Ảnh chỉ có tính minh họa. (Trần Thanh Giang/TTXVN) |
30% số doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 4% của năm 2009, tuy nhiên, gói hỗ trợ này chỉ giúp các doanh nghiệp tăng vốn sản xuất trong ngắn hạn mà không có ý nghĩa làm thay đổi dòng vốn đầu tư cho dài hạn.Nội dung này được đưa ra trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2010 với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô để tăng trưởng bền vững" được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố ngày 8/4.
Báo cáo là một trong những hướng chính của các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm "Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam" đã được Hội đồng lý luận Trung ương đặt hàng và sắp tới sẽ được xuất bản thành sách bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Dài 400 trang, báo cáo gồm các chương "Kinh tế thế giới năm 2009: Qua đáy và phục hồi" "Kinh tế Việt Nam năm 2009", "Đánh giá chính sách hỗ trợ lãi suất", "Lựa chọn chính sách tỷ giá trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay", "Thương mại Việt Nam trong tiến trình hội nhập Đông Á", "Đánh giá vai trò của khu công nghiệp trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam", "Viễn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2010 và khuyến nghị chính sách".
Thực hiện báo cáo là nhóm nghiên cứu trẻ bao gồm 11 người, trong đó có tám tiến sĩ và ba nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế của các đại học danh tiếng như Viện nghiên cứu chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS), Đại học Quốc gia Australia (AUN), Đại học Inova (Hoa Kỳ), Đại học New York (Hoa Kỳ). Họ hiện là giảng viên của Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội và các trường đại học chuyên ngành kinh tế.
Từ việc nhìn nhận tình hình diễn biến kinh tế thế giới 2010, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Việt Nam cần quan tâm hơn đến các chính sách có tác dụng phát triển kinh tế bền vững để nâng cao chất lượng thực sự của chỉ số tăng trưởng GDP.
Phản biện tại buổi công bố báo cáo, tiến sĩ Nguyễn Đăng Doanh, tiến sĩ Võ Trí Thành - chuyên gia cao cấp về kinh tế vĩ mô và tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã đánh giá cao phương pháp tiếp cận khoa học, hiện đại và nhãn quan độc lập của nhóm nghiên cứu trẻ khi nhìn nhận và đề xuất các chính sách giải quyết các vấn đề thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam.
Các chuyên gia phản biện đều nhấn mạnh mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam với đặc điểm là dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô và lao động giá rẻ đã đạt tới giới hạn tự nhiên của nó.
Vì vậy, năm 2010 chính là thời điểm có ý nghĩa bản lề để Việt Nam bắt đầu việc xây dựng và thực hiện mô hình cơ cấu mới nền kinh tế quốc dân.