(TT&VH) - Sáu mươi tư cái hồ cho khoảng mười vạn dân, đây là tôi nói đến cái Hà Nội đầu thế kỷ hai mươi. Ta thử tính nhẩm xem, khoảng 1500 dân thủ đô hồi đó sở hữu một cái hồ!
Thực ra đó cũng là đặc điểm dễ nhận biết của dân Lạc Việt khi từ trung du chuyển dần xuống vùng tam giác châu sông Hồng mầu mỡ. Làng nào cũng có ao, có hồ. Nếu đi ô tô một ngày trời trên nước Pháp, có thể bạn không hề gặp một vũng nước. Nhưng ở Thái Bình, ở Hưng Yên, Hải Dương, mỗi nhà có một cái ao, bước trên đường bất kỳ một cái làng nào, bạn thấy hai bên là ao và hồ.
Chính vì vậy mà Hà Nội mang hình ảnh của đất nước, có dáng thân thương quen thuộc với mọi người dân, gợi mở và nhắc nhở biết bao kỷ niệm trong cuộc đời gian nan của người nông dân Việt. Không phải ngẫu nhiên mà có câu thành ngữ “ba chìm bảy nổi” của dân ta. Người Lạc Việt vốn nổi tiếng là dân thạo đời sông nước.
Hầu như mỗi người dân thủ đô trước đây đều sống bên cạnh một cái hồ hay vài bước ra ngõ là gặp hồ. Mênh mông hồ Tây. Thiêng liêng và mỹ lệ hồ Gươm. Thơ mộng hồ Thuyền Quang. Và thân thiết những cái hồ khác. Cho nên nếu nói Hà Nội có một nền văn hóa hồ cũng không có gì lạ. Hồ gắn liền với cuộc sống người dân, tạo ra một nếp sống riêng biệt với văn hóa và sinh hoạt đời thường. Có thể nào quên những ông già ngồi hóng mát hay đọc sách bên hồ Hà Nội? Nhớ mãi và ấn tượng mãi cho những ai dù là người nước ngoài, Việt Kiều về thăm quê hay dân bản địa khi một lần dạo bước trên đường Cổ Ngư, con đường của tình yêu và tuổi trẻ. Vọng đến từ ký ức những câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan và Hồ Xuân Hương…Múa rối nước là sản phẩm độc đáo thuần Việt, là sản phẩm của cuộc sống bên ao làng, được đem tới bên hồ thủ đô làm món quà đặc sắc tặng du khách. Cái dịu dàng, thanh lịch trước đây được coi là đặc sản Hà Nội được hun đúc từ sự tĩnh lặng của mặt nước hồ Gươm, hồ Tây…Nghĩ cho kỹ mà xem, thật khó mà cục cằn thô lỗ khi người ta luôn sống bên cạnh mặt hồ tĩnh lặng. Các nhà văn hóa chắc chắn sẽ còn nhiều việc để làm về văn hóa hồ Hà Nội.
Buồn thay, mấy chục năm qua, khi phát triển thủ đô từ vài chục vạn dân ngày giải phóng đến một thành phố vào loại lớn nhất thế giới hiện nay, các nhà lãnh đạo và xây dựng thủ đô cũng như những chuyên gia làm quy hoạch và chính bản thân những người dân Hà Nội đã quên ở những mức độ khác nhau rằng đây từng là một thành phố bên hồ, thành phố từng có một nền văn hóa lâu đời mang nhiều dấu ấn của ao hồ. Người ta đã lấp mất rất nhiều hồ của Hà Nội để xây nhà, hiện nay một số dân vẫn ăn cướp bền bỉ mặt nước Hồ Tây trước sự làm ngơ, hay bất lực của cơ quan công quyền. Một năm đã trôi qua mà nhiều người yêu thủ đô vẫn chưa thể quen được cảm giác Hà Nội có thêm Hà Tây với vùng trung du dưới chân dãy Ba Vì xanh ngắt ở chân trời hay Hà Nội mở đến tận Lương Sơn.
Hồ Tây đang hẹp dần và xấu đi rất nhiều trước mắt người Hà Nội. Nhiều hồ khác đang bị lấp bằng. Phải làm gì đây hay chỉ biết kêu la và đau xót?
Nguyễn Quang Thân