Federer vào vòng 3 Wimbledon 2010: Đừng để cho ngày ấy lụi tàn...

24/06/2010 16:15 GMT+7 | Tennis

(TT&VH Online) - Ánh mắt trìu mến và nụ cười thật hiền. Những đường banh chỉ riêng mình anh có. Từ Wimbledon tới Wimbledon. Từ 2003 tới 2010. 7 năm và cuộc tìm kiếm thiên đường thứ 7. Roger, đừng để cho ngày ấy lụi tàn...

* Từ Falla tới Bozoljac: Phục sinh muộn màng và khó nhọc


2 vòng đấu đầu tiên của Wimbledon 2010 đã trôi qua với tay vợt cự phách của mọi thời. 2 chiến thắng với 9 set đấu và  6 giờ đồng hồ đổ mồ hôi chỉ để vượt qua 2 tay vợt xếp hạng...60 và 152 thế giới. "Tàu tốc hành" là như vậy sao? Không, chính xác là "tàu chậm".


Federer: "Đừng để cho ngày ấy lụi tàn"..., Ảnh  Getty
Trước tay vợt vô danh của Colombia Falla trong trận mở màn, Federer đã phải vật vã tới 5 set đấu và trên thực tế người ta chỉ thấy "cái tôi" đúng nghĩa của anh xuất hiện ở set 5. Hai set đấu đầu tiên là một thảm họa. Tay vợt Thụy Sĩ di chuyển chậm chạp, đánh hỏng quá nhiều và những cú service của anh không có uy lực và độ hiểm hóc như thường lệ. Trong 2 set đầu tiên của cuộc chiến mà trước khi nó diễn ra thì ai cũng ngỡ là cuộc dạo cho nhà vô địch ấy, Federer thực sự đã đánh mất tất cả những gì làm nên thương hiệu của anh.

Những cú backhand thường xuyên mắc lưới hoặc ra ngoài. Những cú forehand cũng không đạt được độ chính xác và hóc hiểm vốn có. Nhìn Federer đánh 2 set đầu với Falla, người ta thấy trên gương mặt anh toát lên vẻ thất thần, không cảm xúc. Đó là điều kỳ lạ bởi tay vợt Thụy Sĩ rất hiếm khi rơi vào trạng thái như thế. Những gì diễn ra ở set 3 và 4 trước Falla cũng không phải là sự phục sinh đúng nghĩa về phong độ của hạt giống 1 mà chính xác đó chỉ là lúc bản lĩnh nhà vô địch trong anh trỗi dậy. Giữa lằn ranh mong manh của sự tồn tại và không tồn tại, Federer đã làm tất cả để vãn hồi giấc mơ. Những cú backhand và forehand của anh "chỉn chu" hơn nhưng vẫn chưa thể gọi là chuẩn mực theo đúng đẳng cấp mà anh có. Chỉ có set 5, một Federer thực sự mới hiện hình. Những bước chạy nhanh nhẹn. Những cú đánh chuẩn xác và hiểm hóc. Những cú giao bóng uy lực. Tất cả đều hiện hữu. Dĩ nhiên, đó là thời điểm mà áp lực tâm lý của Federer đã được cởi bỏ hoàn toàn sau 2 set thắng liên tiếp của anh trước đó trong khi Falla thực sự đã "giã từ vũ khí" từ trong tâm tưởng sau khi bị Federer quật lại ở các set 3 và 4. Thế nên, anh để thua chóng vánh và trở lại đúng hình ảnh của một tay vợt vô danh chỉ "một phút huy hoàng rồi vụt tắt".

So với trận gặp Falla thì trước Bozoljac đêm qua, Federer mất ít mồ hôi hơn và anh chơi nhìn chung cũng tốt hơn. Mặc dù vậy, những ai chứng kiến cách nhà vô địch vượt khó lần thứ 2 chỉ trong ít ngày cũng đều thấy rằng Federer đã phải lao động thực sự chứ Bozoljac hoàn toàn không phải là "quân xanh" để anh "luyện công". Những cú service của tay vợt người Serbia đã trở thành vũ khi lợi hại khiến Roger nhiều phen điêu đứng. 31 cú ace dành cho Bozoljac ở trận này là minh chứng cho sức mạnh của anh. Nên nhớ, dù giao bóng không tồi thì Federer cũng chỉ giành được một nửa con số ấy (16 cú ace). Sự khác biệt của Federer trước Falla và Federer trước Bozoljac là gì? Câu trả lời là tay vợt Thụy Sĩ chơi trận vòng 2 này ổn định hơn so với trận mở màn Wimbledon 2010 của anh. Trước Falla, Federer bị lỗi nhịp tới 2 set đấu đầu tiên còn trước Bozoljac thì anh nhập cuộc trơn tru ngay từ đầu. Nếu xem Federer như chiếc xe đua F1 thì chiếc xe ấy đã khởi đầu thật chậm chạp và gặp trục trặc lúc đề-pa, còn ở bước đà tiếp theo thì nó đã chạy "êm" hơn nhưng không có nghĩa là mọi thứ đều ổn thỏa.

* Vạn sự khởi đầu nan, hay ngày tàn của một đế chế?

Wimbledon 2003 , nơi giấc mơ bắt đầu nhưng Winbledon 2010, xin hãy đừng là nơi giấc mơ kết thúc. Bởi nụ cười anh, gương mặt anh và những pha bóng trứ danh đã in sâu vào trái tim người hâm mộ. Roger đi đến đâu cũng được chào đón và tri ân. Người ta yêu mến anh và xem anh như là biểu tượng cho vẻ đẹp của tennis đỉnh cao. Nhưng 7 năm là một khoảng thời gian có thể xóa nhòa đi tất cả. Những gì diễn ra trước Falla và cả trước Bozoljac cho thấy, những cú backhand và cả forehand của Roger đã mất chính xác và kém hóc hiểm đi rất nhiều. Chúng ta không còn được thấy thường xuyên những cú vẩy bóng đi sát dây của anh. Đẳng cấp của Federer là vĩnh cửu nhưng thời gian đang trở thành kẻ thù vô cảm lúc nào cũng lăm le đẩy anh lùi vào bóng tối của những năm tháng thanh xuân.

Federer đã không còn khát khao chiến thắng như trong giai đoạn 2004-2007 huy hoàng ấy? Phải, nhưng chính xác nhất là cái tuổi 29 sắp đến, cùng cuộc sống gia đình phải sẻ chia, đã khiến anh không còn sức mạnh của ngày nào. Bất chấp một chế độ tập luyện khoa học, bất chấp kinh nghiệm dày dạn trong việc lựa chọn giải đấu, thời gian vẫn cứ hằn dấu lên đôi chân và cả bàn tay cầm vợt của anh.

Hãy nhìn cách Soderling  ở Roland Garros rồi Falla và Bozoljac ở Wimbledon những ngày qua với những cú giao bóng khủng khiếp của họ. Roger đã không thể làm gì nhiều để chống lại sức mạnh của những đòn phủ đầu đó. Cú backhand của anh cũng không còn "ngọt" như trước nữa khi trái banh cứ thường xuyên "cãi" lại ý muốn của anh. Cú forehand cũng vậy. Nếu quan sát Roger đánh 2 trận đầu ở Wimbledon thì sẽ thấy là ngoài việc độ chính xác trong các cú thuận tay và trái tay của anh đều giảm đi thì độ hiểm hóc của nó cũng giảm. Bình thường Federer vẫn hay tung ra những cú backhand và forehand đưa bóng đi dọc dây hoặc chéo sân rất hiểm hóc nhưng ở 2 trận đã qua, anh tung ra khá nhiều những cú đánh lỏng tay, bóng đi vồng cao, không siết và gần người đối thủ. Thế nên, đã không ít lần anh bị cả Falla lẫn Bozoljac phản đòn bằng những pha trả bóng cực nặng.

Các tay vợt giờ đây khi đối đầu với Federer đều hiểu rằng họ cứ giao bóng thật mạnh thì đã có nhiều cơ hội thành công bởi hoặc là tay vợt Thụy Sĩ sẽ không thể trả giao bóng được, hoặc nếu anh có trả được thì quỹ đạo của trái bóng cũng không dễ gì mà đi theo ý muốn của anh. Bài học thứ 2 đang được các đối thủ của anh "học thuộc" là tập trung dồn trái. Kiên trì dồn bóng vào phía trái của Federer với lực càng mạnh và đưa bóng đi càng sát vạch baseline càng tốt. Họ có thể hy vọng giành điểm.

Nếu nói về vấn đề nội tại thì việc Federer thất bại ở Roland Garros vừa qua cũng như cú đề-pa khó nhọc của anh ở Wimbledon năm nay cũng bắt nguồn từ yếu tố tâm lý. Sau khi chinh phục được nốt mặt sân đất nện với chức vô địch Roland Garros 2009 thì ít nhiều gì khát khao chiến thắng của Roger có thể cũng giảm đi. Anh đã có tới 16 cúp  VĐ Grand Slam ở cả 4 giải lớn cùng rất nhiều kỷ lục khác. Xét cho cùng thì Roger vẫn chỉ là một người bình thường với tài năng phi thường chứ anh không phải là cỗ máy. Mà đã là con người thì có lúc không thể tránh khỏi cảm giác mệt mỏi về thể chất và sự thay đổi trong trạng thái cảm xúc, động lực và hưng phấn thi đấu. Chưa kể là ảnh hưởng từ cuộc sống gia đình. Đã là con người thì như bất kỳ ai, Roger sớm muộn gì cũng phải đối mặt với sức ép của tuổi tác khi thời gian không loại trừ một ai. Cái tuổi 29 đang gõ cửa (anh sinh ngày 8/8/1981) như "rắp tâm" làm chậm lại những cú service hiểm hóc, mạnh như búa bổ và những bước chạy nhẹ nhàng như nai của một Roger ở đỉnh cao của những năm tháng xuân thì.

Về khách quan, tên tuổi, danh tiếng, đẳng cấp, bản lĩnh và tài năng của Roger không chỉ giúp anh đi vào trái tim người hâm mộ, cũng như giành được sự nể trọng từ các đối thủ. Điều quan trọng không kém là Federer đã trở thành nguồn cảm hứng thôi thúc các đối thủ của anh bộc lộ tất cả những gì họ có. Từ sức mạnh thể lực, khát vọng thi đấu cho tới việc ấp ủ giấc mơ đánh bại anh dù chỉ một lần trong sự nghiệp. "Thương hiệu" Federer đã biến anh thành "Người đặc biệt" trong thế giới banh nỉ nhưng ở một phương diện khác, nó cũng làm bùng cháy những giấc mơ chinh phục nơi các đối thủ của anh mỗi khi họ có dịp đối mặt với nhà vô địch.

Một lần nữa phải nhắc lại thực tế là ngay trên mặt sân mà anh đang làm "vua" với 6 lần vô địch, Roger đã không còn "tốc hành" ở 2 vòng đấu đã qua. 9 set đấu trong đó có tới 3 set phải đánh tie-break, với 6 giờ đồng hồ phải bỏ ra trước những đối thủ "hạng lông" là thực tế nghiệt ngã mà tay vợt được mến mộ khắp thế giới đã trải nghiệm. Roger vẫn chiến thắng nhưng anh đã mệt mỏi rồi chăng? Nụ cười này còn tiếp diễn sau bao vòng đấu nữa? Vẫn còn "5 đỉnh Olimpia" mà tay vợt Thụy Sĩ phải leo trước khi về đích. Nhưng anh có leo hết được không? Những "đỉnh núi" sau hứa hẹn sẽ "cao" hơn đỉnh trước khi nó hoàn toàn có thể mang tên Roddick, Djokovic, Murray, Soderling hay nhất là Nadal (?!). Từ Wimbledon tới Wimbledon. Từ 2003 tới 2010. Chiếc cúp VĐ Grand Slam đầu tiên của anh là ở đây. Bây giờ sau 7 năm, anh đi tìm thiên đường thứ 7 cũng ở chốn này. Nhưng anh có tìm được không? Roger, đừng để cho ngày ấy lụi tàn!

HT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm