14/07/2018 18:46 GMT+7 | Ký sự World Cup
(Thethaovanhoa.vn) - World Cup 2018 không chỉ là một sự kiện thể thao đơn thuần, mà ở đó, những xung đột chính trị giữa phương Tây và nước Nga đã được phản chiếu qua lăng kính bóng đá.
Nhưng cũng nhờ World Cup 2018 mà nước Nga đã có dịp khoe với bạn bè quốc tế từ khắp năm châu về cơ sở hạ tầng, khả năng đảm bảo an ninh và năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới.
Những ngờ vực
Vào thời điểm nước Nga nhận quyền đăng cai World Cup 2018, ngày 2/12/2019, quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây đang ở trong giai đoạn tương đối yên ắng. Nhờ đó, Nga dễ dàng vượt qua liên danh Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, cũng như liên danh Bỉ và Hà Lan, để trở thành nước chủ nhà của giải đấu.
Nước Anh cũng tham gia chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2018, nhưng sớm bị loại ngay từ vòng bỏ phiếu thứ nhất với vỏn vẹn 2 phiếu ủng hộ từ 22 thành viên thuộc Ban Điều hành FIFA, một cú sốc đối với đất nước được coi là quê hương của bóng đá và đang có giải vô địch quốc gia hấp dẫn bậc nhất hành tinh.
Gần như ngay lập tức, một cuộc chiến đã bùng nổ trên phương diện truyền thông, khi Nga trở thành tâm điểm chỉ trích của Anh về việc nước này đã mua chuộc, đồng thời cáo buộc một số thành viên của FIFA tham nhũng. Thậm chí, Chủ tịch FIFA lúc đó là ông Sepp Blatter cũng bị cho là đã dàn xếp để Nga chiến thắng trong cuộc đua này.
Dấu hiệu đó đã báo trước một kỳ World Cup không mấy suôn sẻ mà nước Nga lần đầu tiên đăng cai. Những sự kiện liên quan đến Ukraine vào năm 2014 đẩy Nga và phương Tây vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và sâu sắc. Chiếc máy bay MH17 từ Hà Lan đi Malaysia bị bắn rơi trên không phận Ukraine như đổ thêm dầu vào lửa sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine, đến nỗi cho đến bây giờ, gần bốn năm sau, cựu danh thủ Hà Lan Dennis Bergkamp vẫn bị chỉ trích dữ dội vì đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước về chủ đề thể thao.
Tại World Cup 2018 này, lượng cổ động viên đến từ các nước châu Âu không đông đảo như các giải khác. Thị thực nhập cảnh không phải là vấn đề, khi nước chủ nhà đã mở toang cánh cửa cho bất kỳ ai có vé xem trận đấu ở World Cup, chỉ với vài động tác đăng ký Fan ID trực tuyến rất đơn giản. Căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây, hình ảnh méo mó về một nước Nga không yên bình, đầy rẫy những nguy cơ và cạm bẫy trên truyền thông đã phần nào khiến người hâm mộ ngần ngại đến với xứ sở Bạch dương.
Thật tình cờ, khi World Cup 2018 chuẩn bị khởi tranh, mâu thuẫn Anh - Nga ngày nào lại bùng phát trở lại, với sự kiện hai cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại thị trấn Salisbury hồi tháng 3 bằng chất độc Novichok. Vụ việc đó đã mở ra một cuộc chiến mới về ngoại giao, khi các bên trục xuất hàng loạt nhân viên ngoại giao của nhau. World Cup 2018 trở thành một con tin, khi dấy lên lo ngại rằng các quốc gia phương Tây sẽ tẩy chay giải đấu.
Màn trình diễn của nước Nga
Dù các đội tuyển vẫn đến Nga dự World Cup, nhưng số lượng cổ động viên không còn đông đảo, và đặc biệt là các nhà lãnh đạo không còn đến dự khán các trận đấu. Thủ tướng Đức Angela Merkel, một cổ động viên nhiệt thành, không đến Nga cổ vũ một trận đấu nào của đội tuyển Đức ở vòng bảng, và bà không còn cơ hội xuất hiện trên khán đài World Cup 2018, khi đương kim vô địch thế giới sớm bị loại.
Trong ngày khai mạc, Tổng thống Nga Vladimir Putin có phần lạc lõng khi chỉ có Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cùng Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ngồi chung trên khán đài VIP. Những ngày sau đó, lác đác vài nguyên thủ quốc gia khác đến với nước Nga, đáng kể nhất là Tổng thống Croatia, một nước thuộc khu vực Balkan, bà Kolinda Grabar-Kitarović rồi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Nhà vua Bỉ Philippe cùng Hoàng hậu Mathilde.
Số phận thật trớ trêu khi ở vòng bán kết, nguy cơ về một cuộc đối đầu Nga - Anh trên sân cỏ ở Moskva trở nên hiện hữu, nếu Anh đánh bại Thụy Điển còn Nga vượt qua Croatia. Song điều đó cuối cùng đã không xảy ra, khi Nga dừng bước trên hành trình World Cup mang tính lịch sử sau loạt sút luân lưu trước Croatia. Anh tuy tránh được chủ nhà Nga nhưng không may vấp phải Croatia, đội đã khiến giấc mơ Cúp vàng thế giới suốt hơn nửa thế kỷ qua của quê hương bóng đá thêm một lần lỗi hẹn.
Khi đội tuyển Nga lập nên kỳ tích loại cựu vô địch Tây Ban Nha ở vòng 1/8, truyền thông phương Tây, từ Mỹ đến Đức, đã đặt ra nghi vấn các cầu thủ Nga sử dụng chất kích thích, như một cách làm giảm bớt giá trị chiến thắng của nước chủ nhà. Những nghi ngờ này chỉ bị bác bỏ vào hôm qua, khi FIFA công bố rằng World Cup 2018 là một giải đấu không có doping, với 2.037 xét nghiệm được thực hiện từ tháng 1/2018, trên tổng số 3.985 mẫu thử được thu thập, trong đó có những cầu thủ được lấy mẫu tới 8 lần. Các mẫu thử được xét nghiệm tại những phòng thí nghiệm do Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) chỉ định ở bên ngoài nước Nga.
Cho đến giờ này, khi World Cup chỉ còn lại hai ngày với hai trận đấu phía trước, có thể nói rằng nước Nga đã tổ chức một giải đấu rất thành công, nhờ vào cơ sở vật chất được đầu tư mạnh tay, năng lực đảm bảo an ninh tuyệt vời và cả khả năng tổ chức những sự kiện lớn. Điều này được chính Liên đoàn bóng đá thế giới và cả Liên đoàn bóng đá châu Âu thừa nhận và tán dương.
Đến với nước Nga, cổ động viên không gặp một sự cố nào đáng kể, an ninh được đảm bảo trên cả sân vận động lẫn tại các địa điểm công cộng khắp nước Nga. Chính sự có mặt của họ đã góp phần xóa tan những nghi ngờ lâu nay về xứ sở Bạch dương qua lăng kính truyền thông. Một nước Nga xinh đẹp và con người Nga mến khách thậm chí còn khiến nhiều người bất ngờ. Rất nhiều người đã dành cả tháng ở Nga, vẫn ở lại để tham quan đây đó dù đội tuyển của họ đã về nước từ lâu.
Đông Hà (từ Moskva)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất