28/03/2022 20:47 GMT+7 | Tennis
(Thethaovanhoa.vn) - Ban tổ chức Wimbledon đang cân nhắc quyết định cấm các tay vợt Nga tham dự giải Grand Slam danh giá này. Liệu đó có phải một quyết định đúng đắn?
Kể từ khi mối quan hệ giữa Nga và Ukraine leo thang, rất nhiều biện pháp trừng phạt đã được ra với các vận động viên Nga, bất chấp khái niệm “thể thao phi chính trị”. Và người Anh, vốn nổi tiếng với thói bảo thủ của mình, cũng đang xem xét có nên cấm các tay vợt Nga góp mặt ở Wimbledon – giải đấu Grand Slam mang tính biểu tượng nhất - hay không.
“Trung lập” như thế nào?
Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Thể thao Anh Nigel Huddleston đã gợi ý rằng, bất cứ tay vợt Nga nào muốn thi đấu ở Wimbledon đểu phải “đảm bảo” lập trường của họ về cuộc xung đột Nga – Ukraine. “Không ai được phép treo cờ Nga. Chúng tôi muốn được đảm bảo rằng họ không phải là những người ủng hộ Putin, và chúng tôi đang xem xét những yêu cầu rõ ràng để họ phải tuân theo quy định này”. Những ngày qua, ông Huddleston đã liên tục làm việc với Hiệp hội quần vợt Anh (All England Lawn and Tennis Club) về bản chất của những quy định như thế này và liệu có nên áp dụng chúng ở Wimbledon hay không.
Các tay vợt nhà nghề của Nga, bao gồm số hai thế giới Daniil Medvedev (nam) và Anastasia Pavlyuchenkova (11 WTA) được cho là sẽ buộc phải loại bỏ mọi biểu tượng và ngôn ngữ liên kết họ với nước Nga, và cam kết dự Wimbledon với tư cách "trung lập”.
Medvedev đã chấp nhận giải pháp này khi bỏ cờ Nga trên hồ sơ mạng xã hội. Anh cũng phát biểu rằng mình mong muốn hòa bình diễn ra trên thế giới. Tuy nhiên, tuyên bố chung chung về hòa bình luôn dễ, và nó hoàn toàn khác biệt với việc đưa ra quan điểm về một cuộc xung đột như thế này. Bản thân Medvedev cũng vẫn giữ thái độ trung lập về cuộc xung đột Nga - Ukraine mà chính phủ Anh phản đối.
Wimbledon – giải Grand Slam danh giá với một quốc gia NATO là chủ nhà – không đơn thuần là một cuộc triển lãm về quần vợt. Đó còn là minh chứng cho thấy những gì người Anh cho là phù hợp, chứ không chỉ là thể hiện tính ngoại giao và cơ sở vật chất của mình. Huddleston dường như chỉ cảm thấy thoải mái với những VĐV phản đối chiến tranh và sẵn sàng tách mình khỏi ảnh hưởng của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Loại, hay không loại?
Sự giận dữ toàn cầu đối với Tổng thống Nga Putin đã khiến khái niệm “thể thao phi chính trị” mất đi ý nghĩa vốn có của nó. Việc các tổ chức thể thao toàn thế giới quan tâm đến sự tham gia của các VĐV và đội tuyển thể thao của Nga và Belarus ở các giải đấu, là một minh chứng.
Đã có những phản ứng rất gay gắt và kiên quyết, với hy vọng rằng việc cô lập các đội tuyển thể thao Nga khỏi thể thao thế giới là điều cần thiết để đối đầu với cuộc xung đột được cho là lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là việc loại hẳn các VĐV Nga khỏi các môn bơi lội, điền kinh, và bóng đá. Nhưng một số tổ chức thể thao khác, chẳng hạn như quần vợt và biathlon (hai môn phối hợp), cho phép các VĐV Nga và Belarus thi đấu với tư cách trung lập. Dù vậy, ATP, WTA, và ITF thì đã thẳng thừng loại Nga và Belarus khỏi các giải đấu đồng đội như Davis Cup hay Fed Cup.
Ngay cả Ủy ban Olympic quốc tế, xưa nay vốn không muốn liên quan tới các vấn đề địa chính trị, cũng đã đề nghị các cơ quan thể thao, và những nhà tổ chức sự kiện không mời hoặc không cho phép các VĐV Nga và Belarus tham dự các giải đấu quốc tế.
Ở Paralympic diễn ra tại Bắc Kinh mới đây, một số đội tuyển đã từ chối thi đấu với những đội tuyển thể thao Nga. Kết quả, ban tổ chức đã bị gây sức ép trong việc phải loại các VĐV Nga.
Những quan điểm trái chiều
Trở lại với câu chuyện của Wimbledon, nơi All England Lawn and Tennis Club có quyền quyết định các quy tắc tham gia giải đấu này. Họ có thể đi theo đường lối mềm dèo phù hợp về mặt ngoại giao như ATP và WTA, những đơn vị tổ chức nhà nghề của các tay vợt nam và nữ, hoặc có thể cấm hoàn toàn người Nga nếu muốn.
Nhưng dù thế nào, việc này đang gây lên những tranh cãi. Một số nhà phê bình cho rằng vấn đề nhân quyền của các VĐV Nga đang bị xâm phạm dữ dội, và họ hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì về cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Tuy nhiên, một số ngôi sao thể thao của Nga – dù tự nguyện hay vì lý do nào khác – đều đã công khai quan điểm của mình. Một số đã xuất hiện trước công chúng với chữ Z, biểu tượng cho việc ủng hộ hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Có lẽ, người ủng hộ Tổng thống Putin rõ rệt nhất là nhà vô địch cờ vua Sergey Karjakin, người đã ca ngợi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của đất nước anh, và chấp nhận án cấm thi đấu 6 tháng. Ngược lại, một số ngôi sao thể thao khác của Nga thì công khai lên án cuộc chiến. Đây là một lập trường được coi là mạo hiểm, bởi đã có 15.000 người Nga bị bắt vì bất đồng chính kiến như vậy.
Nước Nga đang phải chịu đựng các biện pháp trừng phạt kinh tế từ phương Tây sau cuộc xung đột với Ukraine. Song một số người cho rằng đây là một động thái “đạo đức giả”, so với hành động can thiệp quân sự của Mỹ vào Iraq, hay Israel chiếm đóng lãnh thổ của Palestine.
Các tay vợt Nga dưới kính hiển vi Cho dù All England Club cấm các tay vợt Nga hay chấp nhận họ với vai trò trung lập, họ cũng phải đồng thuận với quyết định của bộ trưởng thể thao nước này, trong bối cảnh chính phủ Anh đang cung cấp vũ khí cho Ukraine. Và các tay vợt Nga, dù được phép thi đấu, cũng sẽ bị “soi” rất nhiều dưới kính hiển vi ở cả trong và ngoài sân đấu. Liệu một chiến thắng cho Medvedev có phải là một thắng lợi của Putin? Liệu sự vắng mặt của Medvedev có góp phần vào nỗ lực chống chiến tranh? Tựu chung lại, các VĐV Nga – cũng như những dân thường Nga – dường như đang bị đối xử một cách bất công khi là mục tiêu của các lệnh trừng phạt. |
Phương Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất