Nhã Nam phủ nhận vi phạm quyền nhân thân của Ngô Tất Tố

16/12/2014 17:40 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc công ty Nhã Nam, người trực tiếp làm việc với nhóm sưu tầm sách cũ năm 1940 và 1941 của Ngô Tất Tố để tái bản trong năm nay, cho biết nhóm “không hề cắt bỏ nội dung” các tác phẩm.

Sáng 16/12, ông Vũ Hoàng Giang trao đổi với Thể Thao & Văn Hóa về việc con gái và con rể Ngô Tất Tố cho rằng các ấn bản này “vi phạm quyền nhân thân của nhà văn” khi xuất bản các cuốn Lều chõngViệc làng năm 2014 (Nhã Nam liên kết với NXB Hội nhà văn).

Bản in 2014 không cắt, sửa

* Là người trực tiếp làm việc với nhóm thực hiện các bản in “Lều chõng” và “Việc làng”, ông có phản hồi gì về ý kiến của gia đình nhà văn?

- Có ba điều tôi cần khẳng định. Thứ nhất, hai ấn bản Lều chõngViệc làng của Nhã Nam căn cứ vào những ấn bản chúng tôi cho là khả tín nhất, đó là bản in Lều chõng của NXB Mai Lĩnh năm 1941 và bản in Việc làng của NXB Mai Lĩnh năm 1940

Hơn nữa, nhà văn Ngô Tất Tố mất ngày 20/4/1954, vẫn trong thời Pháp thuộc, nên tôi nghĩ mọi bản in về sau đều ít khả tín hơn các ấn bản đầu. Còn như giả thiết cho rằng sau này cụ đã nhuận sắc (sửa chữa tăng chất lượng tác phẩm – Thể thao & Văn hóa), hoặc có di nguyện nhuận sắc, thì tôi nghĩ cần xem xét hết sức cẩn thận vì nếu không thì rất dễ sai, và đó mới chính là xâm phạm vào sự toàn vẹn của văn bản.


Sách cũ Lều chõng (1941), Việc làng (1940) cùng các bản in tương ứng của Nhã Nam năm 2014.

Thứ hai, ấn bản Lều chõngViệc làng năm 2014 của chúng tôi không tự ý cắt bỏ bất cứ một đoạn văn nào so với hai bản in của NXB Mai Lĩnh kể trên. Nhóm làm sách và đơn vị xuất bản không hề làm “phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”, những yếu tố thuộc quyền nhân thân do luật quy định. Chúng tôi làm việc với nguyên tắc tôn trọng tối đa văn bản vì đó chính là tiêu chí đầu tiên của nhóm chủ trương tủ sách này. Bởi vậy, theo tôi, đặt vấn đề “vi phạm quyền nhân thân” ở đây không đúng và nghe rất nặng nề.

Thứ ba, chúng tôi vẫn nhận trách nhiệm trước độc giả vì những lỗi morat trong quá trình biên tập và chế bản 2 cuốn sách. Đó là những lỗi sai đáng tiếc mà không một đơn vị xuất bản nào mong muốn. Theo thống kê của gia đình nhà văn, có 6 lỗi chính tả trong cuốn Việc làng, và 8 lỗi chính tả trong cuốn Lều chõng. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại và nếu đúng thì sẽ chỉnh sửa khi tái bản.

“Đầy đủ nhất có phải là chuẩn mực nhất?”

* Theo ông Cao Đức Điểm, con rể nhà văn Ngô Tất Tố, các bản in Nhã Nam căn cứ vào là thiếu chuẩn mực vì bị kiểm duyệt thời Pháp thuộc cắt bỏ nhiều chỗ. Ông nghĩ sao?

- Việc ông Điểm cho bản in báo năm 1939 là chính thức còn bản in sách năm 1941 là bị cắt xén và thiếu chuẩn mực, thì phải bàn luận thêm. Nếu xác định rõ đó là những đoạn bị cắt bỏ trái với ý nguyện tác giả thì có thể thận trọng bổ sung.

Chúng tôi mong muốn có sự tham gia của các chuyên gia văn bản để có được những văn bản chuẩn nhất của các tác phẩm. Nếu có văn bản do chính Ngô Tất Tố nhuận sắc thì không chỉ riêng chúng tôi, mà giới nghiên cứu văn bản cũng rất mong ông Điểm cung cấp để tham khảo.

Còn việc ông Điểm nói Nhã Nam “cắt bỏ gần 20 chỗ” trong Lều chõng thì phải khẳng định là không hề có so với bản 1941. Nếu như ông so với bản in trên báo, thì đó là quan điểm nghiên cứu riêng của ông, không thể coi là bắt buộc và áp đặt cho cả giới nghiên cứu và xuất bản. Và nên phân biệt đâu là đoạn bị kiểm duyệt cắt trái với ý muốn, đâu là đoạn chính tác giả đã hiệu chỉnh, cắt bỏ khi in sách.

Với cuốn Việc làng, ông Điểm cho rằng bản in 2014 đã cắt bỏ 2 đoạn văn ở phần 6 - Góc chiếu giữa đình và phần 12 - Một tiệc ăn vạ. Tôi xin giải thích từng phần một.

Ở phần 6 Góc chiếu giữa đình, trong sách của NXB Mai Lĩnh 1940 trang 42 có đoạn bị bỏ đi, ghi rõ dòng chữ “Kiểm duyệt”, ấn bản của Nhã Nam tuy không chú thích hay ghi rõ là đoạn văn bị “kiểm duyệt” thời Pháp thuộc, nhưng vẫn đăng nguyên trạng chứ không hề cắt bớt đoạn nào của tác phẩm. Còn ở phần 12 Một tiệc ăn vạ, chúng tôi đã so từng đoạn văn một thì thấy không sót đoạn nào.

Phải nói thêm là, quan điểm sưu tầm “văn bản tác phẩm phải đầy đủ nhất mới là chuẩn” chưa chắc đã ổn. Bởi lẽ các tác giả liên tiếp sửa chữa tác phẩm của mình, giữa bản đăng báo và bản in sách về sau là cả một sự khác biệt. Thường khi in sách tác giả sẽ biên tập, nhuận sắc lại. Bởi vậy không thể tùy tiện cứ thấy chỗ nào khuyết thiếu thì lại lấy bản in báo bổ sung cho bản in sách được, vì như thế hoá ra đi ngược lại thao tác làm việc của nhà văn. Bởi tác giả luôn nhuận sắc cho đến khi nào văn bản hoàn thiện mới thôi.


Đoạn viết về bản quyền in trong sách của Nhã Nam bị gia đình Ngô Tất Tố phản ứng.

* Gia đình Ngô Tất Tố còn chỉ trích việc viết trên trang lót của 2 cuốn sách: “Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ. Mọi hình thức xuất bản, sao chụp, phân phối dưới dạng in ấn hoặc văn bản điện tử, đặc biệt là việc phát tán trên mạng Internet mà không có sự cho phép bằng văn bản của NXB là vi phạm pháp luật và làm tổn hại đến quyền lợi của NXB và tác giả”. Theo họ, Nhã Nam không có tư cách “bảo hộ” các tác phẩm này.

- Tôi nghĩ ông Điểm đã hiểu lầm. Đoạn “Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ…” (tiếng Anh: “All rights reserved”) là những mẫu câu phổ biến mà các đơn vị xuất bản thường ghi trên sách để chống nạn làm sách giả (sao chụp, in lậu hoặc làm sách điện tử lậu – TT&VH). Các đơn vị xuất bản khác ở Việt Nam hay ở  các nước Anh, Mỹ, Pháp… đều làm như vậy. Khi cho rằng đoạn văn này nói riêng về các tác phẩm của Ngô Tất Tố thì đơn giản là hiểu lầm mà thôi.


Các đầu sách của Ngô Tất Tố do Cao Đức Điểm và Ngô Thị Thanh Lịch biên soạn.

Cần phân biệt giữa “ấn bản” và “bản quyền tác phẩm”

Cũng trong trang lót của Lều chõngViệc làng, Nhã Nam ghi 2 dòng chữ “Ấn bản đầu do (tên đơn vị báo hoặc NXB sách) thực hiện năm…”, và “Ấn bản 2014 của Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam”.

Nhiều người hiểu lầm đây là tuyên bố sở hữu bản quyền của Nhã Nam với các tác phẩm này, nhưng theo ông Vũ Hoàng Giang, đây đơn giản chỉ là một thông báo đơn thuần về một xuất bản phẩm do đơn vị xuất bản thực hiện chứ không hề có ý nghĩa về sở hữu bản quyền.


Trao đổi với Thể thao & Văn hóa vào trưa 16/12, ông Cao Đức Điểm cho biết, gia đình ông đang giữ những giấy tờ, tài liệu chứng minh bản in nào là bản in “nguyên gốc chuẩn mực” các tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố. Gia đình đang tập hợp các tài liệu này để công bố. Ông Điểm và vợ, bà Ngô Thị Thanh Lịch (con gái Ngô Tất Tố) là đồng tác giả biên soạn một số đầu sách của Ngô Tất Tố do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành, trong đó có cả Tắt đèn, Lều chõngViệc làng.


Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm