Đừng trách Nhật Bản, họ đã đi đến tận cùng giới hạn!

04/07/2018 13:59 GMT+7 | Vòng 1/8

(Thethaovanhoa.vn) - Nhật Bản đã có trận đấu xuất sắc, rất đáng khen trước Bỉ. Đồng thời, cách mà “Samurai xanh” gục ngã cũng phản ánh đúng thực trạng của họ ở World Cup 2018: Hạn chế về thể lực.

Ở phạm vi châu Á, thể chất không phải vấn đề với Nhật Bản, nhưng bước ra sân chơi thế giới thì khác.

Vấn đề bóng chết

Nhật Bản đã chinh phục được truyền thông phương Tây khi về nước. Nào là hình ảnh đẹp người hâm mộ Nhật Bản trên khán đài, đến việc các cầu thủ dọn sạch phòng thay đồ, và để lại thông điệp cảm ơn đến Ban tổ chức World Cup 2018. Nhưng trên tất cả là trận đấu tuyệt vời mà đội tuyển Nhật Bản trình diễn, trong 90 phút đầy cảm xúc với Bỉ.

Bỉ được đánh giá là một trong những đội tuyển có chất lượng, chiều sâu và cân bằng nhất World Cup 2018. Bỉ sở hữu những ngôi sao hàng đầu thế giới trên mọi tuyến, và phần lớn đang là trụ cột các CLB lớn ở Premier League. Nhưng đội tuyển ấy được tờ The Independent mô tả “Có một trận đấu đáng xấu hổ trước Nhật Bản. Nhật Bản không được đánh giá cao, nhưng có những thứ mà họ nhỉnh hơn người Bỉ”.

Có thể không hoàn toàn nhỉnh hơn, nhưng chất lượng bóng đá của người Nhật không thua Bỉ. Cách Inui ghi bàn, những pha xử lý của Kagawa, hay khả năng phối hợp tập thể của Nhật Bản đã khiến Bỉ choáng váng. Ghi 2 bàn vào lưới Bỉ chỉ trong vòng 4 phút là điều không hề đơn giản, kể cả với những đội bóng lớn nhất thế giới. Nhật Bản đã làm được điều đó.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế lớn khiến Nhật Bản sụp đổ. Trước tiên là vấn đề bóng chết. Bàn thua đầu tiên của Nhật, với lỗi không nhỏ của thủ môn Kawashima, xuất phát từ tình huống Bỉ triển khai phạt góc. Đây là bàn thua thứ 3 từ bóng chết của Nhật Bản ở World Cup 2018. Colombia và Ba Lan là những đội đã tận dụng bóng chết để làm tung lưới đại diện châu Á duy nhất vào giai đoạn knock-out. Rõ ràng, chất lượng bóng đá của Nhật Bản không thấp, nhưng chiến thuật còn tồn tại nhiều vấn đề.

CĐV Nhật Bản nén nỗi buồn, nhặt rác trên khán đài khiến cộng đồng quốc tế thán phục

CĐV Nhật Bản nén nỗi buồn, nhặt rác trên khán đài khiến cộng đồng quốc tế thán phục

Bất chấp việc chứng kiến thất bại trước ĐT Bỉ và bị loại khỏi World Cup 2018, các CĐV Nhật Bản vẫn khiến cộng đồng mạng ngả mũ thán phục trước tinh thần, ý thức khi nén nỗi đau, dọn sạch rác trên khán đài SVĐ Rostov.

Giới hạn thể chất

“Chúng tôi thiếu một chút gì đó, thiếu điều gì đó”, HLV Akira Nishino. Cái thiếu ở đây của Nhật Bản là thể chất. Roberto Martinez đã nhìn ra những hạn chế này, nên đưa Fellaini và Chadli vào sân. Cả hai đều cao to hơn so với những kẻ rời sân – Mertens và Carrasco. Nếu xét về khả năng kỹ thuật cũng như tấn công, Fellaini và Chadli kém hơn hai người kia. Nhưng trong thế trận mà Bỉ đẩy mạnh thể lực, khai thác tối đa lợi thế chiều cao, họ rất hữu ích.

Fellaini và Chadli đều ghi bàn. Bỉ trở thành đội tuyển đầu tiên trong lịch sử World Cup chiến thắng một trận knock-out với 2 bàn thắng từ 2 cầu thủ vào thay người. Trong đó, bàn gỡ hòa 2-2 mà Fellaini thực hiện phản ánh chính xác nhất khác biệt giữa hai đội: Chiều cao. Ở World Cup 2018, Bỉ chỉ kém mỗi Serbia (186,70 cm), Đức (185,78 cm), và Iceland (185,52) về chiều cao trung bình. Chiều cao trung bình của “Quỷ đỏ” là 185,35 cm, trong khi Nhật Bản là 178,78 cm. Nhật Bản chỉ nhỉnh hơn Peru (177,61 cm) và Saudi Arabia (177,65 cm).Trong đó, Fellaini có chiều cao 194 cm – nghĩa là gần hơn 20 cm so với chiều cao trung bình 1 cầu thủ Nhật, và anh gần như không cần nhiều lực bật nhảy trong pha ghi bàn.

Một số trụ cột của Nhật Bản đã không đá chính trận Ba Lan. Nhưng điều đó không đủ cho cuộc chiến thể lực. Bởi vì, Bỉ cũng cất 2/3 nhân sự chính thức trong trận thắng Anh ở vòng bảng. Chưa kể, Nhật Bản còn một hạn chế lớn khác là tuổi tác. Độ tuổi trung bình của 11 cầu thủ đội hình chính Nhật Bản là 29,6. Con số này phía Bỉ là 28,3. Một sự chênh lệch rất lớn. Nhật đến Nga với Naomichi Ueda trẻ nhất, 23 tuổi. Còn lại, không ai thấp hơn 25 tuổi, và 8 người trên 30.

Tuổi tác là một giới hạn với thể lực. Không chỉ vậy, nó còn đặt ra một câu hỏi cho tương lai, cụ thể hơn là Qatar 2022: Liệu Nhật Bản có tìm được lớp tài năng kế cận?

Nhật Bản vượt ngưỡng chính mình

World Cup 2018 đánh dấu cột mốc 20 năm Nhật Bản bước ra sân chơi thế giới. Kể từ nước Pháp năm 1998 đến nay, Nhật Bản chưa bao giờ vắng mặt ở các kỳ World Cup. Dù không đạt được tham vọng vào tứ kết, World Cup 2018 vẫn là giải đấu mà Nhật Bản vượt qua chính mình.

Nhật Bản kết thúc World Cup 2018 giữa những ngợi khen trên khắp thế giới, về cách mà họ chiến đấu với Bỉ. Với 2 bàn thắng vào lưới Bỉ, Nhật Bản lập kỷ lục mới cho chính mình: 6 bàn thắng một kỳ World Cup. Trước đó, thành tích tốt nhất của Nhật là 5 bàn ở giải đấu 2002 mà họ đồng tổ chức với Hàn Quốc.

Trong khi đó, Genki Haraguchi – người đang chơi bóng ở Đức cho Hannover – trở thành cầu thủ Nhật Bản đầu tiên ghi bàn trong một trận knock-out World Cup. Năm 2002, Nhật Bản vào vòng 1/8 nhưng thua Thổ Nhĩ Kỳ 0-1. World Cup 2010 ở Nam Phi, Nhật Bản hòa 0-0 với Paraguay, trước khi thua 3-5 trong loạt đá luân lưu.

Ngọc Huy

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm