hữu ích giữa lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng với khách mời tham dự như các travel blogger trẻ, doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng… nhằm đưa ra những kiến giải để phát huy những thế mạnh, khắc phục điểm yếu để thúc đẩy phát triển du lịch đêm nói riêng và kinh tế đêm nói chung tại Đà Nẵng.
Đặc biệt, tại tọa đàm này, đại diện Công ty CP Tập đoàn Sun World (thuộc Tập đoàn Sun Group) đã hé lộ những sản phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí về đêm tại các điểm đến do Sun Group vận hành trên địa bàn Đà Nẵng như: Sun World Ba Na Hills, Công viên Châu Á, SKY36. Với các sản phẩm và dịch vụ vui chơi giải trí về đêm mới mẻ và độc đáo này, du lịch Đà Nẵng sẽ có thêm lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh so với những điểm đến khác trong cuộc đua kích cầu hiện tại, đồng thời góp phần gia tăng nhiều trải nghiệm mới khác lạ, giúp kéo dài thời gian lưu trú và kích thích mua sắm của du khách đến Đà Nẵng.
Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, đại diện Vietnam Airlines đã công bố kế hoạch phát triển mạng đường bay, tăng cường khai thác đến Đà Nẵng nhằm hỗ trợ, thúc đẩy du lịch về đêm nói riêng và kích cầu điểm đến Đà Nẵng nói chung.
“Nếu không có hoạt động ban đêm thì Đà Nẵng buồn hơn rất nhiều”
PGS - TS Trần Đình Thiên (Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) từng có nhiều gắn bó với Đà Nẵng. Ông đã chia sẻ rất thẳng thắn rằng: “Xét từ góc độ lịch sử không phải tới bây giờ Đà Nẵng mới quan tâm tới kinh tế đêm, mà ngay từ 10-15 năm trước khi bàn về chân dung phát triển của Đà Nẵng tương lai thì đã bàn về khái niệm Đà Nẵng phải sống về đêm như thế nào rồi.
Làm du lịch nếu chỉ có ban ngày không thì Đà Nẵng cũng vui nhưng đó là cái vui ngắn. Tắm xong lại đi ăn. Ăn xong lại tắm thì chán. Rồi chỉ 1, 2 ngày là khăn gói lên đường trở về. Nếu không có hoạt động ban đêm thì Đà Nẵng buồn hơn rất nhiều”.
PGS - TS Trần Đình Thiên cũng đưa ra số liệu khá thuyết phục khi so sánh khách du lịch lưu trú tại Việt Nam chỉ chi tiêu trung bình 93 USD/ ngày trong khi ở Thái Lan họ sẵn sàng tiêu 160 USD/ngày. Lý do là bởi chúng ta chưa có các dịch vụ hấp dẫn du khách, nhất là dịch vụ về đêm. Trong khi trên thế giới, châu Âu và Mỹ hay các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đều có kinh tế đêm. Giá trị kinh tế dưới ánh điện luôn tăng trưởng, Nhật Bản dự thu tới 400 tỷ yên Nhật trong năm 2020…
Theo lời kể của PGS-TS Trần Đình Thiên, cách đây 10-15 năm, tại những hội thảo bàn giải pháp đưa Đà Nẵng lên đẳng cấp rất cao trong phát triển không chỉ ở Việt Nam mà trên tầm thế giới thì vấn đề phát triển kinh tế đêm đã được đặt ra rất nghiêm túc, rất bài bản.
“Kinh tế đêm là một biện pháp đột phá cho các đô thị Việt Nam tận dụng lợi thế theo sau. Ở Việt Nam hiện nay đã thấy chỗ nào có hơi hướng kinh tế ban đêm chưa? Xin thưa có. Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn cũng làm rầm rầm thức cả đêm, ăn chơi nhảy múa cả đêm, cũng là kinh tế ban đêm. Ngoài ra ở Hà Nội, khu vực chỗ phố cổ họ cũng đi chơi, thức cả đêm. Đà Nẵng chắc chưa nhiều được như vậy.
Nói vậy để thấy, tính riêng ở Việt Nam thôi thì Đà Nẵng đã đi sau rồi. Nếu mà so với thế giới còn là đi sau nữa. Đây là thời điểm để bứt lên. Và lúc này cần dựa vào những doanh nghiệp hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm. Chứ đừng làm kế hoạch 5 năm để thức đến 12h đêm, 10 năm sau nữa thức đến 2h đêm là không được” - PGS - TS Thiên nói thêm.
Đà Nẵng tiên phong phát triển kinh tế đêm
Phát biểu tại toạ đàm này, ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - cho biết, năm 2019, Đà Nẵng đã đón gần 8 triệu lượt du khách, trong đó khách nước ngoài xấp xỉ gần 3 triệu, chiếm gần 64% GDP của thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua, đại dịch COVID-19 tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội đặc biệt là du lịch. Còn với riêng Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt âm 3,61%.
“23 năm qua, đây là lần đầu tiên thành phố chúng tôi bị mức tăng trưởng âm. Đời sống người dân ảnh hưởng vì mất việc làm do COVID-19. Các doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất, ảnh hưởng rất lớn đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Điều này cũng đúng vì du lịch đang chiếm tỉ trọng 64% đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Khi du lịch bị ảnh hưởng thì đương nhiên tỉ trọng tăng trưởng kinh tế của chúng ta cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng là điều không thể tránh khỏi. Để phục hồi lại việc phát triển du lịch, trong thời gian qua thành phố đã có nhiều nỗ lực, cùng sự hỗ trợ của hiệp hội các công ty bằng nhiều kênh, nhiều giải pháp” – ông Lê Trung Chinh chia sẻ.
Được biết, qua gần 1 tháng thực hiện chương trình kích cầu, lượng khách đến thành phố Đà Nẵng đạt gần 500.000 lượt khách, chủ yếu là khách nội địa. Thành phố đã có chính sách kích cầu như giảm giá vé tham quan 1 số điểm du lịch thành phố, liên kết với các tỉnh, thành phố khác…. Các công ty cũng đã hỗ trợ trong giảm giá dịch vụ trong đó, Tập đoàn Sun Group dành 1.000 voucher để phát cho du khách…
Cũng theo ông Lê Trung Chinh: “Phát triển kinh tế đêm là một lĩnh vực mới đối với đất nước chúng ta. Và với riêng Đà Nẵng, lĩnh vực này còn mới mẻ hơn. Sau khi có các chỉ đạo của Thủ tướng về việc nghiên cứu kinh tế đêm, chúng tôi đã bắt tay vào tìm các giải pháp phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn. Kinh tế của Đà Nẵng còn manh mún, chưa có quy hoạch. Do đó việc phát triển kinh tế đêm để hỗ trợ cho phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ thành phố đặt ra trong thời gian tới. Theo đó, Thành phố có chủ trương sẽ dành ngân sách đầu tư để phát triển kinh tế đêm bằng việc xây dựng các sản phẩm các dịch vụ mới. Trước mắt, chúng tôi sẽ đầu tư khu An Thượng. Thiết kế phố đi bộ cầu Nguyễn Văn Trỗi. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch ban đêm tại thành phố được phát triển các sản phẩm mới”.
Cuộc toạ đàm bàn về kinh tế đêm và các sản phẩm dịch vụ đêm của Đà Nẵng diễn ra trong buổi sáng cùng ngày nhưng ghi nhận rất nhiều đóng góp của các diễn giả tham dự. Báo điện tử Thể thao & Văn hoá (TTXVN) sẽ tiếp tục đề cập tới nội dung này trong các bài viết tiếp theo.
Clip “Dịch vụ giải trí đêm – giải pháp kích cầu du lịch Đà Nẵng”:
Lộ trình Đà Nẵng quy hoạch để phát triển kinh tế ban đêm: Giai đoạn 1 (dự kiến từ năm 2021 - 2023) sẽ thí điểm chọn các dịch vụ sẵn có trên 04 khu vực gồm: Phố du lịch An Thượng, Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, Tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và Tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành để hoàn thiện và khai thác phát triển. Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2023 - 2025) sẽ xác định một số khu vực trọng điểm gồm: Phố du lịch An Thượng, mở rộng đến đường Nguyễn Văn Thoại; Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo và mở rộng ra đường Như Nguyệt, Chương Dương; Tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa; Tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành; Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills; Khu vực làng Vân và một số khu vực riêng biệt nằm ở phía Tây thành phố. (Phát biểu của bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng) |
Đức Chi. Ảnh: BTC cung cấp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất