17/02/2012 07:49 GMT+7 | Âm nhạc
Người ta bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của ông hoàng nhạc pop Michael Jackson. Nhưng người ta khóc khi hay tin Whitney Houston… Trong ca khúc nổi tiếng mà Whitney đã từng hát, One Moment In Time, có đoạn: “Hãy cho tôi một khoảnh khắc trong cuộc đời, khi tôi vẫn đang chạy đua cùng số phận để tôi cảm nhận được sự vĩnh cửu”. Thứ Bảy, ngày 11/2/2012, đồng hồ điểm ở khoảnh khắc 15h43, cuộc chạy đua với số phận đã kết thúc và lúc ấy, Whitney Houston đã thật sự trở thành vĩnh cửu. |
(TT&VH Cuối tuần) - Whitney sinh tháng 8/1963, tuổi Mão, sang năm mới này đã có thể được coi là 50 tuổi ta. 49 chưa qua, 53 đã tới, chị không vượt nổi vòng đại hạn của đời người.
>> Chuyên đề sự kiện: Diva Whitney Houston qua đời
Dằn vặt. Dằn vặt. Chị dằn vặt nhiều hơn các nghệ sĩ mà tôi biết, mỗi làn hơi mỗi ẩn chứa đau đớn, gai sắc ấy, kim châm ấy, không phải ai cũng nhận ra. Và phải chăng, chính sự khác thường này, chính nỗi đau không thể sẻ chia này, đã làm nên một giọng ca lớn, lớn hơn hết thảy, lớn hơn thời đại của mình; chính tấm lòng chứ không phải vòm họng mới làm nên một Whitney Houston bà hoàng nhạc đen, nơi mà dẫu Mariah Carey, Toni Braxton hay ai ai khác đều không thể sánh kịp?
Whitney Houston với giải Grammy năm 1986
Mới năm kia, Michael Jackson. Năm ngoái, Amy Winehouse. Bây giờ, là chị. Những người tài bỏ trần gian dù họ yêu trần gian lắm thay!
***
Whitney Houston là con gái của Cissy, giọng gospel trong dàn đồng ca phụ họa cho Aretha Franklin và rồi chính danh ca Franklin nhận Whitney làm con đỡ đầu. Chị còn có một người chị họ tên tuổi: danh ca Dionne Warwick. Kể ra những cái tên rổn rảng không phải để chứng minh chị là con nhà nòi, mà để nhớ lại rằng âm nhạc từng có những gương mặt lớn, những thanh đới bằng vàng. Aretha Franklin, Anita Baker, Dionne Warwick, Chaka Khan, Tamia, Diana Ross, Whitney Houston. Thảy đều da đen. Người da đen sinh ra cho âm nhạc, thể thao và nỗi buồn. Nhạc blues. Tụng ca gospel. Màu gỗ mun. Thanh đới bằng vàng. Tiết tấu trong huyết quản. “Người da đen sinh ra để ngợi ca thế giới và ôm lấy nỗi buồn của thế giới vào tim mình”, tôi đã viết như vậy vào năm 1985 trên tấm thẻ ghi tiểu sử Whitney Houston. Lúc đó tôi 18 tuổi, vừa thi đỗ khoa Nhạc Cao đẳng Sư phạm, và dành 3 tháng cuối năm chỉ để nghe và tập một bản nhạc: Saving All My Love For You, trong đĩa đầu tay của Whitney. Chơi vơi, chống chếnh, gây gấy sốt, một cảm giác vừa ốm bệnh vừa vui sướng.
Dị thường. Chị có một giọng hát dị thường. Tôi đã nghe nhiều ca sĩ da đen nổi trội, ai cũng có điểm đáng phục, nhưng chỉ có chị mới khiến người ta chơi vơi chống chếnh và gây gấy sốt. Clive Davis, người phát hiện ra tài năng của chị, đã nói, “Nghe cô gái trẻ ấy hát, bạn sẽ trông thấy lửa phát ra ở từng làn hơi. Không ai như vậy cả. Không có một Whitney Houston nào khác trên đời!”. Tôi chợt nhớ đến một chuyện, vào thời điểm 1990 thì phải, quảng cáo xe máy Bonus trên truyền hình cắt một đoạn khoảng 24 giây bài All The Man That I Need của Whitney Houston từ album I’m Your Baby Tonight để rồi tối nào cũng nghe chị:
He fills me up, he gives me love |
Bài hát trên, đâu phải chị hát đầu tiên. Nó vốn được Dean Pitchford và Michael Gore viết cho nữ ca sĩ Linda Clifford vào năm 1982. Cũng như Dolly Parton từng hát I Will Always Love You rất lâu trước khi Whitney Houston hát lại và khiến nó bất hủ. Bao giờ chị cũng hát khác. Hay, thì đã đành; nhưng đâu phải ai cũng làm được việc khác thường.
Chị sinh ra đã có một thanh quản khác thường. Âm vực rộng ba quãng tám rưỡi (từ Sol đến Si giáng) đầy đặn, mượt, vang đều ở tất cả các nốt, ví như cây vĩ cầm Stradivarius. Không tin, bạn hãy nghe lại đoạn mở đầu không nhạc đệm bài I Will Always Love You mà tôi vừa nhắc. Giọng hát chị như một tượng đài đánh dấu bước nhảy của âm nhạc từ thế kỷ 20 sang thế kỷ này. Một giọng mezzo-soprano vô song.
Và một nghệ sĩ lớn. Nghệ sĩ lớn không làm trò. Nghệ sĩ khác phường tuồng ở chỗ họ không cần mánh khóe nịnh nọt công chúng, không màu mè khôn khéo; nghệ sĩ như chị chỉ cần hiện ra và hát. Hát như một hành động của lương tri (hãy nhớ rằng Whitney Houston là người ủng hộ Nelson Mandela nhiệt thành; chị từ chối tất cả các lời mời đến từ nơi chị cảm thấy có sự phân biệt chủng tộc với Nam Phi), hát như hành động cứu rỗi người nghe và cứu rỗi chính mình. Cách chị làm việc với một ca khúc cũng đặc biệt: đối với chị, một bài hát là một kiến trúc hoàn chỉnh và ta phải dành cho mỗi chi tiết một sự đối đãi riêng; bao giờ chị cũng tiết chế cảm xúc ở đoạn đầu, run rẩy một chút ở đoạn kế tiếp, rồi tập trung toàn bộ tinh lực và tình cảm để làm nên một cơn lốc, một trận gió giật ở điệp khúc - trận cuồng phong ấy sẽ giữ nguyên cường độ cho đến nốt nhạc cuối cùng. Cái mà chúng ta hay gọi là “cao trào”, Whitney Houston làm khác xa Céline Dion. Dion nồng nhiệt giả, đắm say vờ; còn chị là tạo ra trùng trùng điệp điệp những trận khóc cười như thể gom hết nước mắt nụ cười của chúng ta vào. Một cách trữ tình, và vô tư. Đầy tình yêu.
Và Whitney Houston đã để lại trên mặt đất này những tinh thể tình yêu.
Đón đọc bài 2: Lộng lẫy và u tối
Nhạc sĩ Quốc Bảo
Ca sĩ Mỹ Linh: Whitney đã không may mắn trong đời Whitney Houston có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ ca sĩ ở khắp nơi trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Với tôi, Whitney như một người thầy, tôi học được từ cô rất nhiều, từ cách hát, cách xử lý bài hát. Mỗi lần nghe cô hát tôi thấy cuộc sống vô cùng đẹp tươi, giọng hát của cô luôn làm tôi rung động đến từng tế bào. Khi cô ấy cất giọng là mọi thứ sáng bừng lên, giống như cô bước vào một căn phòng tối và bật đèn lên vậy. Khi trình diễn, đôi mắt của Whitney sáng, cái miệng thì như sinh ra để hát, lộng lẫy và rực rỡ vô cùng, còn sự chuyển động của cơ thể thì cực kỳ uyển chuyển, mọi thứ hòa quyện vào nhau rất hoàn hảo. Whitney có giọng hát trời cho. Và giọng hát ấy luôn đổi mới, không bao giờ dừng lại, mỗi một album của cô đều là một sự tìm tòi, thay đổi. Whitney ảnh hưởng lên nhiều người nhưng chẳng ai ảnh hưởng được đến cô ấy, đó là bản lĩnh, là tố chất của một diva thực thụ. Nếu trên sân khấu Whitney luôn làm chủ được mình thì, tiếc rằng, trong cuộc sống cô lại chưa làm được điều đó. Cô lấy phải một người chồng không hợp với mình để cuộc sống cứ thế xuống dốc. Điều ấy cho tôi một sự chiêm nghiệm, rằng trên đời, sau bản thân mình thì người mình yêu, mình chung sống là vô cùng quan trọng, người ấy có thể đưa mình lên đỉnh cao nhưng cũng có thể làm cho mình chìm xuống vực sâu. Ai rồi cũng phải đối mặt với buổi hoàng hôn của sự nghiệp nhưng với người châu Á thì có khác, bên cạnh sự nghiệp mình còn có gia đình, có đức tin, có sự trong lành và khiêm nhường. Cách đối mặt với sự xuống dốc của mỗi người cũng rất khác nhau do bản tính, văn hóa, cách ứng xử và nhận thức. Và Whitney đã không may mắn trong cuộc đời. V.A (ghi) |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất