09/05/2022 17:31 GMT+7 | Tin tức 24h
Giờ đây, các cơ quan y tế toàn cầu và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực để đưa các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và thuốc kháng virus đắt tiền điều trị COVID-19 đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Tuần này, Tổng thống Biden sẽ nhấn mạnh phương châm "xét nghiệm toàn cầu để điều trị" tại hội nghị thượng đỉnh quốc tế về dịch COVID-19 lần thứ hai - một cuộc họp trực tuyến quy tụ sự tham gia của các nhà lãnh đạo thế giới nhằm tạo động lực mới cho công cuộc ứng phó với đại dịch trên toàn cầu.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ, Tổng thống Biden dự định sẽ tận dụng hội nghị lần này để kêu gọi các quốc gia giàu có quyên góp 2 tỷ USD để mua các phương thuốc điều trị COVID-19 và 1 tỷ USD để mua nguồn cung cấp oxy cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tại Mỹ, nơi thuốc kháng virus điều trị COVID-19 được bày bán rộng rãi, sáng kiến “xét nghiệm để điều trị” của Tổng thống Biden cho phép nhiều bệnh nhân đến hiệu thuốc, xét nghiệm COVID-19 và nhận đơn thuốc miễn phí ngay tại chỗ nếu họ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, những nỗ lực như vậy có thể sẽ bị hạn chế hơn nhiều cho đến khi các loại thuốc generic (bản sao của thuốc với thành phần hoạt chất tương tự nhau) được bày bán, có thể là vào năm 2023.
Tuy nhiên, nỗ lực toàn cầu phải đối mặt với một số trở ngại và bất bình đẳng giống như đã tồn tại cách đây hai thập niên.
Nhiều công ty dược phẩm, đang cố gắng bảo vệ bằng sáng chế của họ, lại đang hạn chế việc cung cấp các thuốc generic ở nhiều quốc gia có thu nhập trung bình, bao gồm toàn bộ khu vực Mỹ Latinh. Bên cạnh đó, một trong những trở ngại lớn nhất là sự sụt giảm mạnh xét nghiệm COVID-19 trên khắp thế giới.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ 20% trong số 5,7 tỷ xét nghiệm được thực hiện trên toàn cầu là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trong đó, các quốc gia có thu nhập thấp chỉ chiếm chưa đến 1% các cuộc xét nghiệm. Lý do là bởi những nước này thiếu tiền để mua dụng cụ xét nghiệm và nhu cầu đã giảm ở các khu vực nơi tỷ lệ mắc COVID-19 hiện đang ở mức thấp.
Paxlovid của hãng dược phẩm Pfizer hiện là loại thuốc kháng virus có nguồn cung dồi dào ở Mỹ. WHO gần đây đã đưa ra "khuyến nghị mạnh mẽ" rằng Paxlovid cần được cung cấp cho những bệnh nhân có nguy cơ nhập viện cao và kêu gọi "phân bố rộng rãi chế phẩm này theo địa lý".
Các chuyên gia y tế toàn cầu cho biết cả hai công ty trên đều đã tiếp thu những bài học từ bệnh AIDS - nhưng chỉ ở một mức độ nào đó.
Hai công ty này từng đồng ý phân bổ 7 triệu liệu trình điều trị cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) để phân phối ở hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Tuy nhiên, UNICEF sẽ không thể mua những thuốc trên trừ khi tổ chức này có thể huy động tiền hoặc các quốc gia tài trợ kinh phí.
Cho đến nay, 36 công ty từ 12 quốc gia đã đăng ký sản xuất thuốc generic của Paxlovid . Các công ty ở Ấn Độ đã và đang sản xuất thuốc generic của cả Paxlovid và molnupiravir. Cả hai loại thuốc này được kỳ vọng sẽ được cung cấp rộng rãi ở khoảng 100 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Tuy nhiên, những thuốc generic này sẽ không có sẵn cho đến năm sau. Trong khi đó, các bác sĩ và nhà hoạt động trên khắp thế giới cho biết tính mạng của những bệnh nhân dễ bị tổn thương đang bị đe dọa khi thuốc kháng virus và thậm chí cả oxy vẫn nằm ngoài tầm với. Ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp, nhu cầu này càng đặc biệt cấp thiết.
Tại Uganda, Tiến sĩ Sabrina Kitaka, một bác sĩ nhi khoa cũng là người tư vấn cho chính phủ về việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, cho biết nhiều trẻ em mắc các bệnh lý nền, như bệnh hồng cầu hình liềm, tiểu đường, nhiễm virus HIV - đã gặp biến chứng khi mắc COVID-19.
Tiến sĩ Kitaka nhấn mạnh: “Paxlovid sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chiến chống dịch bệnh. Điều đó đặc biệt đúng 'đối với những bệnh nhân bị bệnh nặng và phải điều trị tích cực'".
Tuy nhiên, ông Felipe Carvalho, điều phối viên của Tổ chức bác sĩ không biên giới ở Mỹ Latinh, cho biết 25% người dân Brazil có bảo hiểm tư nhân và có thể đã được sử dụng thuốc Paxlovid. Ông phàn nàn: "Chúng ta đang ở trong một thế giới với sự phân biệt đối xử giữa người giàu và người nghèo. Chúng ta vẫn đang vật lộn trong 20 năm, 30 năm sau cuộc khủng hoảng HIV-AIDS để thuyết phục các công ty thực hiện điều đúng đắn".
Phương Oanh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất