(TT&VH cuối tuần) -
Caroline Wozniacki là một trong năm tay vợt nữ trong lịch sử bước lên ngôi số 1 trên bảng xếp hạng của WTA mà không hoặc chưa giành danh hiệu Grand Slam. Cô cũng chỉ là một trong số những câu chuyện của khuôn mẫu cha làm HLV cho con gái trong thế giới banh nỉ. HLV của Wozniacki chính là cha của cô, ông Piotr Wozniacki. Không biết từ bao giờ, nhưng chính xác là khi Caro (tên thân mật của tân số 1 thế giới) xuất hiện trên đấu trường chuyên nghiệp, người ta đã thấy ông Piotr ở đó, bên cạnh cô trong các giải đấu.
Cha Piotr chúc mừng con gái Caroline Wozniacki ở Bắc Kinh, Ảnh Getty |
Ông Piotr thực ra đã theo chân cô con gái rượu từ rất sớm, khi Caro bắt đầu nảy sinh mơ ước được trở thành tay vợt chuyên nghiệp. Năm ấy Caro mới 11 tuổi, đã cầm vợt vài năm rồi, và HLV khi đó, Henrik Stein sung sướng tuyên bố “trong đời, chưa bao giờ tôi gặp được một đứa trẻ tài năng như Caro”.
Nếu như lý do Caro muốn trở thành tay vợt chuyên nghiệp là cô thấy chuyện ấy vui, được đi đây đó khắp thế giới, thì ông Piotr hiểu rằng đó là một việc nghiêm túc, rất không dễ dàng. Ông muốn ngăn cản, vì cả ông và vợ vốn là những VĐV thể thao chuyên nghiệp nên biết nó gian nan và vất vả thế nào. Nhưng ông không muốn con gái của mình phải đau khổ từ bỏ những giấc mơ. Ông chấp thuận với Caro, với lời khuyên của Stein. Nhưng ông làm theo cách riêng: gác lại công việc của mình và không rời con gái nửa bước.
Ông Piotr ở đó, bên cạnh Caro trên từng bước đường cô trải qua: chơi giải chuyên nghiệp đầu tiên ở Cincinatti khi cô vừa bước qua tuổi 15, lọt vào tốp 100 thế giới lần đầu tiên khi 17 tuổi, trở thành người Đan Mạch đầu tiên giành danh hiệu WTA ở Stockholm khi 18 tuổi, chơi trận chung kết Grand Slam đầu tiên khi 19 tuổi, và bước lên ngôi số 1 thế giới ở Bắc Kinh khi 20 tuổi.
Thành công của Caro là thành công của ông Piotr, và cũng có thể nói là thành công của công thức cha và con gái - HLV và học trò. Chính xác hơn, nó tiếp nối những gì mà Maria Sharapova và ông Yuri Sharapova, chị em nhà Williams và ông Richard Williams đã làm. Ông Yuri là cha và là HLV của Sharapova, tay vợt xinh đẹp từng leo lên ngôi vị số 1 thế giới cách đây 3 năm và là chủ nhân của ba danh hiệu Grand Slam. Ông Richard là cha và HLV (dù không phải liên tục) của Venus và Serena, những người cho tới lúc này đã giành được lần lượt 7 và 13 danh hiệu Grand Slam.
Tình phụ tửCó một mối quan hệ cha đồng thời là HLV của con gái nữa. Ông Damir và cô con gái Jelena Dokic. Dokic từng là một tài năng được kỳ vọng. Ở tuổi 17, cô lọt vào bán kết Grand Slam và cả Olympic Sydney. Ở tuổi 19, Dokic lọt vào tốp năm thế giới, và là “sát thủ” của các tay vợt số một như Martina Hingis, Kim Clijster, Monica Seles, Justine Henin, Amelie Mauresmo…
Những kỳ tích ấy của Jelena cũng có bóng dáng người cha. Ông Damir dìu dắt cô từ tấm bé, đưa con gái rời quê hương Osijek chạy trốn chiến tranh, rồi rời Serbia để định cư ở Australia.
Nhưng năm 2009, Dokic đã tiết lộ một điều gây chấn động: Sự nghiệp của cô bị cha hủy hoại. Ở thời kỳ rực rỡ nhất khi mới 17 tuổi, cô đã phải chạy trốn khỏi gia đình để thoát khỏi sự hành hạ về mặt thể xác cũng như tinh thần mà ông Damir gây nên cho chính con gái của mình.
Những lời bình phẩm của ông Damir cũng khiến cho Jelena bị ghét bỏ trong mắt công chúng Australia, những người vốn cởi mở và hầu như không bao giờ phân biệt cội nguồn của người khác.
Ông Damir lập dị đến cực đoan, nhưng không ai phủ nhận tình yêu của ông dành cho con gái. Ông từng bảo, ông phải nghiêm khắc để con gái không sa ngã, không đi trệch đường và để cô trở thành người xuất sắc nhất thế giới. Cũng vì thế ông đã đe dọa ném bom nguyên tử xuống Australia chỉ vì con gái của ông đã thay đổi quá nhiều, vuột ra khỏi vòng kiểm soát của ông.
Điểm chungNgoại trừ gia đình Williams, cả ba cặp cha - con nói trên đều xuất thân từ các nước Đông Âu. Ông Piotr Wozniacki và vợ là người gốc Ba Lan, rồi mới tới Đan Mạch định cư. Ông Yuri thì đưa Maria Sharapova sang Mỹ từ khi con gái chưa 10 tuổi để tầm sư học tennis. Còn ông Damir là một người Nam Tư cũ.
Những khó khăn trong quá khứ dường như đã làm cho họ trở nên nghiêm khắc hơn và sát sao hơn khi nhận ra những thành công phía trước có thể kéo theo những hiểm họa. Nhưng cũng có thể là do yếu tố văn hóa, khi các quan niệm và phương pháp giáo dục thường khác biệt ở các điểnnước khác nhau về lịch sử và trình độ phát triển.
Thực tế đã từng có những lo ngại, là liệu Sharapova và đặc biệt là Wozniacki có trở thành Jelana Dokic thứ hai. Năm 2008, ông Yuri đã bị WTA cảnh cáo vì hành động đưa tay lên như cắt cổ khi ngồi trên khán đài xem con gái chiến thắng Henin. Hay những đòi hỏi chiến thắng của ông đã tạo ra những áp lực cho Sharapova mà cho tới bây giờ tâm lý vẫn là điểm yếu lớn nhất của cựu số 1 thế giới.
Thế giới đã xem nhiều nhưng vẫn chưa quen hình ảnh ông Piotr biến sân tennis thành võ đài quyền anh với việc tận dụng tối đa luật mới của WTA cho phép các HLV được xuống tận sân mỗi set một lần để trao đổi, chỉ đạo cho các tay vợt ở những giải đấu không phải Grand Slam. Ông Piotr nói như quát, chỉ đạo như mắng, và chỉ còn thiếu ôm đầu con gái lắc đi lắc lại như các HLV quyền anh vẫn làm với các võ sĩ.
Có thể là Wozniacki cũng mê quyền anh, có HLV thể lực có bằng cấp huấn luyện môn thể thao chỉ có đấm và đỡ ấy, nên coi đó là điều bình thường.
Cô trả lời phỏng vấn: “Cha tôi chỉ khích lệ, bảo tôi cần phải đánh thế này, đánh thế kia, tìm ra một giải pháp tâm lý nào đó trong những thời điểm quyết định… Ở trên sân đấu, ông là HLV. Còn ngoài sân, ông lại là một người cha. Tôi vẫn có sự tự do, thời gian riêng của mình và quyết định những vấn đề của cá nhân (cô từng là bạn gái của tay vợt Fernando Verdasco)”.
Khi Wozniacki lên ngôi số 1 thế giới ở tuổi 20, giành danh hiệu thứ sáu trong năm khi đăng quang 2 giải Trung Quốc mở rộng mới kết thúc, rõ ràng, công thức và phương pháp của ông Piotr đã mang lại hiệu quả.
Nhưng vẫn còn danh hiệu Grand Slam để chinh phục. Và ngay cả khi đã có nó rồi, ngự trị trên ngôi vị số 1 ấy bao lâu và như thế nào cũng là những thử thách, cho Caroline Wozniacki, và cho cả cha của cô, ông Piotr, một cựu cầu thủ bóng đá.
Phạm Diệu Anh