Vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước: Phá sản hàng loạt ‘Thuyết âm mưu’

13/07/2015 06:21 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) – 1. Trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước, hai nghi phạm Nguyễn Hải DươngVũ Văn Tiến đã nhận tội với nhiều chứng cứ thuyết phục, từ hung khí gây án đến các tang chứng lấy đi từ nhà nạn nhân. Phiên tòa xét xử sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Đây là vụ án mạng kinh hoàng, gây chấn động toàn xã hội. Đi đâu cũng thấy người ta bàn tán xôn xao về vụ việc, từ quán trà đá vỉa hè, đến văn phòng, từ mâm cơm gia đình đến quán bia hơi chém gió… Xôm tụ nhất là trên mạng với hàng loạt diễn đàn và đặc biệt là facebook. Khi thảm án xảy ra và cả khi công an đã thông báo kết quả điều tra, những giả thuyết, “thuyết âm mưu” xung quanh vụ án không ngừng được đặt ra.

Trên mạng xã hội đầy rẫy những giả thiết "tỏ ra nguy hiểm" như: Có biến trong vụ thảm sát, nạn nhân thông đồng với nghi can cõng rắn cắn gà nhà; Bé gái không bị giết chính là con của đối tượng Nguyễn Hải Dương nên được toàn mạng; Không thể có chuyện hai tên cướp dở này có thể ra tay hạ sát cả một gia đình 6 người, phía sau đó phải là xã hội đen, sát thủ chuyên nghiệp hay thế lực ngầm nào đó. Thậm chí có người đặt ra giả thiết "sau khi thảm sát các sát thủ trốn sang Campuchia".


Hai nghi phạm Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến

Hay ý kiến nghi vấn như: “Tại sao chúng lại giết 6 người bằng cách như IS? Động cơ, suy nghĩ gì lại giết người bằng phương pháp ghê tởm đó, trong khi tất cả bọn họ đều đã bị khống chế trói chân tay và bịt miệng? Không thể nào tin được là với 2 kẻ, một canh cổng và một giết người lại có thể khống chế toàn bộ 6 người mà không xảy ra xô xát nào”.

Rồi: “Qua mô tả tình tiết vụ thảm sát thì thủ phạm phải là một nhóm 4 hoặc 5 người có đào tạo chuyên nghiệp và rất bản lĩnh. Chúng làm theo mệnh lệnh và chắc chắn vụ này không phải do hai tên này làm nên. Và có khả năng rất lớn đây là vụ án giết người bịt đầu mối hoặc thanh trừng…”.

Muôn vàn âm mưu được thêu dệt lên như xưa nay vẫn từng xảy ra theo cách “một đồn mười, mười đồn trăm”, “góp gió thành bão”.

2. Tại sao lại nở rộ những âm mưu với tình tiết ly kỳ như vậy? Theo từ điển Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia: Thuyết âm mưu (conspiracy theories) hay thuyết ngờ vực là cách lý giải những vấn đề kinh tế, xã hội… theo hướng gán cho chúng những âm mưu bí mật của các thế lực ngầm đứng đằng sau. Một giả thuyết âm mưu là một giả thuyết mang tính giải thích theo kiểu buộc tội một nhóm người hay một tổ chức gây nên hoặc đứng đằng sau một sự kiện, một hiện tượng.

Thuyết âm mưu nghe qua rất hấp dẫn, ly kỳ nên được nhiều người bàn tán, thêm thắt các chi tiết. Đáp ứng nhu cầu tò mò, phức tạp hóa vấn đề của dư luận, trên thế giới báo chí thường xuyên đăng các câu chuyện do giới theo thuyết âm mưu kể hay phân tích.

Trên lý thuyết, thuyết âm mưu được hình thành từ sự phản biện nên về bản chất, thuyết âm mưu là tốt. Nó tôi luyện cho con người sự hồ nghi cần thiết trước những sự vật, hiện tượng. Nhiều nhà điều tra đã thành công khi tìm ra sự thật với những thuyết âm mưu sau đó được củng cố bằng luận cứ vững chắc. Song, gieo rắc thuyết âm mưu thái quá sẽ là thảm họa về tình người.


Đám tang các nạn nhân

Tại sao con người ta ưa thích “thuyết âm mưu”? Nhà tâm lý Susan Blackmore, người sau bốn mươi năm nghiên cứu các hiện tượng xuất hồn hay thoát xác đã phải đưa ra định luật Blackmore thứ nhất vào năm 2004: “Niềm tin của con người vào các hiện tượng dị thường lớn hơn mọi chứng cớ phản bác”. Bà và giới khoa học hoàn toàn bất lực trong việc thuyết phục mọi người rằng, các hiện tượng tâm linh không có thật.

Trí tưởng tượng trong nhận thức của con người quá mạnh, nhất là khi nó có chất xúc tác là một câu chuyện ly kỳ. Trong tâm lý, tưởng tượng là một quá trình phản ánh những cái chưa từng có trong kinh nghiệm của cá nhân bằng cách xây dựng những hình ảnh mới dựa trên cơ sở của những biểu tượng đã có. Giá trị của tưởng tượng chính là ở chỗ tìm được lối thoát trong hoàn cảnh có vấn đề, ngay cả khi không đủ điều kiện để tư duy. Tưởng tượng cho phép “nhảy cóc” qua một vài giai đoạn nào đó của tư duy mà vẫn hình dung ra được kết quả cuối cùng. Song đây cũng chính là chỗ yếu trong giải quyết vấn đề của tưởng tượng vì thiếu chuẩn xác.

Hẳn sẽ nhiều người hụt hẫng khi vụ thảm sát thiếu những tình huống ly kỳ, nghẹt thở như trong những truyện trinh thám kinh dị. Hai nghi phạm thủ ác chỉ là những tên mặt non choẹt mà không thấy bóng dáng sát thủ chuyên nghiệp nào…như trong trí tưởng tượng của họ. Nhưng dẫu sao thì cũng khó ngăn họ tưởng tượng vì đó luôn là thứ người ta đem ra để "buôn bán", để chém gió mỗi khi có chuyện xảy ra.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm