Biến thể Lambda thách thức cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu

09/08/2021 19:58 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi thế giới vẫn đang tìm cách ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, biến thể SARS-CoV-2 mang tên Lambda đang thu hút sự quan tâm của các quan chức y tế khi đã lây lan rộng trên thế giới và được đánh giá có độc lực không thua kém biến chủng Delta. Theo sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID, biến chủng nguy hiểm Lambda có khả năng kháng vaccine COVID-19, và đã lan rộng đến 41 quốc gia trên thế giới.

Australia vẫn chật vật đối phó với biến thể Delta

Australia vẫn chật vật đối phó với biến thể Delta

Ba bang đông dân nhất của Australia gồm New South Wales, Victoria và Queensland vẫn đang chật vật đối phó với sự lây lan của biến thể Delta. Trong 24 giờ qua, có thêm 282 ca mắc mới COVID-19 tại cả 3 bang. 

Biến thể Lambda đang lan rộng

Biến thể mới Lambda là một chủng đột biến của virus gốc SARS-CoV-2 còn được gọi là C37. Biến thể này được phát hiện đầu tiên ở Lima (Peru) vào tháng 8-2020 và nhanh chóng chiếm đa số các ca mắc COVID-19 ở quốc gia có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới này. Peru hiện đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19 với sự hoành hành của biến thể Lambda.

Tại Peru, biến thể Lambda của virus SARS-CoV-2 hiện là “thủ phạm” gây ra 80% ca mắc COVID-19 mới tính riêng trong tháng 7. Còn tại Chile, khoảng 1/3 số ca nhiễm mới ở nước này được phát hiện trong 1 tháng qua là bệnh nhân nhiễm biến thể Lambda, tỷ lệ này tương đương với biến thể Gamma lần đầu tiên được phát hiện ở Brazil. Hiện Lambda đang có nguy cơ trở thành biến chủng chủ đạo ở Nam Mỹ và khiến số ca mắc COVID-19 tăng cao ở Argentina, Colombia, Ecuador, Chile, Uruguay, Paraguay, Brazil và Mexico.

Trong khi đó, theo trang web Infection Control Today, tại Mỹ, ca đầu tiên nhiễm biến thể Lambda được phát hiện trong bệnh viện ở Houston vào cuối tháng 7/2021. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) ngày 7/8 cảnh báo, biến chủng mới nguy hiểm Lambda có nguy cơ gây nên làn sóng COVID-19 mới tại Mỹ, sau khi nước này ghi nhận hơn 1.300 ca nhiễm biến chủng Lambda lan rộng khắp 44 bang trên cả nước.

Chú thích ảnh
Biến thể Lambda (màu vàng) đã có mặt ở ít nhất 41 quốc gia

Sau các nước Nam Mỹ, biến thể mới Lambda cũng đã xuất hiện tại nhiều quốc gia khác. Cơ quan y tế công vùng England, nước Anh cho biết đã ghi nhận biến thể SARS-CoV-2 mới có tên là Lambda ở 6 trường hợp phát hiện mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 23/2 đến ngày 7/6. Anh đã đưa ra cảnh báo về biến thể mới Lambda vào đầu tháng 8, sau khi khoảng 50% trường hợp mắc COVID-19 nhiễm biến thể này được ghi nhận trên toàn nước Anh. Pháp đã phát hiện ca nhiễm biến thể mới Lambda đầu tiên vào đầu tháng 5-2021. Trong khi đó, Canada, Đức, Tây Ban Nha, Israel, và Zimbabwe, cũng đã ghi nhận những trường hợp nhiễm biến thể Lambda đầu tiên.

Sự xuất hiện của biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 cũng đang trở thành mối đe dọa với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước châu Á. Mới đây nhất vào hôm 6/8, Nhật Bản cũng đã ghi nhận bệnh nhân đầu tiên nhiễm biến chủng Lambda là một nữ công dân Nhật Bản khoảng 30 tuổi trở về từ Peru hôm 20/7, có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 khi được làm xét nghiệm tại sân bay, nhưng không có triệu chứng.

“Mối đe dọa tiềm tàng”

Trước tình hình số ca nhiễm bệnh trong cộng đồng cao đáng kể ở nhiều quốc gia, với tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 do biến thể Lambda tăng theo thời gian, Tổ chức Y tế thế giới ngày 14/6/2021 đã xếp Lambda vào nhóm “biến chủng đáng quan tâm”, thấp hơn một bậc so với nhóm “biến thể đáng quan ngại”- nhóm bao gồm biến thể Delta.

Trung tâm Y tế Công cộng Anh (PHE) ngày 23/6 cũng chỉ định Lambda là một “biến thể cần điều tra” vì “sự lan rộng toàn cầu và một số đột biến đáng lưu ý”. Biến thể đáng lưu ý là một biến thể có các đột biến được dự đoán hoặc được biết có ảnh hưởng đến những yếu tố như khả năng lây truyền (mức độ dễ dàng lây lan của virus), mức độ nghiêm trọng của bệnh, khả năng né tránh sự miễn dịch được sinh ra do đã từng bị nhiễm virus hoặc đã được tiêm vaccine, hoặc khả năng gây nhầm lẫn xét nghiệm chẩn đoán.

Tuy nhiên, WHO cho rằng so với chủng thông thường biến thể Lambda mang một số đột biến như RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S có liên quan đến việc tăng khả năng truyền nhiễm hoặc tăng khả năng chống lại các kháng thể trung hòa và “sự kết hợp bất thường” của các đột biến có thể làm cho biến thể Lambda lây nhiễm mạnh hơn so với chủng gốc SARS-CoV-2 và có khả năng kháng vaccine ngừa COVID-19 cao hơn.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác của nhà virus học Pablo Tsukayama tại Đại học Cayetano Heredia (Peru), người đã theo dõi sự phát triển của biến thể Lambda trong nhiều tháng cho thấy biến thể Lambda còn lây lan nhanh hơn cả những biến thể khác được WHO coi là nguy hiểm, vượt qua cả tốc độ của biến thể Gamma lần đầu được phát hiện tại Brazil và Alpha tại Anh.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn cuối tháng 6 về cách WHO thay đổi định nghĩa về biến thể Lambda, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, cho biết “Lambda sẽ trở thành một biến thể đáng lo ngại nếu nó thể hiện khả năng lây truyền cao, tăng mức độ nghiêm trọng của các ca mắc bệnh”. Một nhà nghiên cứu của Đại học Tokyo (Nhật Bản) cũng cảnh báo rằng biến thể Lambda có thể trở thành “mối đe dọa tiềm tàng” với xã hội loài người dù cho đến nay chưa thể xác định liệu Lambda có nguy hiểm hơn biến thể Delta hay không.

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang gồng mình đối phó với tốc độ lây lan manh của biến thể Delta, sự gia tăng của các ca nhiễm biến thể Lambda tiếp tục đặt ra thách thức đáng ngại cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, cho dù chiến dịch tiêm chủng đang được triển khai với nỗ lực cao ở nhiều khu vực. Các nhà khoa học cảnh báo thế giới đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới của đại dịch COVID-19 bởi liên tiếp những làn sóng dịch đang tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho sự phát triển của các biến thể mới dễ lây lan và có khả năng kháng vaccine.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm