31/10/2016 10:24 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, giới hâm mộ bóng đá Ý đang đặc biệt quan tâm một cầu thủ trẻ tên là Manuel Locatelli. Anh tung cú sút tuyệt vời vào lưới Gianluigi Buffon, ghi bàn duy nhất trong trận AC Milan thắng Juventus tại Serie A. Locatelli đang được xem là tương lai của Milan nói riêng cũng như cả Calcio nói chung. Anh chính là một trong những ngôi sao đáng xem tại giải U20 World Cup sắp tới.
Giữa trần ai, ai dễ biết ai
Nếu không có gì thay đổi, Locatelli sẽ khoác áo Italia dự VCK giải U-20 World Cup 2017. Anh đã cùng các đồng đội Italy lọt vào trận chung kết giải U19 châu Âu 2016, giải đấu được dùng làm vòng loại khu vực châu Âu cho giải U20 World Cup 2017. Rất có thể, Locatelli sẽ tiếp bước hàng loạt siêu sao đàn anh trên một lộ trình quen thuộc: tỏa sáng ở đấu trường U20 World Cup, rồi sau đó thật sự vươn mình trở thành ngôi sao hàng đầu thế giới.
Ở kỳ World Cup gần đây nhất, Brazil 2014, có đến 8/14 cầu thủ Argentina đá trận chung kết là những người vươn lên từ các giải U20 World Cup trong giai đoạn 2003-2007. Đó là Sergio Romero, Pablo Zabaleta, Ezequiel Garay, Javier Mascherano, Lucas Biglia, Lionel Messi, Sergio Aguero và Fernando Gago. Nếu không chấn thương, chắc chắn Angel Di Maria cũng đã có mặt. Gần nửa danh sách đội tuyển á quân World Cup 2014 từng tỏa sáng tại đấu trường U20 World Cup!
Gần đây, lực lượng vô địch U20 World Cup 2013 đã cung cấp cho đội tuyển Pháp không ít hảo thủ. Samuel Umtiti và Lucas Digne vừa được Barcelona tuyển mộ trong mùa hè vừa qua. Paul Pogba giờ đã là siêu sao đắt giá nhất thế giới. Geoffrey Kondogbia, Kurt Zouma, Yaya Sanogo cũng đều đã tạo dựng được tên tuổi trong làng bóng chuyên nghiệp.
Thú vị ở chỗ: ngoài tính cạnh tranh thuần túy, đấu trường U20 World Cup lại còn có tính mơ hồ, khiến trò chơi dự đoán trở nên cực kỳ hấp dẫn, ngay cả đối với các nhà chuyên môn rành rẽ nhất. Đâu dễ phân biệt vàng thau giữa các cầu thủ mà tuổi đời chỉ mới ở mức 20 hoặc trẻ hơn. Vậy nên, đây là giải đấu có tầm quan trọng đặc biệt đối với những "cặp mắt xanh" trong giới tuyển trạch.
Một năm trước khi tham dự (vô địch, đồng thời đoạt giải cầu thủ xuất sắc nhất) U20 World Cup 2013, Pogba bị Alex Ferguson... loại bỏ. Anh chuyển sang Juventus, vươn lên đẳng cấp ngôi sao, và chỉ 4 năm sau đã trở lại M.U trong tư cách cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá. Khi Messi vô địch giải U20 World Cup 2005, anh vẫn hầu như chưa được biết đến. Vậy mà chỉ 7 năm sau, anh đã trở thành cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử - ít ra là trong phương diện 4 lần liên tiếp đoạt Quả Bóng Vàng!
Những ấn tượng khó phai
Ứng với mỗi siêu sao vươn lên từ đầu trường U-20 World Cup, luôn có những tài năng trẻ sớm chìm vào quên lãng, gây thất vọng, nói chung là đi ngược với dự đoán của giới quan sát. Dù sao đi nữa, hễ nhắc lại lịch sử U-20 World Cup, người ta lập tức nhớ ngay đến những ấn tượng sâu đậm, không lẫn vào đâu được. Đấy là những thế hệ đặc biệt xuất sắc và đồng đều. Họ để lại dấu ấn tập thể chứ không chỉ tỏa sáng trong khía cạnh cá nhân. Và sau khi ra mắt ở đấu trường U-20, họ lại tiếp tục gắn bó và cùng nhau tỏa sáng như một tập thể xuất sắc trong bóng đá đỉnh cao. Trong nhiều trường hợp, đấy thật sự là "thế hệ vàng" của cả một nền bóng đá.
Liên tiếp trong các năm 1989, 1991, chức vô địch U-20 World Cup thuộc về Bồ Đào Nha
Liên tiếp trong các năm 1989, 1991, chức vô địch U-20 World Cup thuộc về Bồ Đào Nha. Vươn lên từ cột mốc ấy, Paulo Sousa, Joao Pinto, Fernando Couto, Luis Figo, Rui Costa, Jorge Costa, Abel Xavier sau này đều trở thành các ngôi sao sáng trong đội tuyển BĐN. Họ làm mãn nhãn giới hâm mộ trung lập bằng lối chơi đẹp mắt chứ không chỉ bằng tài nghệ cá nhân. Eusebio và đồng đội tại World Cup 1966 hoặc Cristiano Ronaldo và đồng đội tại Euro 2016 đều không sánh được với thế hệ của Figo, Rui Costa về sự đồng đều.
Ngay trước thành công của BĐN, chức vô địch U-20 World Cup 1987 của đội tuyển Nam Tư cũng là một dấu ấn khó phai. Robert Jarni, Igor Stimac, Zvonimir Boban, Robert Prosinecki, Predag Mijatovic, Davor Suker, Branko Brnovic xuất sắc không thua, nếu không muốn nói là còn hay hơn thế hệ vàng của bóng đá BĐN. Một nhà chuyên môn từng khẳng định: nếu không tan nát vì chiến tranh, đội tuyển Nam Tư với thế hệ tài năng ấy hoàn toàn đủ sức vô địch Euro 1992 hoặc World Cup 1994.
Ngay từ lần giải thứ hai (năm 1979), Argentina đã giới thiệu các ngôi sao sau này nhẵn mặt trong làng bóng đỉnh cao, dù Diego Maradona, Ramon Diaz và Gabriel Calderon chưa đủ hình thành một thế hệ. Gọi họ là một nhóm cầu thủ tài năng thì đúng hơn. Những nhóm ngôi sao cùng vươn lên ở đấu trường U20 World Cup thì khó kể xiết. Thành công nhất có lẽ là Bebeto, Jorginho, Dunga, Taffarel của Brazil. Họ cùng nhau đăng quang hồi giữa thập niên 1980, sau này lại cùng nhau vô địch World Cup 1994.
Giải đấu làm thay đổi lịch sử bóng đá
Bóng đá nói chung, cũng như giải bóng đá lớn nhất thế giới - World Cup - nói riêng, mãi mãi thay đổi từ một sự kiện ít ai lưu ý trước thềm World Cup 1974. Đấy là giải đấu mà Johan Cruyff và đồng đội trong "cơn lốc màu da cam" cuốn phăng tất cả trước khi bị Franz Beckenbauer và đội tuyển Đức chặn đứng trong trận chung kết. Quá hấp dẫn, nên người ta càng không mấy quan tâm đến "câu chuyện nhỏ" trước đó: Joao Havelange đánh bại Stanley Rous, trở thành nhân vật đầu tiên không thuộc châu Âu giữ ghế chủ tịch FIFA.
Trước đó, World Cup chỉ bao gồm 16 đội, chủ yếu là cuộc chơi của các đội châu Âu và Nam Mỹ. Trên hết, đấy vẫn chỉ là một trò chơi hấp dẫn. Havelange là người đầu tiên nhìn thấy khả năng sinh ra tiền tỷ từ World Cup, từ bóng đá. Ông thấy bóng đá gồm đủ thương mại, chính trị, chứ không chỉ là môn thể thao vua. Ông càng thấy rõ nhược điểm trong nguyên tắc bầu cử "mỗi nước một phiếu" của FIFA. Thế là ông đi khắp thế giới để vận động tranh cử hay để "mua phiếu", tùy theo cách nghĩ của bạn. Havelange dễ dàng chiến thắng, và môn bóng đá từ đó thay đổi hoàn toàn.
Havelange là "cha đẻ" của U20 World Cup
Trước khi mở rộng World Cup lên 24 đội (rồi 32 đội sau này), Havelange phải nhanh chóng "đẻ" ngay ra một giải đấu dưới tầm World Cup, vì hai điều cực kỳ quan trọng. Thứ nhất là tạo điều kiện cho các nước Á Phi dễ dàng góp mặt, thay vì "khó như trúng độc đắc" ở các kỳ World Cup 1974 trở về trước. Thứ hai là để các công ty lớn ào ạt đổ tiền tài trợ vào túi FIFA. Havelange cần thật nhiều tiền để giải quyết những lời hứa trong quá trình vận động tranh ghế chủ tịch. Thế là giải U20 World Cup ra đời vào năm 1977 với tên gọi chính thức là "FIFA World Youth Championship" (vậy nên một thời, báo chí thể thao xứ ta gọi đấy là "Giải bóng đá Vô địch Thanh niên Thế giới"). Thành công bước đầu của giải đấu này giúp Havelange dễ dàng mở thêm giải U17 từ năm 1985.
Từ năm 2005 thì FIFA đồng bộ hóa tên gọi của các giải đấu: luôn hướng đến chữ World Cup cuối cùng. FIFA World Cup, FIFA U20 World Cup, FIFA U17 World Cup, FIFA Club World Cup! Khi Việt Nam lần đầu xuất hiện tại giải U20 World Cup trong năm sau thì đấy cũng là cột mốc tròn 40 năm của giải đấu cực kỳ đáng xem này.
+Clip U19 Việt Nam giành vé đến U20 World Cup
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất