Vụ tranh chấp Messi: FIFA... đơn độc

24/07/2008 11:15 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Gió đang đổi chiều. Sở dĩ trong những ngày qua, phía Barca có thể làm căng với AFA không chỉ là vì họ đang "nắm" Messi trong tay, mà còn vì họ nghĩ rằng mình đang nhận được sự đồng tình từ phía FIFA, được hiểu qua thái độ im lặng tuyệt đối của tổ chức quyền lực nhất trong thế giới bóng đá này.
 
Tuy nhiên, đến ngày hôm qua, thì lợi thế ấy của Barca xem như không còn nữa. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter, thông qua Thông tư số 1.153, đã một lần nữa khẳng định rằng việc các CLB trả cầu thủ dưới 23 tuổi về cho các đội tuyển Olympic là điều bắt buộc. Với các cầu thủ trên 23 tuổi, trả hay không trả là tùy thuộc vào quyết định của các CLB, dù phía FIFA hoàn toàn khuyến khích các đội bóng tôn trọng quyết định của các cầu thủ. Như vậy, theo FIFA, Barca chẳng có lý do gì để ngăn Messi, cầu thủ năm nay mới 21 tuổi, sang Trung Quốc dự Olympic 2008 cả.
 

Tuy nhiên, chính Thông tư số 1.153 ấy của FIFA đã lộ ra những kẻ hở chết người mà phía Barca hoàn toàn có thể khai thác. Trong Thông tư ấy, Blatter một mặt khẳng định rằng việc trả người cho các trận đấu quốc tế thuộc hệ thống lịch thi đấu của FIFA là điều bắt buộc, mặt khác lại thừa nhận rằng các trận đấu ở Olympic không nằm trong lịch thi đấu kể trên. Lý do, theo FIFA, mà các đội bóng phải trả người khá mơ hồ: Olympic là một giải đấu có tính chất đặc biệt, vì thế, cần phải nhận được thái độ tôn trọng đặc biệt. Mơ hồ hơn, Nghị định này không đưa ra được hình thức xử phạt cụ thể nào trong trường hợp các CLB cố tình vi phạm. Tất cả chỉ dừng lại ở tuyên bố rất chung chung: "Việc không để các cầu thủ dưới 23 tuổi được về tập trung với đội Olympic các quốc gia là hành động đi ngược lại với tinh thần Olympic".

Như vậy, về cơ bản, Nghị định nói trên chỉ cho thấy được một điều là FIFA không ủng hộ hành động giữ người của Barca, còn cấm hay không và cấm bằng hình thức nào thì FIFA cũng chưa có chế tài cụ thể. Ngay cả phía LĐBĐ Argentina (AFA) cũng chẳng dám hi vọng nhiều vào sự ủng hộ của FIFA. Ông Julio Grondona, Chủ tịch AFA đồng thời là phó Chủ tịch FIFA, trong bài trả lời phỏng vấn vào ngày hôm qua cũng chỉ có thể trả lời nước đôi rằng, "nếu Messi không được dự Olympic Bắc Kinh thì đó sẽ là một điều hết sức đáng tiếc". Tất cả những gì Grondona có được vào thời điểm này là lời hứa sẽ cho phép Messi góp mặt ở Thế vận hội từ phía Chủ tịch Barca, ông Joan Laporta. Còn bao giờ điều đó xảy ra, trước giải hay sau khi vòng bảng kết thúc, thì Grondona không thể nói chắc được.

Và thực tế, kể cả khi FIFA đã ra mặt ủng hộ các LĐBĐ, thì Barca vẫn không hề đơn độc trong cuộc chiến này. Ngay sau khi Sepp Blatter công bố Thông tư 1.153 nói trên, cả LFP (Ban tổ chức giải chuyên nghiệp TBN) và ECA (Hiệp hội các CLB châu Âu) đều đồng loạt lên tiếng ủng hộ Barca. LFP cho rằng "Olympic không hề nằm trong hệ thống lịch thi đấu quốc tế từ 2008 đến 2014 mà FIFA vừa ban hành vào tháng 1/2007, do đó các đội bóng không bắt buộc phải trả cầu thủ của mình như ở các trận đấu quốc tế khác". Trong khi đó, Chủ tịch ECA, ông Karl-Heinz Rummenigge, cũng khẳng định sẽ ủng hộ Barca hết mình trong trường hợp này, với lý lẽ tương tự là "Olympic không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA". Mỉa mai hơn, Rummenigge còn đề nghị FIFA nhân vụ Messi mà soạn ra những quy định cụ thể hơn liên quan đến vấn đề trả quân cho Olympic.

Có thể, và cũng chỉ là có thể, Messi sẽ bị FIFA cấm tham dự các trận đấu cấp CLB trong thời gian diễn ra Olympic 2008 (từ 7 đến 23/8), đồng nghĩa với việc tiền đạo này sẽ không thể tham dự cả 2 trận lượt đi và lượt về ở vòng sơ loại thứ 3 Champions League cùng Barca. Đó là hình phạt mà phía Barca sẵn sàng vui vẻ đón nhận, bởi dù sao thì như vậy cũng tốt hơn nhiều so với việc để Messi đến Trung Quốc và sau đó phải thấp thỏm chờ đợi. Phạt hay không phạt thì việc giữ Messi ở lại vẫn cứ có lợi cho Barca. Nếu AFA còn muốn có được viên ngọc quý nhất của mình, thì tốt nhất là họ nên nhượng bộ. Để Messi chơi xong trận lượt đi vòng sơ loại thứ 3 Champions League chẳng hạn...

Liverpool "ăn theo"

Những tranh cãi liên miên giữa các đội bóng ở Bundesliga và Barca liên quan đến vấn đề trả người cho Olympic đã đánh động Liverpool, đội rất miễn cưỡng khi để Mascherano, Leiva và Babel về tập trung với các đội tuyển O. Argentina, O.Brazil và O.Hà Lan. Theo Thông tư mới nhất của FIFA, thì riêng với trường hợp của Mascherano, Liverpool không bị bắt buộc phải trả người. Trong khi tiếp tục chờ xem FIFA hành xử thế nào với vụ Messi để áp dụng cho các trường hợp của Babel và Leiva, Liverpool hoàn toàn có thể giữ Mascherano lại.

Sẽ có "Luật Messi"

FIFA dù nói cứng vẫn không thể ép Barca để Messi sang Trung Quốc, bởi chẳng có luật nào quy định như vậy cả. Rất có thể, hai bên sẽ phải kéo nhau ra CAS (Tòa án thể thao quốc tế), và phán quyết của CAS nhiều khả năng sẽ là sự khởi đầu cho một điều luật mới, tương tự như luật Bosman hay luật Webster. Dù gì, thì chắc chắn là trong thời gian sắp tới, FIFA sẽ phải soạn thêm những điều khoản mới liên quan đến việc trả quân cho Olympic, theo như gợi ý của Rummenigge. Khi ấy, họ có gọi đó là "Điều khoản Messi" chắc cũng không ai phản đối!
 
Việt Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm