16/05/2020 21:52 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Câu lạc bộ Ô xinh tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Khen con bao nhiêu cho đủ, mắng con bằng nào cho vừa”. Sự kiện nằm trong tổng thể chương trình "Gia đình vui, đẩy lùi COVID-19" do MSD phối hợp với Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Mạng lưới Quản trị quyền trẻ em (CRG) với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế và các thành viên mạng lưới CRG.
“Khen ngợi" và "trách mắng" trẻ không còn là điều lạ lẫm với bất cứ bậc phụ huynh nào. Thế nhưng bố mẹ đã biết khen con và mắng con đúng cách chưa? Khen con thế nào để động viên khích lệ con hiệu quả? Mắng con là không nên, nhưng phê bình và góp ý cho con như thế nào để con đủ hiểu rằng con đã sai mà vẫn không làm con bị tổn thương và có ý cầu tiến, thay đổi? Thời gian con vừa quay lại trường học, chắc hẳn những áp lực về học tập có thể khiến cả nhà căng thẳng - vậy đồng hành cùng con như thế nào cho hiệu quả?
Tọa đàm là dịp để các chuyên gia chia sẻ với bố mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ những "bí quyết" khen ngợi, động viên trẻ và những lưu ý về cách thức phê bình trẻ để trẻ nhận ra lỗi sai và sửa đổi mà không để lại những hậu quả tâm lý đáng tiếc.
Đã có rất nhiều ý kiến, câu hỏi của các bậc phụ huynh tham gia tại tọa đàm, trong đó nhấn mạnh đến việc khi con phạm lỗi, bố mẹ cần phê bình như thế nào để con không lặp lại, cách phê bình ra sao để không tổn thương đến trẻ; bố mẹ cần tôn trọng quyền quyết định của con, cùng phân tích hoặc thảo luận cùng con nhiều phương án để có phương pháp lựa chọn, đặc biệt để con thấy bố mẹ luôn đồng hành và tôn trọng con.
Thạc sỹ Đinh Phương Thảo, Giám đốc học thuật Ô Xinh (doanh nghiệp xã hội) chia sẻ: Để đảm bảo nguyên tắc vì lợi ích của trẻ, bố mẹ cần quan tâm đến mục tiêu lâu dài mà chúng ta muốn hướng tới. Ta hãy hình dung trong đầu rằng con cái hay học sinh của chúng ta khi 20 tuổi sẽ có những phẩm chất gì. Chắc hẳn chúng ta ai cũng mong bạn trẻ ấy trở thành người tự tin, độc lập, trách nhiệm, biết chia sẻ, yêu thương. Nhiều phụ huynh còn giữ quan niệm "Thương cho roi cho vọt - Ghét cho ngọt cho bùi" nên rất ngại dành cho trẻ những lời khen, sợ rằng khen con sẽ khiến con tự cao tự đại, không tốt cho việc giáo dục con.
Tuy nhiên, đã đến lúc quan niệm này cần phải được thay đổi. Lý do là vì bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình được vui vẻ, hạnh phúc, mà một trong bốn loại hoóc môn tạo ra hạnh phúc (có tên gọi là serotonin) sẽ được kích hoạt khi con người nhận được lời khen, sự công nhận. Đứa trẻ có thể không được dạy là phải vui khi được người ta khen, nhưng bất cứ đứa trẻ nào cũng vui sướng khi được khen tặng. Trẻ em cũng như người lớn, ai cũng cần được khen, được khích lệ.
Thạc sỹ Nguyễn Hải Anh, chuyên gia bảo vệ trẻ em, nhấn mạnh: Nhằm lan toả sự yêu thương, các bậc phụ huynh nên áp dụng công thức chung: 3 - 7 (phê bình 3 thì khen phải là 7) và 5 quy tắc khen: việc có thật và cụ thể; không khen chung chung là "con ngoan quá, con giỏi quá"...; khen ngợi hành vi cụ thể và gọi tên một phẩm chất tốt; chân thành, cùng vui mừng với trẻ; để lại cảm xúc tích cực ở trẻ; ngay lập tức khi trẻ có hành vi tích cực. Đồng thời, thái độ thể hiện của bố mẹ cần nhất quán, liên tục, làm gương cho con.
Giáo dục dựa trên nỗi sợ cần phải được thay thế bằng giáo dục tích cực, đồng hành cùng con; xây dựng tính tự chủ, tự trọng và giá trị cho trẻ là vô cùng quan trọng. Cha mẹ không thể lúc nào cũng ở bên để khuyên răn nên trẻ phải là người quyết định.
Diệu Thuý/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất