Ngày 29/10, tại Đồng Nai, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33) phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội thảo truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống phơi nhiễm chất da cam.
Quân đội Mỹ tập kết chất độc da cam/dioxin. Ảnh tư liệu |
Theo Ban chỉ đạo 33, ở nước ta có 3 điểm nóng dioxin gồm: Sân bay Phù Cát, sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa. Trong đó, điểm nóng sân bay Phù Cát đã được xử lý bằng phương pháp chôn lấp an toàn. Tại sân bay Đà Nẵng, dự án xử lý cũng đang được triển khai và sẽ hoàn thành vào năm 2016.
Riêng tại sân bay Biên Hòa, quân đội Mỹ đã lưu giữ hơn 98.000 thùng phuy loại chứa 205 lít chất da cam, 45.000 thùng chất trắng, 16.000 thùng chất xanh. Khoảng thời gian từ tháng 12/1969 đến 3/1970, tại sân bay đã có ít nhất 4 sự cố gây chảy tràn 25.000 lít chất da cam và 2.500 lít chất trắng. Quy mô và mức độ ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa vì thế rất phức tạp cả theo bề rộng lẫn chiều sâu, trải rộng trên diện tích khoảng 25 ha.
Hiện Bộ Quốc phòng mới chôn lấp được 94.000 m 3 đất và trầm tích nhiễm chất độc dioxin, còn khoảng 240.000 m 3 (gấp 3 lần khối lượng phải xử lý ở sân bay Đà Nẵng) cần được xử lý. Đại diện Ban chỉ đạo 33 khẳng định: Đến năm 2020, Việt Nam sẽ xử lý xong 240.000 m 3 đất và trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Để thực hiện dự án này, Việt Nam cần hơn 200 triệu USD.
Việc đánh giá tồn lưu dioxin tại sân bay Biên Hòa đã được tiến hành từ năm 1990. Đến nay, Ban chỉ đạo 33 và Bộ Quốc phòng đã phân tích, xác định 17 đồng loại độc của dioxin trong 895 mẫu các loại.
Ông Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 33 cho biết: Vừa qua, lãnh đạo Chương trình Phát triển quốc tế Mỹ và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã tiến hành khảo sát ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Sắp tới, phía Mỹ sẽ thông báo nội dung và kế hoạch thực hiện đánh giá môi trường như đã cam kết.
Theo Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai, để nâng cao nhận thức của người dân về chất dioxin, hoạt động truyền thông cần đưa ra những thông điệp, hình ảnh đơn giản, cụ thể nhằm giúp người dân biết những điều nên tránh khi sống trong vùng bị ô nhiễm chất da cam. Ban chỉ đạo 33 và Sở Y tế Đồng Nai cần tăng cường tuyên truyền cho các hộ dân, người đánh bắt và khai thác thủy hải sản, nông dân và người dân sống lân cận sân bay Biên Hòa cách lựa chọn thức ăn an toàn, con đường phơi nhiễm dioxin, danh mục một số hóa chất nông nghiệp có thể gây tồn dư chất da cam.
Công Phong