24/03/2023 16:45 GMT+7 | Văn hoá
Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý I năm 2023 diễn ra ngày 23/4 tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện các đơn vị chức năng đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến Hãng phim truyện Việt Nam.
Đây cũng là vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm, các văn nghệ sỹ gạo cội lên tiếng nhiều trong thời gian gần đây.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy thẳng thắn khẳng định: Về những vấn đề liên quan đến Hãng phim truyện Việt Nam, quan điểm và định hướng của Bộ là nhìn thẳng vào những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp cụ thể, tháo gỡ từng bước. Vì đây không phải là vấn đề trước mắt mà là lâu dài, đã có từ trước, không thể chỉ giải quyết một việc mà là rất nhiều việc.
Liên quan đến việc triển khai kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất với Thủ tướng các giải pháp tháo gỡ dứt điểm những vấn đề liên quan hãng phim, từ đó ổn định và có định hướng phát triển hãng phim trong thời gian tới theo đúng quy định hiện hành.
Nhà đầu tư chiến lược không tích cực hợp tác
Chia sẻ thông tin tại họp báo, bà Phan Linh Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu rõ: Năm 2019, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có kết luận đề nghị Bộ thu hồi lại số cổ phần đã bán và hoàn vốn cho nhà đầu tư là Tổng Công ty Vận tải thủy VIVASO. Ngay sau đó, Bộ đã triển khai một loạt các nội dung, đặc biệt là gặp gỡ trao đổi văn bản với nhà đầu tư. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là đến nay, VIVASO vẫn chưa đưa ra được văn bản tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ để tiến hành các thủ tục có liên quan. Đơn vị này chưa có đề xuất cụ thể về số tiền nhận lại để thực hiện hoàn trả cổ phần cho nhà nước đã mua tại Hãng Phim truyện Việt Nam.
Tuy VIVASO không tích cực hợp tác nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành dự thảo văn bản gửi xin ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về phương thức xử lý. Câu trả lời là việc ban hành quyết định thu hồi cổ phần và hoàn trả tiền cho VIVASO mà không có sự thống nhất giữa hai bên là không phù hợp. Do vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không thể đơn phương thực hiện vấn đề này. Ngoài ra, sẽ còn có khó khăn về nguồn tiền chi trả khi nhà đầu tư đưa ra được con số chính xác, cụ thể và hợp lý hợp lệ theo quy định.
Bà Phan Linh Chi nêu rõ: Việc tìm nhà đầu tư chiến lược mới cho hãng phim đã được đặt ra từ lâu. Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm nhà đầu tư mới. Nhưng điện ảnh là ngành đặc thù và khó khăn khi thực hiện trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19; sự quan tâm của các nhà đầu tư nói chung với việc cổ phần hóa hãng phim này là chưa có...
Phim gốc đang được lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam
Cũng có thông tin cho rằng các bản phim đang lưu giữ tại Hãng Phim truyện Việt Nam là di sản quý nhưng hầu hết đều rơi vào tình trạng hỏng hóc và không thể phục hồi do không được quan tâm bảo quản.
Về vấn đề này, bà Phan Linh Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết: Hãng Phim truyện Việt Nam lưu trữ tất cả 291 phim tại hãng nhưng đều là bản copy. 278 phim được nhà nước đầu tư đều có bản gốc đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. 13 phim không lưu tại Viện Phim Việt Nam là những phim hãng làm theo đơn đặt hàng của các đơn vị bên ngoài. Vì thế, chúng ta yên tâm là các bản phim gốc đang được bảo quản tốt và không lo sợ sẽ bị mất mát.
Về bản quyền sử dụng, khai thác với những tác phẩm điện ảnh của Hãng Phim truyện Việt Nam, theo quy định của pháp luật, Nhà nước sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp Nhà nước đầu tư kinh phí để đặt hàng hoặc đấu thầu. Do đó, khi các cá nhân, tổ chức muốn khai thác sử dụng 278 tác phẩm của Hãng Phim truyện Việt Nam sẽ phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, trong trường hợp này là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...
Về câu hỏi liên quan đến đời sống của các cán bộ, công nhân viên, văn nghệ sỹ Hãng phim theo quy định khi công ty cổ phần hoạt động, VIVASO có quyền quyết định chi phối các hoạt động trong công ty. Tuy nhiên, thực tế là có vướng mắc giữa Ban lãnh đạo với người lao động nên 5 năm qua công ty không triển khai hoạt động. Chính vì thế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị xem xét giải quyết thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho VIVASO để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết tận gốc các vấn đề, đảm bảo quyền lợi cho người lao động...
Quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam diễn ra từ năm 2014, dự kiến năm 2015 hoàn thành nhưng kéo dài tới 2016 mới tìm được cổ đông chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy VIVASO. Công ty này hoàn tất quá trình mua lại Hãng Phim truyện Việt Nam vào tháng 6/2017. Tuy nhiên, những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa tại đã được Thanh tra Chính phủ kết luận theo Văn bản số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để VIVASO rút vốn trước thời hạn. Cho đến nay, mọi hoạt động tại đây vẫn ngưng trệ, các văn nghệ sỹ, người lao động của hãng không có việc làm, thất nghiệp, bị cắt toàn bộ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Ngày 17/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc trụ sở Hãng Phim truyện Việt Nam hoang tàn, đổ nát, tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới và có phương án xử lý tồn tại...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất