14/01/2018 07:15 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 13/1, trong phần tranh tụng tại phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) và đồng phạm, các bị cáo đã tự bào chữa trước Tòa, tự đưa ra các chứng cứ, phân tích nhiều luận điểm nhằm làm giảm nhẹ tội cho mình.
Bị cáo Đinh La Thăng xin được nhận sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước
Mở đầu là phần tự bào chữa của bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN). Trước Tòa, bị cáo Đinh La Thăng đã thừa nhận bị cáo chưa hoàn thành trách nhiệm trong vai trò là người đứng đầu PVN, bị cáo cảm thấy có lỗi với Đảng, có lỗi với nhân dân, có lỗi với các thế hệ người lao động của PVN. Bị cáo xin được nhận sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng đã nêu, trong suốt quá trình tố tụng, điều tra, xét xử, bị cáo luôn thừa nhận mình chưa hoàn thành trách nhiệm là người đứng đầu PVN, chứ hoàn toàn không có ý đổ lỗi cho cấp dưới. Bị cáo đã thiếu kiểm tra, thiếu giám sát trong thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, chưa làm tròn trách nhiệm dẫn đến việc các cơ quan, đơn vị, cá nhân có sai phạm nhưng chưa kịp thời chấn chỉnh.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng đề nghị Hội đồng xét xử có đường lối xử lý công tâm, khách quan, đúng pháp luật, phù hợp với pháp luật trong bối cảnh của dự án năm 2008. Bị cáo đề nghị xem xét thấu tình đạt lý, đúng căn cứ pháp luật và có sự công bằng cho các cán bộ PVN không vì mục đích động cơ cá nhân, mà chỉ mong muốn phát triển thật nhanh theo đúng chiến lược phát triển của Tập đoàn.
Bị cáo Đinh La Thăng cho biết bản thân rất tôn trọng bản luận tội của Viện Kiểm sát, nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại những vấn đề không đặt ra trong quá trình điều tra, không nêu trong bản luận tội.
Giải thích lý do vì sao chỉ định PVC là tổng thầu, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định rằng chủ trương chỉ định thầu đã có từ năm 2006 và đến tháng 2/2009 chủ trương này được thực hiện cho tất cả các đơn vị thành viên của Tập đoàn chứ không chỉ PVC. Việc chỉ định thầu để cứu PVC không phải là mục đích của PVN. Năm 2011, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng, lạm phát tăng cao, tất cả các doanh nghiệp trong nước đều rất khó khăn, không chỉ mình PVC.
Trong bối cảnh đó, tất cả các dự án đầu tư xây dựng buộc phải dừng, giãn tiến độ, PVC cũng thế, không thể tránh khỏi. Thời điểm đó, PVC là 1 trong 2 đơn vị mạnh về xây dựng, xây lắp và trong dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, PVC cũng chỉ làm về xây lắp, máy móc là do nhà thầu nước ngoài đảm nhận.
Bị cáo Đinh La Thăng cũng khẳng định, không thể so sánh PVC với các nhà thầu nước ngoài được. Nếu cứ mãi mãi dựa vào nước ngoài thì các doanh nghiệp trong nước không thể phát huy được, không trưởng thành được. Công tác lãnh đạo của Tập đoàn còn có vai trò của Đảng ủy, Hội đồng thành viên chứ không chỉ mình bị cáo. Trong phạm vi trách nhiệm quyền hạn của mình, bị cáo không thể tự tung tự tác được.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận hành vi tham ô
Đến lượt mình, bị cáo Trịnh Xuân Thanh tự bào chữa: “Tôi thấy mình có lỗi với anh Thăng, với các anh lãnh đạo của PVN”.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh khẳng định không muốn đổ lỗi cho cấp dưới nhưng mong Viện Kiểm sát chỉ ra bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới làm sai bằng cách nào. Với cương vị của bị cáo không thể chỉ đạo miệng, mong Hội đồng xét xử xem xét lại về hành vi chuyển tiền sai mục đích mà bị cáo đang bị cáo buộc. Thậm chí, sau khi biết việc chuyển tiền sai, bị cáo đã có văn bản chỉ đạo ghi rõ, nghiêm cấm sử dụng tiền sai, đồng thời gửi nhiều văn bản cho đơn vị yêu cầu không được sử dụng tiền sai.
Nói về cách xác định giá trị thiệt hại trong vụ án, bị cáo Trịnh Xuân Thanh không đánh giá là sai hay đúng, nhưng khi giả định dòng tiền không chuyển tạm ứng thì thu được lãi suất, nhưng cũng phải giả định ngược lại, làm rõ nếu chuyển tiền, sử dụng sai mục đích thì như thế nào, vì thực tế tiền thu hồi sử dụng sai mục đích là làm lợi cho PVC.
Về cáo buộc phạm tội tham ô tài sản của Viện kiểm sát, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng, lời khai của các bị cáo khác còn có nhiều mâu thuẫn, không có chứng cứ chứng minh, thiếu rõ ràng. Từ đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại các chứng cứ, lời khai… dẫn đến cáo buộc bị cáo chỉ đạo việc tham ô tiền của PVC.
Kết luận phần tự bào chữa của mình, bị cáo Trịnh Xuân Thanh tiếp tục khẳng định, bị cáo không tham ô, không chỉ đạo việc rút tiền…
Luật sư trình bày luận cứ gỡ tội cố ý làm trái cho các bị cáo
Trước đó, luật sư Nguyễn Văn Quang cũng đã tham gia bào chữa cho thân chủ là bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC). Bị cáo Tiến bị Viện Kiểm sát cáo buộc đã cùng các bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) đề xuất với PVN để PVC được nhận tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến cũng bị cáo buộc đã tham gia việc quyết định sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng sai mục đích, không đưa vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng.
Trình bày luận cứ bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến, luật sư Nguyễn Văn Quang cho rằng, bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Bởi toàn bộ các việc làm của Nguyễn Mạnh Tiến là theo sự ủy quyền và phân công của Tổng Giám đốc là bị cáo Vũ Đức Thuận.
Về hành vi ký văn bản xin tạm ứng 6% giá trị Hợp đồng EPC số 33, luật sư cho rằng quyền ứng tiền là của người có quyền, còn người đi xin tiền không có lỗi gì cả. Luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại cách tính thiệt hại và con số thiệt hại cụ thể trong vụ án này, bởi theo luật sự, căn cứ pháp lý để tính giá trị thiệt hại chưa có sức thuyết phục.
Bào chữa cho bị cáo Trương Quốc Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC), luật sư Nguyễn Thị Hải Hương cho rằng, không có cơ sở kết luận bị cáo Trương Quốc Dũng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Trương Quốc Dũng bị Viện Kiểm sát cáo buộc, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, bị cáo Trương Quốc Dũng đã trực tiếp quyết định, ký thủ tục để sử dụng 40 tỷ đồng trong tổng số tiền từ nguồn tiền tạm ứng của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 không đúng mục đích, gây thiệt hại hơn 2,4 tỷ đồng trong tổng số thiệt hại gần 120 tỷ đồng của Nhà nước.
Luật sư phân tích, chủ trương sử dụng sai mục đích nguồn vốn tạm ứng của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã được quyết định từ tháng 6/2011, trước thời điểm bị cáo Trương Quốc Dũng về PVC nhận công tác hơn 2 tháng. Việc ký quyết định và ủy nhiệm chi để chi tổng số 40 tỷ đồng cho 2 hạng mục đầu tư của PVC góp vốn điều lệ vào Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Nghệ An (PVNC) và tạm ứng tiền cho Công ty cổ phần thiết bị nội ngoại thất dầu khí PVC Metal được Trương Quốc Dũng thực hiện vào các ngày 15 và 19/8/2011. Khi đó, bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến (phụ trách tài chính của doanh nghiệp) đang đi công tác vắng.
Hơn nữa, theo luật sư, theo lời khai tại tòa của các bị cáo Vũ Đức Thuận, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) thì không thể xác định được nguồn của số tiền 40 tỷ đồng này. Bởi số tiền 40 tỷ đồng được ủy nhiệm chi từ tài khoản PVC mở tại Ngân hàng SHB chi nhánh Thăng Long. Đây là tài khoản thanh toán của doanh nghiệp nên các giao dịch của PVC ở tài khoản này là rất nhiều, việc điều chuyển tiền cũng có từ rất nhiều nguồn khác nhau. Do đó không thể xác định được nguồn tiền của khoản tiền cần chi.
Ngày 14/1, phiên tòa tiếp tục phần đối đáp giữa đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư.
Kim Anh - Nguyễn Cúc (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất