World Cup 2018 thiếu dấu ấn cá nhân: Những ngôi sao lạc loài ở nước Nga

16/07/2018 17:23 GMT+7 | World Cup 2018

(Thethaovanhoa.vn) - World Cup đã không còn chỗ cho những ngôi sao như Cristiano Ronaldo, Leo Messi hay Neymar Jr, bởi vì tài năng của họ đã quá nhỏ bé trước những tập thể đã được định hình để giành chiến thắng.

Đó là một xu thế không thay đổi trong nhiều năm qua, dù bóng đá thế giới đã biến đổi rất nhiều trong hai thập kỉ trở lại đây. Kể từ lần cuối cùng người ta nhìn thấy Diego Maradona một mình dẫn dắt Argentina tới chức vô địch Mexico 86, hay đưa Albiceleste vào tới chung kết Italy 90, vĩnh viễn không một ngôi sao nào có thể làm điều tương tự huyền thoại của xứ sở Tango.

Những bài học của quá khứ

Brazil 1994 và 2002, là những phiên bản của triết lý thực dụng, được gây dựng bởi những bậc thầy của lối chơi này là Carlos Alberto Parreira và Felipe Scolari, trên nền tảng của những ngôi sao chơi bóng ở châu Âu như Romario, Bebeto, Dunga, Carlos Rai của năm 1994, hay Ronaldo béo, Rivaldo, Roberto Carlos hay Cafu của năm 2002.

Và như chúng ta đã biết, trong 3 kì World Cup gần nhất, những đội bóng giành chức vô địch như Italy, Tây Ban Nha hay Đức đều là những đội dựa trên nền tảng của một tập thể, hoặc gồm toàn những cầu thủ đang đạt phong độ đỉnh cao, một hệ thống phòng ngự vững vàng như Italy đã làm được ở nước Đức cách đây 12 năm. Hoặc một đội bóng với những cầu thủ đang ở vào độ chín của sự nghiệp, với triết lý chơi bóng có tính cách mạng và tạo ra một hệ thống chiến thuật linh hoạt như Tây Ban Nha 2010 hay Đức năm 2014.

Leo Messi, 4 năm trước ở Brazil, có thể sẽ là điều lãng mạn cuối cùng đối với những ngôi sao hàng đầu thế giới, khi anh cùng với Argentina vào đến trận chung kết, trước khi thất bại trước đối thủ khoa học hơn, đa dạng hơn, và có khả năng bùng nổ ở những thời điểm quyết định hơn.

World Cup 2018 là sự kết thúc của kỷ nguyên Messi - Ronaldo

World Cup 2018 là sự kết thúc của kỷ nguyên Messi - Ronaldo

World Cup 2018 có thể là dấu chấm hết cho kỷ nguyên thống trị giữa Lionel Messi và Critiano Ronaldo, cũng như khép lại thế hệ của nhiều ngôi sao lớn.

Nhưng thực tế, vai trò của anh đã biến đổi một chút khi Albiceleste bước vào vòng đấu loại trực tiếp. Thời điểm đó, HLV Alejandro nhận thấy rằng, một mình số 10 là không đủ để đội bóng áo sọc xanh trắng đi đến trận chung kết, và bắt đầu đặt trọng tâm lối chơi Argentina trên hệ thống phòng ngự với Javier Mascherano là thủ lĩnh của nó ở phía sau Leo Messi.

Ở một mức độ thấp hơn là EURO, chức vô địch của Bồ Đào Nha tại Pháp hai năm trước hoàn toàn không có dấu ấn của Cristiano Ronaldo, đội bóng thậm chí còn đánh bại đội chủ nhà mà không có siêu sao này trên sân. Và trước đó, Tây Ban Nha thâu tóm hai danh hiệu liên tiếp chỉ dựa trên những tiền vệ tài năng chơi bóng cho Barcelona và Real Madrid là Xavi Hernandez, Andres Iniesta, Sergio Busquets hay Xabi Alonso, bên cạnh Cesc Fabregas hay Marcos Sena.

Chỉ có một người làm được điều giống Diego Maradona, ở mức độ thấp hơn, chính là Zinedine Zidane của năm 2006. Nhưng đó cũng là sự chấm hết cho một tập thể dựa vào ngôi sao của mình.

Sự thất bại của những siêu sao

Khi bóng đá trở nên thực dụng hơn, chiến thuật phức tạp hơn, việc hạn chế sự tỏa sáng của những ngôi sao trong một trận đấu trở thành công việc thường ngày với các HLV ở cấp câu lạc bộ, và tiếp nối với nó, là những người dẫn dắt các ĐTQG. Một tập thể chơi bóng có ý nghĩa hơn một ngôi sao nào đó như Leo Messi hay Cristiano Ronaldo tỏa sáng.

Croatia dễ dàng bẻ gãy Argentina của Leo Messi nhờ một tập thể vững vàng, và thậm chí HLV Zlatko Dalic còn nói sau trận đấu này rằng, đây là trận thắng dễ nhất trong sự nghiệp của ông. Thật mỉa mai, thành công của Zlatko Dalic bắt đầu từ Al Ain, một câu lạc bộ ở... UAE. Pháp cũng vậy, khi buộc Albiceleste phải về nước với một tập thể mạnh mẽ, đồng đều và lối chơi khoa học.

Ở mức độ khác, Bồ Đào Nha đã có ý tưởng chơi bóng khá rõ ràng, dựa trên hệ thống phòng ngự phản công, để phát huy tài năng của Cristiano Ronaldo, nhưng họ không thể thắng được Uruguay, đối thủ còn phòng ngự nhiều hơn thế khi buộc phải chơi tấn công để tìm chiến thắng.

Neymar Jr, theo một cách khác, anh đã được sắp đặt trong một đội hình lý tưởng, với những đồng đội chất lượng, và triết lý chơi bóng có thể mang tới thành công của HLV Tite. Họ thiếu một chút may mắn trước Bỉ, đối thủ cũng được tổ chức tốt, khoa học và cũng không thiếu tính bùng nổ của những ngôi sao như Eden Hazard hay Kevin de Bruyne.

Áp lực của thành công, sự phát triển của các ý tưởng chơi bóng đang chi phối mạnh mẽ World Cup 2018. Người ta nhận ra rằng, bóng đá đơn giản là phải tiêu diệt những ảnh hưởng của các ngôi sao, khiến cho tự thân đội bóng phải trở nên mạnh mẽ hơn trên nền tảng của một tập thể, và theo đuổi một kiểu chơi nào đó có thể phát huy hết những giá trị của từng cá nhân trong lòng nó, trước khi hướng tới việc đánh bại đối thủ bằng một hệ thống chiến thuật hợp lý.

0 Pháp và Croatia là hai đội lọt vào chung kết mà không để thua một trận nào ở World Cup 2018.

3 Kể từ năm 1998, Pháp là đội bóng lọt vào chung kết World Cup nhiều hơn bất cứ đội bóng nào khác với 3 lần có mặt ở trận đấu cuối cùng là các năm 1998, 2006, 2018.

4 Didier Deschamps đã cùng Pháp lọt vào 4 trận chung kết lớn ở EURO và World Cup, trong đó, có hai lần với tư cách là cầu thủ vào năm 1998 và 2000, hai lần khác là ở vai trò HLV năm 2016 và 2018.

Nhật Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm