Lê Văn Thắng: Người Thanh Hóa trên tuyển

30/04/2013 14:29 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Đất Thanh Hóa đã, đang và hứa hẹn sẽ còn sản sinh ra rất nhiều nhân tài, ở đủ những địa hạt, ngành nghề của xã hội. Trong bóng đá, đó là Lê Văn Thắng.

Câu: “Địa linh sinh nhân kiệt”, hẳn rất hợp với mảnh đất ở đầu sóng ngọn gió này. Bóng đá xứ Thanh cũng không nằm ngoài guồng quay ấy và Văn Thắng, một trong số hiếm hoi những cầu thủ Thanh Hóa hiện còn đang thuộc biên chế đội tuyển Việt Nam, hẳn nhiên là người đương thời, là ngôi sao và là sự kỳ vọng của cả cộng đồng.

Ở hai trận đấu mới đây của Thanh Hóa tại V-League 2013, Văn Thắng đã ghi bàn. Một pha lập công vào lưới Vissai Ninh Bình, giúp xứ Thanh có một điểm mang về từ đất cố đô Hoa Lư và rồi Thắng đã lại xé rách mành lưới Xi Măng Vicem Hải Phòng theo cách quen thuộc: bật nhảy, lắc đầu ở cự ly gần.

Vượt khó

Thắng quê Nông Cống, một huyện nghèo bậc nhất của Thanh Hóa và cả nước. Sớm mồ côi, tuổi thơ của Thắng hẳn nhiên nhọc nhằn khi phải cõng trên lưng đứa em tật nguyền. Và bóng đá trở thành cứu cánh duy nhất để những đứa trẻ quê mùa như anh đổi đời. Mặc dù vậy, Thắng bắt đầu hơi muộn so với đồng đội, đồng nghiệp ở các tuyến trẻ Thanh Hóa, nhưng nhờ tố chất, lại được hưởng lợi từ cơ địa của một chàng trai lực điền, thêm sự chịu khó khổ luyện, anh phát tiết khá nhanh.



Lê Văn Thắng là quân bài dự bị chiến lược của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Hoàng Văn Phúc. Ảnh: V.S.I

Năm 2007, chỉ hai năm sau khi tập bóng đá, Thắng có tên trong đoàn quân chiến thắng U17 Việt Nam, tại một trong những giải đấu quốc tế đầu đời. Ở tuổi đôi mươi, Lê Văn Thắng đã là hạt nhân của đội bóng quê hương, chinh chiến V-League, trước khi được cất nhắc lên tuyển, đá SEA Games 2011 trên đất Indonesia. Nghe thì có vẻ chóng vánh, nhưng với những cầu thủ thuộc biên chế các đội bóng nhỏ như Thanh Hóa, đấy lại là một hành trình dài.

Khi mới lên tuyển, Thắng bị cho là khá quê mùa, từ đôi giầy cho đến những chiếc điện thoại. Phải cần rất nhiều những lời động viên của các đồng đội đàn anh, như Đình Tùng, hay sự vỗ về của các thầy, mà huấn luyện viên Phan Thanh Hùng là một trong số đó, Thắng mới trụ lại được, để rồi dần lấy được chỗ đứng trong đội hình các đội tuyển quốc gia. Thắng biết xuất phát điểm của mình từ đâu và như thế nào, nhưng anh vẫn có những thứ đáng để tự hào mà người khác không thể làm được.

“Ngay từ lần đầu tiên huấn luyện Thắng, tôi đã biết đây là cầu thủ có tố chất và có thể phát triển lên một tầm cao. Đó là vòng chung kết U17 Đông Nam Á được tổ chức tại Nam Định. Thắng xuất phát ở vị trí tiền vệ công, tuy nhiên, cậu ấy thường xuyên xuất hiện trong khu vực cấm địa của đối phương, nhờ nền tảng thể lực sung mãn. Rất nhiều những bàn thắng mà Văn Thắng có được, đều đến theo cách di chuyển này”, huấn luyện viên Phan Thanh Hùng chia sẻ.

Thanh Hóa có công sinh ra Thắng, đào tạo và cho cầu thủ này những cơ hội đầu đời, nhưng ông Phan Thanh Hùng hẳn phải là một trong những người có công đầu trong việc nâng tầm tiền vệ đeo áo số 10 lên một đỉnh cao mới. Khoác áo đội tuyển quốc gia, trăm người mới có một, tiếp đó, để được đứng trong đội hình chính, là không hề đơn giản. Tất nhiên, mọi thứ không tự nhiên đến với Văn Thắng, mà nó được đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu.  

Để giàu có

Đời sống bóng đá sung túc giúp Thắng có của ăn của để. Ngay lúc này, Thắng cũng Iphone, Ipad rồi, chứ không còn quê một cục như cách đây đôi ba năm về trước nữa. Thắng giờ lên xe ra sân tập, cũng lủng lẳng một sâu máy nghe nhạc hay máy tính bảng lướt web. Và tất nhiên, Thắng cũng Facebook, cũng chat chít. Thắng thậm chí có cả fan hâm mộ. Với rất nhiều những bàn thắng ghi được, Thắng liên tục được báo chí nhắc tới, thậm chí được lên trang bìa…

Tâm lý chung của đại đa số những đứa trẻ sinh ra từ nghèo khó, với miếng ăn bữa no bữa đói, đấy là muốn được giàu có để đổi đời. Không thể nói là bóng đá đã không đem lại những cơ hội tuyệt vời cho những người như Thắng, thậm chí nó còn là sự cứu cánh. Trong cơn bão của bóng đá chuyên nghiệp, với rất nhiều những thú vui xã hội mà giới cầu thủ từng cho là thời thượng, nhiều người đã lo ngại Thắng sẽ mất chất. Với rất nhiều tấm gương tày liếp, lo lắng ấy là có thật!

Nhưng, Văn Thắng kể muốn hư cũng khó, bởi anh không thuộc mẫu cầu thủ hào hoa, điển trai, ngược lại nếu không muốn nói là xấu. Thêm nước da đen nhẻm, Thắng nếu có diện bộ cánh đắt tiền vào, e cũng không hợp. Ngoài ra, phải kể đến môi trường bóng đá Thanh Hóa là tương đối thuần. Các đội tuyển quốc gia sau này cũng thế, sau cuộc cách mạng khá triệt để về nhân sự, tạo bầu không khí trong lành hơn. Vẫn có câu: “Họa từ phúc mà ra, phúc từ họa mà có”. Thắng khá may mắn!

Rất nhiều cầu thủ xứ Thanh đã ra đi, thành công có, thất bại cũng nhiều. Một số khác trở về, như trung vệ đội trưởng Bật Hiếu. Trong quá khứ, đã có thời điểm Thắng muốn ra đi, muốn có tiền tỉ chuyển nhượng như anh Tùng (cựu tiền đạo U23 Việt Nam, Hoàng Đình Tùng), nhưng rồi mọi ý định được gác lại. Bởi Thắng biết, chỉ ở đội bóng quê hương, anh mới có nhiều hơn những cơ hội thi triển. Đời sống cầu thủ xứ Thanh lúc này cũng đâu thua chị, thua em?!

Những người gần với Văn Thắng cho rằng, cứ như thế này, có khi lại hay. Tức là Thắng, cứ mộc mạc, cứ cháy hết mình trên sân bóng, bùng nổ và tự tưởng thưởng cho chính mình bằng những bàn thắng, có thể tuổi nghề sẽ được kéo dài. Văn Thắng đã từng thổ lộ mình thần tượng nhất anh Đình Tùng, nhưng giờ Tùng đang chìm dần trong màu áo XMV.HP và ở tuổi 25, sự nghiệp của Tùng “con” đã ở sườn bên kia. Thắng được quyền rút kinh nghiệm cho mình.

Đã chơi cho đội một Thanh Hóa từ vài năm nay, là thành viên của các đội tuyển quốc gia như U23 Việt Nam, Tuyển Olympic, rồi đội tuyển Việt Nam…, nhưng thần tượng lớn nhất của Văn Thắng đơn giản chỉ là đàn anh, đồng đội cũ Hoàng Đình Tùng. Niềm vui lớn nhất và duy nhất của cầu thủ có nước da đen nhẻm này là những bàn thắng và chiến thắng cùng đội bóng. Giản dị thế thôi! Cách mà cầu thủ này biểu hiện cảm xúc ở trên sân vì thế cũng rất mộc, thậm chí rất buồn cười, sau những tình huống hỏng ăn. Thắng ôm mặt, đập hai tay huỳnh huỳnh xuống đất, sau những thất vọng trên đất Indonesia hồi SEA Games 26, anh đã khóc hết nước mắt.

 

CCKM

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm