16/05/2018 15:34 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Một dự án sản xuất hóa chất độc hại, cách cửa ngõ vịnh Hạ Long không xa đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư khiến dư luận tại tỉnh Quảng Ninh quan tâm, lo ngại.
Đó là dự án Nhà máy sản xuất xút công suất 20 ngàn tấn/năm và các thương phẩm khác như chất trợ lắng PAC (loại hóa chất xử lý nước thải), javen (hóa chất tẩy rửa) tại Khu Công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Điều đáng lo ngại là vị trí của dự án này nằm ngay gần sông Cửa Lục, con sông đổ thẳng ra Di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Phó Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long Phạm Đình Huỳnh cho rằng: Cần thận trọng trong việc quyết định đặt một nhà máy hóa chất ngay gần Di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Bởi nếu nhà máy xảy ra sự cố về môi trường sẽ ảnh hưởng xấu trực tiếp đến vịnh Hạ Long. Như vậy, sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch, dịch vụ của Quảng Ninh.
Ông Huỳnh đưa ra ví dụ, trước đây, tỉnh Ninh Bình đã mạnh dạn quyết định di chuyển hẳn một nhà máy xi măng ra khỏi vùng di sản Tràng An để đảm bảo an toàn về môi trường của Di sản thiên nhiên thế giới này. Đây là bài học tốt mà bất kỳ địa phương nào cũng nên học tập trong việc bảo vệ môi trường cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất xút và thương phẩm khác do Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và kinh doanh thương mại Tân Tiến (Công ty Tân Tiến, có trụ sở ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) đề xuất đầu tư tại Khu Công nghiệp Việt Hưng.
Ngày 16/11/2006, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu để thực hiện Dự án “xưởng sản xuất hóa chất và chế biến bột than” ở lô đất M1-2 Khu công nghiệp Việt Hưng với mục tiêu: Chế biến bột than 4,8 ngàn tấn/năm; các loại hóa chất như phèn lọc nước, xút 982 tấn/năm; vôi bột 372 tấn/năm. Nhà đầu tư đã hoàn thiện thủ tục về môi trường, quy hoạch đất đai, xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động kinh doanh với mục tiêu “sản xuất phèn” theo công suất đăng ký từ tháng 6/2013.
Đến năm 2015, Công ty Tân Tiến lập hồ sơ báo cáo đề xuất mở rộng Dự án xưởng sản xuất hóa chất và chế biến bột than tại lô đất M1-2 Khu công nghiệp Việt Hưng (diện tích 1ha) nêu trên, với phần mở rộng đề xuất Nhà máy sản xuất xút 20 ngàn tấn/năm và các thương phẩn khác tại vị trí lô đất M3 Khu Công nghiệp Việt Hưng (rộng 3ha).
Trên cơ sở ý kiến tham gia của các sở, ngành của tỉnh Quảng Ninh và Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Dự án sản xuất xút công suất 20 ngàn tấn/năm của Công ty Tân Tiến vào Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030.
Thực hiện chức năng của mình, ngày 4/5/2016, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần 2 cho dự án. Trong đó, quy mô dự án được điều chỉnh thành: Phèn lọc nước 982 tấn/năm, xút 20 ngàn tấn/năm; axit clohydric (HCL) 30% công suất 44,9 ngàn tấn/năm; Clo lỏng 2,4 ngàn tấn/năm và javen 3,6 ngàn tấn/năm.
Ngày 20/3/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Quyết định số 442/QĐ-BTNMT phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, trong đó có khuyến cáo ảnh hưởng trong trường hợp có sự cố rò rỉ hóa chất Clo ra môi trường.
Vì vậy, trên cơ sở tìm hiểu khảo sát thực tế một số dự án sản xuất hóa chất, Ban Quản lý Khu kinh tế đã làm việc với Công ty Tân Tiến để trao đổi về những nguy cơ ô nhiễm môi trường của dự án. Sau buổi làm việc, hai bên đã ký biên bản ngày 2/8/2017 và văn bản số 01217/CV-TT ngày 7/8/2017 về việc xin thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần hai đã cấp ngày 4/5/2017 trước đó và xin cấp lại dự án mới.
Cùng ngày 7/8/2017, Ban Quản lý Khu kinh tế đã ban hành Quyết định số 174/QĐ-BQLKKT về việc chấm dứt hoạt động của phần dự án mở rộng tại lô M3 Khu công nghiệp Việt Hưng của Dự án xưởng sản xuất hóa chất và chế biến bột than của Công ty Tân Tiến. Theo đó, hủy bỏ mục tiêu sản xuất xút, axit clohydric, clo lỏng và javen. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn Công ty Tân Tiến lập hồ sơ đăng ký đầu tư với dự án mới Nhà máy sản xuất xút 20 ngàn tấn/năm và các sản phẩm xử lý nước với mục tiêu: Chế biến xút 20 ngàn tấn/năm, chất trợ lắng PAC dạng bột 20 ngàn tấn/năm và javen 3,6 ngàn tấn/năm (không sản xuất clo lỏng và axit clohydric thương phẩm).
Sau khi nhận được hồ sơ của Công ty Tân Tiến, ngày 6/4/2018, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã chủ động chủ trì cuộc họp làm việc với nhà đầu tư, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các sở, ngành của tỉnh Quảng Ninh để xem xét, đánh giá các nội dung đề xuất của nhà đầu tư trên cơ sở không xung đột lợi ích với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác của cộng đồng dân cư khu vực xung quanh dự án, đảm bảo tuân thủ định hướng phát triển của Quảng Ninh là tăng trưởng bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Phó Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh Hoàng Trung Kiên cho biết: Toàn bộ dự án trên đang bị tạm dừng, Ban Quản lý Khu kinh tế đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tổng hợp, xem xét một cách thấu đáo, trách nhiệm để báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết và sẽ trả lời nhà đầu tư trong tháng 5 này.
Từng là chuyên viên cao cấp về công tác quy hoạch, xây dựng và môi trường, ông Trần Đông A, Tổ 5, khu 5, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long nêu quan điểm: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” nếu có thể nên chuyển nhà máy sản xuất hóa chất độc hại này ra xa vịnh Hạ Long. Quảng Ninh nên có quy hoạch khu công nghiệp dành riêng cho các ngành nghề độc hại ở xa dân cư, xa các vùng di sản.
Ông Trần Đông A phân tích: Các dự án công nghiệp đều có đánh giá tác động môi trường và thường đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường, song thực tế khi triển khai, các nhà đầu tư thường vì lợi nhuận hoặc không đầu tư, hoặc có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhưng lại không hoặc ít sử dụng nên nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất cao.
Theo cựu chuyên viên cao cấp này, nếu xảy ra sự cố nhà máy hóa chất, vịnh Hạ Long sẽ bị nhiễm độc, sẽ hủy hoại môi trường sinh thái vịnh. Tỉnh Quảng Ninh cần nghiên cứu kỹ và thận trọng hơn trong quyết định chấp thuận đặt nhà máy hóa chất độc hại ở sát vùng Di sản vịnh Hạ Long.
TTXVN/Văn Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất