23/04/2016 18:54 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều ngày 23/4, tại Hà Tĩnh, trong buổi làm việc với các địa phương xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay, mặc dù chưa có kết quả phân tích sau khi lấy mẫu về nguyên nhân gây cá chết là điều mà dư luận đang quan tâm nhất.
Nhưng, đoàn công tác của Bộ đã làm việc rất khẩn trưởng, trách nhiệm và cũng đang sốt ruột có kết quả để công bố trong thời gian sớm nhất.
Về đường ống xả thải của Cty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, đường ống xả thải này là hợp pháp, được sự cho phép của Bộ, đúng theo quy định. Việc báo chí thông tin chưa rõ ràng tạo cảm giác cho người đọc như đường ống này là vi phạm, thải chui. Về việc tại sao phải chôn ngầm dưới biển là để an toàn cho đường ống, không bị hư hỏng do sóng va đập...
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cũng có khuyến cáo người dân ở các địa phương có cá chết hàng loạt cần thu gom cá chết để tiêu hủy và không được dùng làm thực phẩm. Tuy nhiên, khi không còn hiện tượng cá chết nữa thì có nghĩa là những sản phẩm thủy sản đó là an toàn và người dân hoàn toàn yên tâm sử dụng.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp cũng cho biết cần có thêm thời gian để xác minh yếu tố độc gây ra hiện tượng cá chết bất thường này.
Thứ trưởng Tám cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương thu gom cá chết tiêu hủy để đảm bảo môi trường; cấm dưới mọi hình thức việc thu gom cá chết làm thực phẩm. Đồng thời, chủ động trích ngân sách áp dụng theo các quy định hiện hành mà hỗ trợ người nuôi bị thiệt hại ổn định sản xuất. Nếu cần, Bộ cũng sẽ trích nguồn hỗ trợ thêm cho người dân.
Theo báo cáo của đại diện lãnh đạo các tỉnh, cá chết tại các vùng biển của 4 tỉnh nói trên đều có hiện tượng giống nhau như chết đồng loạt nhanh trên diện rộng khi nước thủy triều lên.
Ngay sau khi nhận được thông tin các, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đã cử các đoàn trực tiếp quan trắc môi trường, lấy mẫu phân tích các mẫu nước, mẫu cá và các yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Theo xác định ban đầu, nguyên nhân dẫn đến cá biển và các con nuôi gần biển chết hàng loạt không liên quan đến dịch bệnh nguy hiểm hay hiện tượng suy giảm nồng độ ôxy trong nước (do tảo xâm lấn, thủy triều đỏ, nhiễm độc hoặc gia tăng nhiệt độ trong nước gây ra) mà do độc tố. Tuy nhiên, yếu tố độc gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt vẫn chưa xác định được cụ thể.
Tại đây, lãnh đạo các tỉnh cũng đã đề xuất các Bộ, ngành liên quan, các tỉnh yêu cầu cần sớm tìm ra nguyên nhân cụ thể dẫn tới cá chết hàng loạt như trong thời gian vừa qua để có biện pháp xử lý. Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ khuyến khích, động viên kịp thời để ngư dân các tỉnh bị thiệt hại tiếp tục trở lại nuôi trồng, cũng như bám biển mưu sinh, tránh tình trạng tâm lý hoang mang như hiện nay./.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất