Pele và Maradona: Từ người hùng sân cỏ đến người hùng quảng cáo

01/07/2014 19:58 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - … là một câu chuyện dài và khá li kì. Những huyền thoại đã làm nên lịch sử bóng đá thế giới ấy đều có những câu chuyện riêng để kể về mình trong World Cup này, và tôi, người thỉnh thoảng ngồi xem các kênh truyền hình của Brazil ở World Cup này, sẽ thay họ kể lại những điều ấy.

Từ Vua bóng đá đến Vua quảng cáo

Thời gian nghỉ giữa hiệp của trận đấu World Cup trên các kênh truyền hình Brazil giống hệt một bộ phim kinh dị. Nhân vật chính trong bộ phim ấy không phải ai khác mà chính là những người hùng một thời của bóng đá thế giới, Pele và Maradona, đúng hơn, là những gì còn lạ của họ. Cảnh đầu tiên: hai người Brazil đang xem một trận đấu, thì một cái đầu tươi cười xuất hiện. Đấy là anh, Diego Maradona. Một quảng cáo cho việc bán hàng trên mạng. Cảnh thứ hai: Romario, vẫn gương mặt tươi tắn và bình dị như ở World Cup 94, nhưng đầu đã bạc một nửa, cười một cách ý nhị khi anh và bạn bè gửi một món quà sang Argentina. Trên bưu kiện có ghi Maradona. Một lời hẹn hò cho trận chung kết Brazil-Argentina chưa từng xảy ra trong lịch sử World Cup. Cảnh thứ ba: Trong một siêu thị đông như kiến, với biết bao khuyến mại được thực hiện, có một chiếc ngai vàng. Giữa cái ngai ấy, “O Rei” (Vua) đang cầm cây quyền trượng của mình và nở một nụ cười thu hoạch tới tất cả. Pele đấy. Ông đang quảng cáo cho siêu thị hàng đầu Carrefour.

Thật nực cười, nhưng những quảng cáo ấy chính là những cơ hội duy nhất mà người hâm mộ có thể gặp được những ngôi sao bóng đá lớn nhất thế giới trong dịp World Cup này. Tại sao họ không có mặt ở trên một khán đài nào đó của các sân vận động World Cup. Maradona không được bảo vệ cho vào sân Maracana xem trận Argentina-Bosnia, dù anh rất muốn. FIFA giải thích một cách hài hước: “Có lẽ là Maradona đã vào nhầm cửa”. Pele thì không thể dự khán trận Brazil-Mexico, vì như ông bảo, xe chở ông chết cứng trong một vụ kẹt xe trên đường đến sân Fortaleza. Sự thật hơi cay đắng một chút: Chẳng có ai mời Pele đến xem trận đó hết. Ông phải ngồi ở đâu đó và xem trận đấu trên tivi. Sau khi không dự được trận Argentina-Bosnia, Maradona may mắn có mặt trong trận Argentina-Iran, và ngay khi anh rời khỏi sân vận động, Messi đã ghi bàn quyết định hạ gục đội bóng Trung Đông. Điều gì đã thực sự xảy ra vào lúc ấy? Maradona đem đến vận xui cho đội tuyển và cả Messi, nếu ta xét hồi Maradona dẫn dắt đội tuyển Argentina ở World Cup bốn năm về trước, Messi thậm chí không ghi nổi lấy một bàn?

Không ai rõ, cả những người mê tín, nhưng Messi đã làm được những gì anh muốn. Hơn thế nữa, những bàn thắng mà anh ghi được đã đưa Argentina vào vòng knock-out, mở ra một giấc mơ mang tên chung kết Brazil-Argentina trên sân Maracana, nơi mà chính Maradona đã từng chơi một trận trong màu áo Boca Juniors và thua Flamengo của Zico 0-2 vào năm 1981. Không, có lẽ Argentina bây giờ không cần Maradona trở thành Chúa Cứu thế và phù hộ cho họ nữa. Bởi họ đã có một Chúa cứu thế khác, một vị Chúa mang tên Messi. Bất lực và bực tức vì bị coi thường, Maradona đã kêu lên, rằng việc Brazil vào được vòng tứ kết sau chiến thắng Chile là “bất công”. Chẳng ai thèm nghe anh nói nữa. Những người nhớ dai hẳn không quên được rằng, đúng 20 năm về trước, ngày 30-6-1994, Maradona đã từ ngôi đền của các vị thần trên đỉnh Olympus rớt xuống địa ngục của thần Hades khi kết quả xét nghiệm doping được công bố: dương tính với chất ephedrine làm tăng khả năng thi đấu. Maradona đã rời vũ đài sân cỏ thế giới theo cách ấy, và kể từ đó, anh công kích tất cả những ai anh không thích, trong đó có FIFA. Nhưng chẳng khác gì Don Quijote lao mình vào cối xay gió, những cuộc tấn công ấy không có tác dụng. Vụ anh không được vào sân xem trận Bosnia giống một cuộc trả thù của FIFA đối với anh. Maradona phải xem hiệp 2 của trận đấu ấy trong khách sạn.

Những người đi lạc thời gian

Pele và Maradona không thích nhau, nhưng hình như bản thân người dân Brazil và Argentina cũng không yêu thích họ lắm, dù Pele và Maradona vẫn được coi là những thần tượng. Maradona chỉ có thể bình luận về World Cup trên một kênh truyền hình của Venezuela, một trong những quốc gia có trình độ bóng đá kém nhất Nam Mỹ. Các kênh truyền hình lớn của Argentina từ chối mời Maradona, bởi vì họ không thể đáp ứng được những yêu cầu của anh: phải loại khỏi danh sách các khách mời Daniel Passarella, cựu danh thủ và HLV đội tuyển Argentina, nhưng là kẻ thù của anh; phải cung cấp cho anh cả gái vào ban đêm và tiền thù lao thì chuyển vào các tài khoản ở nước ngoài cho anh. Pele là một biểu tượng lớn của bóng đá Brazil? Ai cũng có thể nói như thế, nhưng người đứng đầu trong danh sách những huyền thoại Brazil được yêu mến nhất mới công bố trước World Cup không phải là ông, mà là Garrincha, đồng đội của Pele trong đội hình đoạt Cúp vàng thế giới năm 1962. Người ta cũng thể hiện sự yêu mến đối với Socrates vì những tư tưởng cánh tả và dân túy của ông hơn là những gì ông thể hiện trên sân cỏ. Cuốn sách mới nhất viết về Pele thậm chí bán không chạy bằng sách viết cho Socrates, người qua đời cách đây ít lâu.

Pele là người đến từ sự cùng khổ, là thần tượng của biết bao người vì những thành tích trong bóng đá, nhưng sau khi nổi tiếng, ông đại diện cho tiếng nói của một thế giới khác, những kẻ độc tài, những người đứng đầu chính phủ, các tầng lớp trên của xã hội. Ông là biểu tượng cho quá khứ của bóng đá Brazil, không phải hiện tại, và không biết từ lúc nào, ông bị nhiều người căm ghét. Romario từng nói về ông thế này: “Pele là nhà thơ khi ông ấy chưa mở miệng ra”. Một câu nói đủ làm chết điếng người cầu thủ huyền thoại, người mà mỗi lần thốt lên một điều gì đó, thì đấy là thảm họa. Ông cũng như Maradona, nghĩ rằng mình là Chúa cứu thế của đội tuyển. Và khi ông dự đoán Brazil vô địch để lấy lòng dư luận, người Brazil lại thấy sợ hãi. Ông đã từng dự đoán một đội Châu Phi sẽ vô địch vào cuối thế kỉ trước. Ông đã nêu tên những Nick Barmby và Nii Lamptey là người kế vị ngai Vua bóng đá của ông (mọi người làm ơn cho tôi biết, bây giờ, số phận của những cầu thủ này ra sao, họ đang làm gì, và ở đâu?). Bây giờ, ông thành Vua quảng cáo. Nhưng những quảng cáo có mặt Pele, nằm trong số những spot được dư luận xem nhiều nhất, hóa ra lại đứng đầu bảng trong số những quảng cáo truyền hình bị ghét nhất ở Brazil.

Pele và Maradona sẽ nói khi ai đó đặt trước họ một chiếc micro, nhưng dường như họ đã mất đi những mối liên hệ với hiện tại. Họ chỉ trở nên rực rỡ như những con robot trong các quảng cáo hơn là khi xuất hiện trong đời thực. Giữa quá khứ và hiện tại của bóng đá là một khoảng trống mênh mông như sa mạc. Quá khứ vàng son ấy đã dừng lại. Họ cũng thế. Và chỉ còn thích hợp trong những quảng cáo trên tivi. Ở đó, họ hoàn hảo như xưa. 

Thế còn những người khác, các anh đang ở đâu? 




Mùa World Cup này, người ta gặp lại những người hùng một thời của bóng đá thế giới, tất cả đều trên tivi. Trừ Romario, bây giờ đã là một nghị sĩ quốc hội sau khi rời khu vực cấm địa của đối phương để khoác lên mình bộ complet và nói những lời có cánh để lấy lòng các cử tri (nhưng anh vẫn xuất hiện trong một quảng cáo chuyển phát nhanh), thì những người hùng khác đều đóng vai trò của BLV. Roberto Carlos và Ronaldo thay nhau xuất hiện trong các trận cầu đinh của kênh O Globo, nhưng hình như họ bị các ông BLV ở đó át vía, cứ mở mồm nói mấy câu là y như rằng bị cắt mất. Và khi ấy, nhìn họ mới tội, mặt hơi nghệt ra một chút, và cười. Nhìn mới đáng yêu làm sao.

Người được cho là khách mời xuất sắc nhất trong dịp này lại không phải là một cựu danh thủ Brazil, mà là Freddy Rincon, một cựu tiền vệ nổi tiếng của Colombia, người đã từng chơi khá thành công ở World Cup 1994. Trong các chương trình bình luận World Cup trên kênh ESPN Brasil, anh là một trong số những người được yêu thích nhất. Riêng Kaka thì khác. Anh không xuất hiện ở trên kênh truyền hình nào. Những dòng tin về cuộc phiêu lưu thứ hai (không vui lắm) của anh ở Milan đã kết thúc, khi đội bóng Ý đồng ý chuyển nhượng anh sang tận Mỹ, cho đội Orlando City, cũng chẳng gây ra bất cứ sự chú ý nào. Ở Brazil, Kaka đồng nghĩa với quá khứ. Người ta cũng chẳng buồn nhắc đến Kaka nữa. Thần tượng lớn của người Brazil bây giờ là Neymar.

Kaka chỉ xuất hiện trong màu áo đội tuyển Brazil ở một áp phích bé bằng bàn tay dán trong các hàng quán, trên những bức tường ở các thành phố Brazil. Áp phích ấy quảng cáo một đường dây nóng, nhăm kêu gọi mọi người tố cáo các hành vi xâm hại tình dục trẻ em và trẻ vị thành niên. Dù sao, không khoác áo đội tuyển nữa, anh vẫn biết ghi bàn trong lòng người hâm mộ.


                                                                                                                                                                                                               

Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc
                                                                                                                                                                                                  Phóng viên TTXVN, từ Rio de Janeiro

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm