Biểu tình ở Thái Lan: Đường về còn xa cho Thaksin Shinawatra

20/12/2013 07:59 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/12, người biểu tình Thái Lan đã trở lại thủ đô Bangkok để tổ chức các hoạt động phản đối chính quyền. Hành động của họ chỉ khiến một điều trở nên rõ ràng hơn: hy vọng trở về quê nhà của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra sẽ khó có thể thành hiện thực.

Kể từ khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hồi năm 2006, Thaksin Shinawatra đã trở thành một người rất bận rộn. Ông mua và bán CLB bóng đá Anh Manchester City, mua mỏ titanium ở Zimbabwe, mở công ty xổ số ở Uganda và có hộ chiếu Nicaragua. Ông còn gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.

Trung tâm gây chia rẽ.

Nhưng theo lời các đối thủ chính trị, ông vẫn ngấm ngầm điều khiển Thái Lan từ xa, nuôi hy vọng trở lại đất nước để nắm lấy quyền lực. Đối thủ khẳng định các kế hoạch trở lại quyền lực do ông tạo ra đã làm tăng thêm các chia rẽ chính trị trong nước, dẫn tới đổ máu trên phố.


Nỗ lực gần đây nhất của Thaksin, vốn liên quan tới việc xóa bỏ một cáo buộc tham nhũng xuất hiện hồi năm 2008 nhằm vào bản thân ông, là một tính toán sai lầm. Rất đông người "áo Vàng" chống Chính phủ đã đổ xuống phố ở Bangkok, biểu tình chống lại chính quyền của em gái ông, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra.


Người biểu tình đạp vào ảnh của Thaksin để thể hiện sự phản đối ông

Sự chống đối của phe "áo Vàng" và sự phản kháng của những người "áo Đỏ" bênh vực Thaksin đã một lần nữa chứng minh rằng người đàn ông 64 tuổi này vẫn là một trong những nhân vật gây chia rẽ nhất lịch sử Thái Lan hiện đại.


Ông bị tầng lớp trung lưu và thượng lưu trong nước xem như một con quỷ, một gã quái dị, tham nhũng, đã dám thách thức cấu trúc quyền lực truyền thống, gồm cả Hoàng gia Thái Lan được nhân dân tôn kính. "Ông ta đã bỏ tiền mua mọi thứ trong đất nước này. Ông ta thậm chí có thể mua tâm hồn bạn" - nữ doanh nhân Chinda Dhamawong nói khi bà bước đi cùng hàng ngàn người biểu tình ở Bangkok gần đây - "Thaksin hãy cút đi".


Nhưng trong khi đó, ông lại được những người nghèo tôn thờ gần như một vị thánh vì các chính sách dân túy của ông. Tại thành trì của Thaksin nằm ở khu vực Đông Bắc nghèo khó, cư dân làng Kambon coi ông là người mang tới nhiều lợi ích giúp họ đổi đời: điện, tiền vay lãi suất thấp, chăm sóc y tế gần như miễn phí, được mua gạo giá thấp... "Tất cả chuyện này xảy ra là nhờ Thaksin. Đó là lý do vì sao người nông thôn muốn ông trở lại" - ông Thongchan Potaklang, 61 tuổi, nói.


"Đừng tàn nhẫn với tôi"


Thaksin, hiện đang sống trong một tư dinh xa xỉ ở Dubai, đã giữ im lặng trong cuộc khủng hoảng mới đây tại Thái Lan. Trong một bài viết gần đây đăng trên facebook, ông bác bỏ việc mình có trách nhiệm. "Cuộc chơi chính trị Thái Lan đang diễn ra với sự tàn nhẫn và trong máu lạnh. Làm ơn đừng tàn nhẫn với tôi" - ông viết.


Trong suốt sự nghiệp, Thaksin đã thể hiện mình là một chiến binh ngoan cường và đôi khi tàn nhẫn. Sau khi có bằng tiến sĩ tư pháp tại Đại học Sam Houston ở Mỹ và có thời gian ngắn tham gia lực lượng cảnh sát, ông dùng mối quan hệ cá nhân để giành lấy sự quản lý độc quyền công ty điện thoại di động thành công nhất Thái Lan.


Năm 2001, sau khi thắng cử với tỉ lệ ủng hộ áp đảo, ông là Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan nắm quyền đầy đủ một nhiệm kỳ. Trong 5 năm tiếp theo, nền kinh tế cất cánh và cùng với đó là tài sản của Thaksin. Chính sách dân túy, phong cách quản lý kiểu giám đốc điều hành và thái độ sẵn sàng đi vận động tranh cử tại các vùng xa xôi hẻo lánh khiến Thaksin rất được lòng hàng triệu dân nghèo.


Nhưng ông cũng bị cáo buộc đàn áp tự do ngôn luận, đưa bà con thân thuộc vào chính quyền và làm hỏng hệ thống dân chủ Thái Lan bằng cách loại dần những người chống đối ông. Những điều đó đã làm tăng sự thù oán nhằm vào Thaksin, góp phần khiến ông bị lật đổ.


Ngày hôm nay Thaksin vẫn là nhân vật nhiều năng lượng và cả tham vọng. Ông đã đầu tư lớn vào châu Phi, làm cố vấn kinh tế cho chính quyền Campuchia và các chính quyền khác. Ở Montenegro, ông mới bỏ tiền mua một khách sạn rất đẹp. "Tôi là người siêu năng động, tôi không thể ngồi yên" - ông nói trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC của Australia hồi năm 2011.

Người biểu tình chống chính quyền tiếp tục xuống đường trong ngày 19/12/13

Sẽ vẫn là người chơi lớn


Gần đây bà Yingluck nói với các phóng viên rằng anh bà không còn muốn dính líu vào chính trị. Nhưng ai cũng thấy dấu ấn của Thaksin. Bản thân ông cũng từng tuyên bố công khai trong cuộc phỏng vấn với tờ tạp chí Forbes hồi năm 2011 rằng: "Tôi là người tư duy, Đảng Pheu Thai hành động".


Một trong những dấu hiệu cho thấy sự can thiệp của Thaksin là trong mùa Thu vừa rồi, chính quyền của bà Yingluck đã đệ trình lên Quốc hội một dự luật ân xá có thể tha bổng cho Thaksin và cả một số cựu lãnh đạo “áo Vàng”. Nhưng canh bạc đã thất bại nặng nề. Ngay cả các thủ lĩnh “áo Đỏ” cũng chống lại dự luật. Kết quả là biểu tình nổ ra và bà Yingluck đã phải giải tán Quốc hội, hứa sẽ không động tới dự luật nữa để xoa dịu dư luận.


Một số nhà phân tích nói rằng ngay cả khi những người ủng hộ Thaksin nắm quyền, các diễn biến gần đây cho thấy khả năng trở về của ông rất hạn hẹp. Giờ ông chỉ còn 2 lựa chọn: thứ nhất là kiếm được một lệnh ân xá của Quốc vương, điều khó có thể xảy ra và thứ hai là về nước để ngồi tù.


Nhưng những bước lùi nêu trên không có nghĩa Thaksin đã yếu đi. Ông vẫn nắm trong tay khối tài sản lên tới 1,7 tỷ USD, theo thống kê của tạp chí Forbes, qua đó biến ông thành người giàu thứ 10 Thái Lan. "Mạnh vì gạo", Thaksin hẳn sẽ còn gây nhiều tác động tới tình hình của Thái Lan. "Tôi tin Thaksin vẫn sẽ là một người chơi lớn trong nền chính trị Thái Lan suốt nhiều năm tới. Nhưng tôi cho rằng ông sẽ không thể trở lại quê nhà trong tương lai gần" - Benjamin Zawacki, một chuyên gia Đông Nam Á tại tổ chức International Commission of Jurists nhận xét.


Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm