Biển báo giao thông độc đáo thời Đông Đức

19/10/2011 07:53 GMT+7 | Trong nước

Chiếc đèn có hình người đội mũ đầu tiên trên thế giới vừa tròn 50 tuổi. Dù nhiều lần từng bị loại khỏi đường phố sau khi Đức thống nhất, nó vẫn tồn tại và ngày càng được ưa chuộng



Biển báo hình người đèn Ampelmännchen. Ảnh:

Tại hội nghị Ủy ban an toàn giao thông Đông Đức diễn ra vào ngày 13/10/1961, ông Karl Peglau, lúc đó 34 tuổi, đã trình bày đề xuất của ông về việc thiết kế biển báo giao thông dành cho người đi bộ. Đó là hai hình người màu đỏ và màu xanh, cả hai đều đội mũ. Hình người đội mũ trong biển báo giao thông này còn được gọi là “người đèn Ampelmännchen”. Bản thân Peglau khi đề xuất kiến nghị này cũng đã hơi băn khoăn. Sự băn khoăn của ông nằm ở hình ảnh chiếc mũ - một hiện thân của giới nhà giàu và chủ nghĩa tư bản.

Peglau đã rất bất ngờ khi Hội đồng nghiên cứu và Ủy ban an toàn giao thông thông qua đề xuất của ông mà không hề có phản ứng gì về hình ảnh chiếc mũ. Thực ra họ chỉ thay đổi một chi tiết về việc hình hai người đi bộ theo hướng từ phải sang trái. Trước đó, Peglau đã nghĩ đề xuất của mình nếu bị loại chắc chỉ vì hình ảnh chiếc mũ, có vẻ hơi tiểu tư sản, nhưng sau này Peglau cho rằng thật may mắn, đó chỉ là điều băn khoăn “không cần thiết.”

Không có nơi nào trên thế giới jhi đó dùng biển báo cho người đi bộ với hình ảnh chiếc mũ. Vì thế hình ảnh này đã trở thành biểu tượng độc đáo của Cộng hòa Dân chủ Đức. Tuy nhiên, ý tưởng hình người đàn ông đội mũ được dùng làm tín hiệu giao thông này lại không phải là của Peglau mà là ý tưởng của Anneliese Wegner, thư ký của ông.

Peglau, vốn là một nhà tâm lý học giao thông, cũng không ngờ rằng mình đã tạo ra hai biểu tượng “siêu sao.” Hai hình người màu đỏ và màu xanh đã nhanh chóng trở thành biểu tượng được yêu thích ở Đông Đức. Sau khi nước Đức thống nhất, nó là một trong rất ít những ý tưởng của Đông Đức được lưu giữ. Và ngày nay, 50 năm sau, người ta thấy biển báo dành cho người đi bộ của Peglau không chỉ được dùng trong giao thông mà nó còn được in trên áo phông của nhiều ngôi sao Hollywood.

Ý tưởng về việc áp dụng biển báo cho người đi bộ của Peglau đã hoàn thành và công bố vào mùa thu năm 1961 sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu của ông. Trong một vài nghiên cứu Peglau đã chỉ ra rằng 10.000 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông từ năm 1955 đến 1960 đều có chung một nguyên nhân là người đi bộ phải tuân theo các tín hiệu đèn giao thông giống như xe ô tô. Khi trời đầy sương mù, 3 màu xanh-vàng-đỏ trở nên khó nhận biết cho những người khiếm thị. Đèn giao thông chung với ô tô, lúc đó không những không giúp họ mà còn phản tác dụng, gây nguy hiểm. Những nghiên cứu của Peglau cũng cho thấy thiệt hại kinh tế do tai nạn giao thông gây ra ở Đông Đức lên đến 155 triệu mark Đức vào năm 1959.

Vì vậy, việc thiết kế “biển báo rõ ràng” cho người đi bộ ra đời. Tín hiệu đèn người màu đỏ với cánh tay dang rộng báo hiệu người đi bộ phải dừng lại, còn tín hiệu hình người màu xanh lá cây chuyển động với bước chân sải hiện lên là lúc người đi bộ được sang đường.

Thiết kế biển báo giao thông cho người đi bộ của Peglau rất rõ ràng và có ý nghĩa nhưng việc đưa các thiết kế này vào đời sống lại không dễ dàng. Lý do là Peglau đã đề xuất loại đèn cỡ to với giá thành quá đắt nên các nhà lãnh đạo đã quyết định dùng loại biển báo cũ. Peglau sau đó đã phải sửa lại loại biển báo dành cho người đi bộ nhỏ hơn và đơn giản hơn nhiều so với thiết kế ban đầu. Peglau đã cắt bỏ phần cánh tay, tai và miệng của hình người. Về tổng thể Peglau đã thu nhỏ thiết kế của mình xuống còn 16 cm.

Phải mất đến 5 năm sau biển báo này mới xuất hiện. Đó là vào năm 1969, người ta thấy tín hiệu đèn giao thông cho người đi bộ của Peglau được lắp đặt ở giao lộ giữa Unter den Linden và Friedrichstrasse ở Đông Berlin. Những tiện lợi của loại biển báo này nhanh chóng được khẳng định. Nhờ tín hiệu rõ ràng của nó mà người bị mù màu, trẻ em hay những người bị khiếm thị định hướng tốt hơn. Thiết kế biển báo giao thông của Peglau được đưa lên truyền hình trong một chương trình dành cho trẻ em dài 80 tập, rất nổi tiếng có tên là “Người cát” (Sandman). Trong chương trình này, trẻ em được giáo dục về hành vi tham gia giao thông thích hợp qua cách hướng dẫn của nhân vật giống như người đèn Ampelmännchen.

Khi nước Đức thống nhất, loại biển báo giao thông dành cho người đi bộ này gần như cũng bị biến mất. Vào giữa những năm 1990, nó bị coi là lỗi thời và lạc hậu nên đã được tháo bỏ. Trên khắp đất nước nó được thay bằng loại đèn khác phổ biến khắp châu Âu.

Đối với những người Đông Đức, việc thay thế loại đèn giao thông mới này làm tăng cảm giác rằng một nét văn hóa của họ đã bị mất đi. Tuy nhiên, điều bất ngờ là là một Ủy ban có tên “Cứu người đèn Ampelmännchen” đã được lập ra ở Berlin. Chính Bộ trưởng Giao thông đã ban hành chỉ thị dùng lại biểu tượng người đèn Ampelmännchen.

Nếu người đèn Ampelmännchen nhỏ bé không trở lại, câu chuyện đến đây có lẽ đã kết thúc, ít nhất là với Markus Heckhausen. Heckhausen, một doanh nhân năng động đồng thời cũng là một nhà thiết kế, đến Berlin năm 1995. Ý tưởng kinh doanh của Heckhausen là sản xuất những cây đèn theo ý tưởng về Ampelmännchen. Lượng tiêu thụ sản phẩm này của cửa hàng tăng vọt và chỉ trong vòng vài năm, cửa hàng Ampelmann của Heckhausen phát triển thêm một số sản phẩm khác như áo phông, móc chìa khóa, chuông xe đạp có hình ảnh người đèn Ampelmännchen. Heckhausen cùng với nhà thiết kế Peglau đã viết một cuốn sách về lịch sử xuất hiện người đèn Ampelmännchen.

Điều thú vị là Heckhausen, người đã hết sức thành công trong việc kinh doanh một sản phẩm là biểu trưng của Đông Đức, lại là người Tây Đức. Ngay cả nhà thiết kế Peglau cũng chưa từng nghĩ đến việc người đèn Ampelmännchen của ông lại trở thành một nhãn hiệu có tính biểu tượng cho nhiều loại sản phẩm khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Tin tức hàng ngày (Sachsische Zeitung), nơi đã in cáo phó về sự ra đi của Peglau năm 2009, Heckhausen nói: “Peglau đã hoàn toàn bị thuyết phục khi thấy tôi bán được những sản phẩm có hình người đèn Ampelmännchen của ông ấy với giá không hề rẻ.”

Đối với các con của Heckhausen, đằng sau những tấm biển giao thông, trong lòng chúng luôn có hình ảnh một người đàn ông mến yêu. Chúng gọi Peglau là “ông nội của đèn giao thông.”

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm