Arsenal: Dù thế nào, Don Quixote vẫn sẽ lao vào cối xay gió

07/11/2013 14:00 GMT+7 | Arsenal

(Thethaovanhoa.vn) - Có thể Arsenal sẽ không đi hết con đường trải hoa hồng từ đầu mùa tới giờ. Có thể họ sẽ kết thúc mùa bóng trắng tay một lần nữa. Nhưng nếu đặt niềm tin vào họ, hãy yên tâm rằng khi cả thế giới bóng đá buông khí giới thì đội bóng này sẽ là Don Quixote cuối cùng vì bóng đá đẹp, ngay cả lúc họ thăng hoa, và ngay cả khi tuyệt vọng.

Tất nhiên, họ không phải là đại diện duy nhất của bóng đá đẹp vào thời điểm này. Dortmund vẫn nổi tiếng với lối chơi cống hiến dưới thời HLV Juergen Klopp, một người có tư tưởng tương tự ông Wenger, nhưng sôi nổi hơn. Tiki-taka của Barcelona là một trường phái sẽ còn được nhắc đến trong nhiều năm nữa, về cả tính thẩm mỹ, sự hiệu quả và triết lý bên trong nó. Lối chơi tấn công hủy diệt của Bayern Munich trong hai mùa giải vừa qua là rất ấn tượng, pha trộn hài hòa giữa kỹ thuật, cơ bắp và cả sự tinh tế.

Dù thế nào, Arsenal vẫn luôn tấn công

Nhưng không có một đại diện nào của bóng đá cống hiến lại truân chuyên như Arsenal. Dortmund ít ra đã giành Đĩa bạc hai mùa liên tiếp, và vào đến chung kết Champions League. Barcelona dưới thời Pep Guardiola có thể xem như một trong những tập thể thành công nhất mọi thời đại, còn Bayern hiện tại là một trong những thể lực mạnh nhất của bóng đá thế giới. Tất cả đều đang thành công với bóng đá đẹp, chưa ai phải rơi vào cảnh dùng dằng giữa triết lý cống hiến và đặt hiệu quả lên hàng đầu nhiều như Arsenal trong 8 năm trắng tay.

Đó là thử thách thậm chí chưa đội bóng nào trong lịch sử phải trải qua. Ông Wenger vẫn được Ban lãnh đạo tin tưởng, nhưng liên tục phải đối mặt với những chỉ trích từ dư luận trong gần một thập niên. Rằng Arsenal phải mua cầu thủ. Arsenal phải bớt ngây thơ đi. Bóng đá hiện đại không còn chỗ cho những đội bóng tiết kiệm quá mức như thế, và tin tưởng vào cái đẹp thuần khiết đến vậy...

Và vì thuần khiết, vẻ đẹp của Arsenal luôn đầy rủi ro. Barcelona triệt tiêu sự rủi ro ấy bằng cách giành quyền kiểm soát bóng càng nhiều càng tốt, vì đó là cách tốt nhất khiến cho đối phương không thể chơi bóng. Bayern thì mạnh mẽ và khoa học, thậm chí tàn nhẫn quá, không có cái chất lãng tử và đôi khi mù quáng của Pháo thủ. Cái đẹp của Arsenal giống như một nghệ sĩ đi dây qua vực thẳm, chông chênh và đầy hiểm nguy. Trận đấu của họ có thể trở thành một tráng ca, cũng có thể là một bi kịch.


Arsenal đang thăng hoa trong giai đoạn đầu mùa này.

Nhưng cái tinh thần cống hiến bất chấp mọi thứ có lẽ là điều khiến họ được yêu mến. Barca, Bayern và Dortmund đều có khả năng áp đặt lối chơi ổn định lên hầu hết các đội bóng ở châu Âu hiện nay. Arsenal thì không như vậy. Họ có thể chơi một trận áp đảo và thuyết phục như chiến thắng trước Liverpool vừa qua, nhưng cũng có thể bị nhấn chìm khi đôi công với đối phương có đẳng cấp cao hơn (như trận thua Dortmund ngay tại Emirates mùa này).

Nhưng dù có thể nào, thì Arsenal vẫn sẽ chơi tấn công. Dù đây không phải là thế hệ bất bại của mùa giải huyền thoại 2003-2004, tinh thần cống hiến của tập thể huyền thoại năm xưa vẫn nguyên vẹn. Tinh thần ấy đã được thử thách ngay cả trong trạng thái tuyệt vọng, và vẫn lấp lánh bất chấp những áp lực, chỉ trích. 2 năm trước, Arsenal đã chơi đôi công và thắng Barcelona đang trong giai đoạn thịnh trị ở vòng 1/8 Champions League. Mùa trước, họ cũng đã đánh bại Bayern, đội sau đó đăng quang Champions League với phong độ hủy diệt, ngay trên sân Allianz ở lượt về vòng 1/8.

Tinh thần cảm tử

Trước trận gặp Liverpool, Arsenal mất tiền vệ phòng ngự duy nhất lúc này là Mathieu Flamini. Hãy xem ông Wenger xoay sở: Thay vì đưa một hậu vệ lên thế vai ở vị trí đánh chặn, vốn là giải pháp “chữa cháy” thông thường, ông... tung thêm vào sân một tiền vệ công (Tomas Rosicky). Aaron Ramsey được kéo về chơi cặp với Mikel Arteta ở vòng tròn trung tâm, nhưng anh vẫn thường xuyên dâng cao và dứt điểm như thường lệ. 


Vì con đường đã chọn, Arsenal chiến đấu với tinh thần cảm tử.

Trên lý thuyết, đó là một sơ đồ chiến thuật rất thiếu cân bằng và đáng ra không thể có ở một trận cầu quan trọng như thế, với 4 tiền vệ công và duy nhất Arteta có thể chơi phòng ngự từ xa tốt (thực ra, anh thiên về cầm nhịp hơn là phòng ngự). Nhưng tinh thần cảm tử ấy mới là Arsenal. Họ là đội duy nhất ở Premier League ghi bàn trong tất cả các trận từ đầu mùa đến giờ, dù hàng công chỉ có một tiền đạo đáng tin cậy là Olivier Giroud. Arsenal tấn công bằng tất cả những gì họ có, dù đội hình hiện tại chỉ có 14-15 cầu thủ lành lặn, và không có gì đảm bảo ở phía sau.

Sự bảo thủ của ông Wenger có thể là nguyên nhân khiến Arsenal không còn là nơi hội tụ những siêu sao thế giới, nhưng nó cũng khiến đội bóng này bảo vệ bóng đá đẹp với một thái độ nghiêm túc đến thế trong mọi hoàn cảnh: Họ luôn tìm con đường chiến thắng khó khăn nhất, nói không với thực dụng và sự xảo quyệt. Các cầu thủ Barcelona đôi khi vẫn ăn vạ để tự bảo vệ mình, nhưng Arsenal thì không. Họ giữ cho chiến thắng của mình thật tinh khiết, dù áp lực danh hiệu vẫn gõ cửa dồn dập mỗi ngày. Họ cống hiến mà không hề có sự thỏa hiệp. Arsenal không chỉ cố gắng giành chiến thắng. Họ còn phải chơi tốt hơn đối phương và thắng một cách tâm phục khẩu phục.

Vì một chiến thắng hoàn hảo

Mùa giải bất bại cách đây 11 năm mãi là một tượng đài bất tử của phương thức chiến thắng: Arsenal không chỉ giành chức vô địch, mà còn khiến tất cả các đối thủ phải thừa nhận rằng không đội bóng nào xứng đáng như họ. Bây giờ, họ không có một đội hình mạnh mẽ như năm xưa, nhưng vẫn tấn công như Don Quixote lao vào cối xay gió.

Phải mất 8 năm để nhìn thấy đội bóng này bay cao với nhiều hy vọng đến thế, tức là để giành chiến thắng đúng theo cách ông Wenger mong muốn là điều có thể chỉ xuất hiện rất hiếm hoi trong lịch sử của một đội bóng. Cho đến thời điểm này thì chúng ta cũng chưa dám khẳng định rằng mùa bóng này của Arsenal liệu có khá hơn những mùa trắng tay trước hay không.


Liệu niềm tin của ông Wenger có được đền đáp?

Rất nhiều CĐV của họ cũng sẽ cảm thấy thiếu kiên nhẫn với sự bảo thủ và cực đoan của ông Wenger, một phần lý do khiến Arsenal không còn giữ được chất lượng đội ngũ như những năm tháng vàng son. Nhưng sự cực đoan ấy cũng là một nguồn cảm hứng hiếm thấy vào thời điểm này, khi các đội bóng nhà giàu nổi lên nhan nhản, những phí chuyển nhượng kỷ lục liên tiếp bị phá vỡ, và những người “tử vì đạo” như ông Wenger ngày một ít đi, vì áp lực thành công buộc tất cả phải thích nghi.

Nỗ lực để làm cho một chiến thắng trở nên hoàn hảo của ông và Arsenal có thể không khác gì Don Quixote đánh nhau với cối xay gió, nhưng những phút giây chứng kiến đội bóng này làm nên phép màu cho phép chúng ta nhìn thấy cái đẹp tinh khiết nhất của bóng đá. Và dù vẫn phải bực mình vì sự ngây thơ, đôi khi mù quáng và rất “cùn” của Arsenal, thì chúng ta có lẽ sẽ rất nhớ họ, nếu một ngày, Arsenal không còn chơi như thế nữa...

Phạm An

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm