Vụ quyền nhân thân tác phẩm của Ngô Tất Tố: 'Đòi hỏi văn bản lý tưởng là sai lầm'

19/12/2014 07:01 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Điểm mấu chốt trong cuộc tranh cãi về quyền nhân thân các tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố vừa qua là câu hỏi “Sử dụng bản in nào là chuẩn nhất?”. Câu hỏi này có thể có đáp án tuyệt đối hay không?

Theo con gái (bà Ngô Thị Thanh Lịch) và con rể (ông Cao Đắc Điểm) của nhà văn Ngô Tất Tố, bản in các tác phẩm Tắt đèn, Lều chõng, Việc làng do chính họ biên soạn, đã đăng ký quyền tác giả biên soạn với Cục Bản quyền, là chuẩn mực.

Còn theo công ty Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, những đơn vị vừa in Lều chõng Việc làng trong năm 2014, bản mà họ chọn (sách do NXB Mai Lĩnh in lần đầu) là “khả tín nhất”. Mâu thuẫn này dẫn đến việc gia đình Ngô Tất Tố đe dọa sẽ kiện NXB Hội Nhà văn (đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản) vì “vi phạm quyền nhân thân”, như Thể thao & Văn hóa đã thông tin hôm 15/12.

Không bắt buộc phải dùng “tác phẩm phái sinh”

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, ông Điểm và bà Lịch đưa ra các bản in tác phẩm của Ngô Tất Tố đứng tên “Cao Đắc Điểm và Ngô Thị Thanh Lịch sưu tầm, biên soạn, và chú giải”. Tổng cộng gồm 16 đầu sách gồm cả tác phẩm lẫn những cuốn viết về chân dung, cuộc đời nhà văn Ngô Tất Tố. Tất cả đều được đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền Tác giả văn học – nghệ thuật.


Bản photo giấy chứng nhận quyền tác giả biên soạn các cuốn “Tắt đèn”, “Lều chõng” và “Việc làng” cấp cho con gái và con rể Ngô Tất Tố. Ảnh: Hạ Huyền

Trong một bản in Tắt đèn của NXB Văn học do ông Điểm và bà Lịch biên soạn, có ghi chú: “Để bảo vệ vô thời hạn quyền nhân thân của tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ, từ nay về sau, kiến nghị các cơ quan chức năng chỉ cấp giấy phép xuất bản theo đúng “nguyên bản chuẩn tiểu thuyết Tắt đèn” mà lần này NXB chúng tôi được ủy quyền xuất bản”.

Cũng theo ông bà, bất cứ đơn vị xuất bản nào về sau cũng nên sử dụng bản do họ biên soạn để in sách.

Mặc dù vậy, đây là đề xuất từ phía gia đình hoặc một NXB (Văn học), không phải quyết định của cơ quan chức năng. Nhìn từ góc độ pháp luật, luật sư Điêu Ngọc Tuấn, thạc sĩ về Luật Sở hữu trí tuệ, nhận định: “Tác phẩm được sưu tầm, biên soạn thành một cuốn sách được coi là tác phẩm phái sinh, cần phân biệt với tác phẩm gốc do tác giả sáng tác. Tác giả biên soạn cũng khác với tác giả sáng tác. Quyền của tác giả biên soạn được bảo hộ nhưng chỉ trong phạm vi hẹp, ở chính tác phẩm phái sinh đó”.

“Các đơn vị xuất bản không bắt buộc phải dùng tác phẩm phái sinh. Nếu dùng, họ phải trả tiền bản quyền cho tác phẩm phái sinh và tác giả biên soạn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là tác phẩm gốc. Nếu lựa chọn dùng tác phẩm gốc đã hết thời hạn bảo hộ quyền tài sản, đơn vị xuất bản không phải trả tiền bản quyền” – luật sư Tuấn nói với Thể thao & Văn hóa.

Bản in nào mới là chuẩn mực?

Tiêu chí quan trọng nhất của Nhã Nam trong cả bộ sách Việt Nam danh tác, trong đó có 2 tác phẩm của Ngô Tất Tố, là “ưu tiên in theo bản in sách đầu tiên”. Quan điểm này không phải không gây tranh cãi, theo một dịch giả, bản in cuối cùng trước khi nhà văn qua đời nhiều khả năng mới là bản in ưng ý nhất, qua nhiều lần được nhà văn đó chỉnh sửa theo ý nguyện.

Nhưng trong tọa đàm về bộ sách Việt Nam danh tác tối 17/12, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhắc lại một kinh nghiệm của ông. Khi ông nghiên cứu về văn bản Giông tố của Vũ Trọng Phụng và công bố các bản in khác nhau trong cuốn sách Nghiên cứu văn bản tiểu thuyếtGiông tố (NXB Tri thức 2007), có một ý kiến phê bình rất nghiêm khắc của dịch giả Phạm Vĩnh Cư.

Lời nhận xét đó là: “Dường như tác giả (Lại Nguyên Ân – TT&VH) hướng đến một văn bản lý tưởng, đó là một sai lầm”. Bởi khi nghiên cứu về văn bản Giông tố, Lại Nguyên Ân trình ra một văn bản ông cho là lý tưởng của tiểu thuyết này.

“Ông Cư nhắc tôi rằng, giới nghiên cứu văn bản quốc tế đã thống nhất là không có văn bản lý tưởng hay chuẩn tuyệt đối cho một tác phẩm, mà chỉ có những dị bản gắn với những thời kỳ khác nhau” – ông Ân nói.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm