LHP Cannes dậy sóng vì đuổi người không đi giày cao gót

20/05/2015 06:07 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Vì sao Phạm Băng Băng, Cate Blanchett, Lý Nhã Kỳ… uyển chuyển đến thế trên thảm đỏ LHP Cannes? Vì họ đi giày cao gót. Nhưng khi các khán giả nữ bình thường đi giày bệt đến sự kiện nổi tiếng này, họ lập tức bị “đá” ra ngoài.

Sau khi bị chỉ trích vì có ít nhà làm phim nữ tham gia, năm nay LHP Cannes đã nỗ lực gia tăng lượng đạo diễn và nhà sản xuất phim là nữ giới. Mặc dù vậy, LHP vẫn bị “soi” do thể hiện sự phân biệt giới tính ở những khía cạnh khác, một số thậm chí rất nhỏ nhặt.

“Một quy định vớ vẩn”

Theo Screen Daily, trong một tình huống bị cho là “sai lầm về tiếp thị hình ảnh” của LHP Cannes, một nhóm phụ nữ tầm tuổi 50 đã bị cấm vào buổi chiếu bộ phim Carol, ứng viên Cành cọ vàng năm nay.

Lý do là họ đã mang giày bệt đính kim cương giả, bị cho là không phù hợp với yêu cầu trang phục của LHP Cannes. Các vị khách không được tham gia buổi chiếu, dù trước đó không có hề có quy định thành văn là “khách mời nữ giới buộc phải đi giày cao gót”.

Ban tổ chức LHP Cannes không bình luận với báo chí về sự việc này, nhưng khẳng định đi giày cao gót là bắt buộc với các buổi sự kiện thảm đỏ.


Váy áo, giày dép là một phần không thể thiếu của LHP Cannes hiện nay. Trong ảnh là đoàn làm phim Carol trên thảm đỏ.

Mặc dù vậy, trong số các khách nữ bị đuổi khỏi sự kiện, có người khá lớn tuổi và gặp vấn đề về sức khỏe nên không thể đi giày cao gót. Vì vậy, sự việc tưởng như khá nhỏ này lại khiến ban tổ chức LHP Cannes vấp phải chỉ trích lớn.

Hàng loạt công chúng đã bày tỏ thái độ phản đối trên Twitter, cho rằng LHP Cannes phân biệt giới tính. “Đây là đỉnh cao của sự kỳ cục”, “Thế kỷ 21 rồi cơ mà”, hay “Tôi đợi xem các ngôi sao phản ứng như thế nào về việc này” là những bình luận của họ.

Một ví dụ tương phản là vào hôm 15/5, nữ diễn viên Ấn Độ Katrina Kaif, trong lần đầu được tham dự Cannes, đã tìm cách gây ấn tượng bằng trang phục. Để hợp với bộ váy hiệu Elie Saab, Kaif đi đôi giày cao gót cao tới 20cm, khi đến dự buổi chiếu phim Mad Max: Fury Road. Dĩ nhiên, cô nổi bật hơn các ngôi sao khác của Ấn Độ tại sự kiện.

Đạo diễn Asif Kapadia, người làm bộ phim tài liệu về cuộc đời nữ ca sĩ Amy Winehouse (cũng được chiếu tại LHP Cannes năm nay), viết trên Twitter rằng vợ ông cũng bị đối xử tương tự khi đi giày bệt, nhưng cuối cùng đã được cho vào.

Một khách mời thường xuyên của Cannes hàng năm nói với Screen Daily: “Tôi nghe nói điều này xảy ra nhiều lần rồi, ngay cả với những khách mời nữ lớn tuổi không thể đi giày cao gót vì điều kiện sức khỏe không cho phép. Thật là một quy định vớ vẩn”.

“Đôi khi những người tôi quen bị đuổi ra ngoài vì đi giày bệt, nhưng không phải kiểu giày dép dùng để đi trên bãi biển. Họ đều trên 50 tuổi. Ban tổ chức thậm chí còn nói rằng chị ấy nên ra ngoài mua đôi giày phù hợp rồi hãy quay lại” – vị này nói.

LHP điện ảnh hay cuộc diễu hành xiêm y?

Carol Perehudoff, một blogger chuyên viết về du lịch, cũng than phiền về quy định bất thành văn này của Cannes, khi không chào đón những phụ nữ đi giày bệt.

Trong bài viết đăng hôm 19/5 mang tên “LHP Cannes: Khi giày cao gót thay đổi mọi thứ”, Perehudoff cho rằng đây là “một thực tế đau đớn”. Perehudoff cho biết cô cũng đành sử dụng giày cao gót, vì muốn trông duyên dáng và kiểu cách hơn, nhưng ít nhất cô không đi “những đôi giày Louboutins với gót cao hơn 10cm”.

LHP Cannes là sự kiện hào nhoáng bậc nhất thế giới. Thảm đỏ LHP Cannes luôn là sàn diễn thời trang mơ ước của những ngôi sao màn bạc và cả những người chưa bao giờ diễn xuất. Thời trang chính là một trong những điểm thu hút nhất của sự kiện điện ảnh này, khiến LHP vừa bí ẩn, vừa vui vẻ.

Mặc dù vậy, LHP Cannes cũng bị chỉ trích là ngày càng bị ám ảnh với thời trang, thay vì chỉ dùng thời trang để tô điểm cho sự hào nhoáng của điện ảnh. Ngay giữa LHP năm nay, nữ diễn viên kỳ cựu Shabana Azmi (Ấn Độ) đã phải bày tỏ sự bức xúc vì dường như Cannes chỉ là sân khấu khoe váy áo của nhiều người.

Azmi viết trên Twitter: “Ngày nay Cannes như thể một cuộc diễu hành xiêm y vậy. Mọi người, đây là một liên hoan phim nghiêm túc, chứ không phải một sự kiện thời trang. Tại sao không tập trung vào phim ảnh và các nhà làm phim chứ?”.

Không chỉ phụ nữ mới bị ràng buộc bởi những nguyên tắc thời trang ở LHP Cannes. Đàn ông cũng bị yêu cầu phải đeo cà vạt khi lên thảm đỏ.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm